Tắc sữa 1 bên là hiện tượng các nang sữa của 1 bên ngực bị ứ đọng, sữa không thể chảy ra ngoài gây tắc. Tình trạng này thường gặp ở những mẹ mới sinh và đang nuôi con bằng sữa mẹ. Khi bị tắc sữa mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm vú, áp xe vú, u xơ vú thậm chí là ung thư vú. Bên cạnh đó, tắc sữa trong thời gian dài có thể làm lượng sữa của mẹ bị giảm đi đáng kể.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin cho mẹ sau sinh bị tắc tia sữa
1.1 Khi nào được gọi là tắc tia sữa?
Các nang sữa sản xuất ra sữa, sau đó sữa chảy theo các ống dẫn để đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, khi cho trẻ bú mẹ, dưới tác động của lực bú mút trên môi trẻ, sữa mẹ sẽ chảy dần ra bên ngoài. Trong trường hợp ống dẫn sữa bị hẹp lại, bít lại do có vật cản thì sữa không chảy ra ngoài được, đọng lại tạo thành vật cản. Cứ như vậy, càng nhiều sữa đổ về thì càng nhiều vật cản tạo thành chỗ tắc. Sữa chứa protein nên sau một thời gian sẽ có hiện tượng đông kết tạo thành cục sữa. Trong khi đã hình thành hòn tắc rồi mà sữa vẫn tiếp tục tạo ra sẽ gây nên sự căng giãn các ống tuyến sữa, chèn ép lấn sang các ống dẫn sữa khác và làm cho các ống dẫn khác cũng bị tắc giống như thế khiến cho tình trạng tắc sữa ngày một nặng hơn.
1.2 Sự khác nhau giữa tắc sữa 1 bên và tắc sữa 2 bên
Thông thường tình trạng tắc sữa sẽ xuất hiện ở một bên ngực trước, sau đó có thể tắc thêm bên kia. Nhưng đôi khi tình trạng tắc sữa xuất hiện cùng lúc ở hai bên. Không có sự liên quan giữa việc tắc ở bên này với tắc ở bên kia do tuyến sữa 2 bên hoàn toàn độc lập.
Theo thống kê, thường sẽ có 1 bên ngực hay gặp tình trạng tắc hơn bên còn lại. Nếu đã thông được một bên thì bên còn lại cũng có thể thông theo cách tương tự. Sự khác biệt khi bị tắc một bên và tắc hai bên đó là mức độ đau khi bị tắc cả hai bên sẽ nhiều hơn gấp đôi. Ngoài ra, nếu bị tắc 1 bên, mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường ở bên còn lại, nhưng đã tắc hai bên thì mẹ cần tìm cách thông tắc nhanh chóng, tránh con bị thiếu sữa mẹ.
2. Nguyên nhân tắc sữa
Liệt kê nguyên nhân gây ra tắc tia sữa cụ thể là:
– Nếu mẹ không cho con bú mẹ thường xuyên, đúng giờ hoặc mẹ để sữa tồn trong bầu ngực mà không vắt ra từ 5 tiếng trở lên. Việc này lặp lại trong một vài ngày, nhất là đối với những mẹ có nhiều sữa thì có thể khiến cho mẹ gặp tình trạng tắc sữa.
– Khi mẹ bị căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến hormone kích thích giải phóng sữa là oxytocin, vì thế sữa sinh ra nhưng lại không được tạo môi trường thuận lợi để giải phóng ra bên ngoài, lâu dần sẽ dẫn đến tắc tia sữa.
– Những mẹ nhiều sữa, lượng sữa sẽ sản xuất ra nhiều hơn lượng con cần bú, nhưng mẹ lại không vắt bớt ra mà để nguyên trong bầu ngực cũng là một nguyên nhân dẫn đến mẹ bị tắc sữa.
– Khi mẹ mặc áo ngực chật và bó quá sát người thì ngực mẹ sẽ phải chịu một sức ép lớn, các ống dẫn sữa ở bên trong cũng vậy. Khi đó các ống dẫn sữa bị chèn ép dẫn đến ùn ứ sữa lại và lâu dần sẽ gây tắc. Khi mẹ nằm sấp cũng rất dễ dẫn đến tình trạng này.
– Mẹ chưa biết cách cho bé bú đúng khớp ngậm dẫn đến bé không thể mút hết lượng sữa ra ngoài, làm sữa đọng nhiều trong bầu ngực.
– Một khả năng khác có thể gây tắc sữa đó là mẹ bị nhiễm khuẩn qua đường máu hoặc do mẹ vệ sinh đầu vú chưa sạch để vi khuẩn xâm nhập. Khi đó hệ thống vú sẽ bị sưng viêm và tắc.
– Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân gây tắc sữa khác như cơ địa mẹ hoặc do mẹ bị cảm …
3. Dấu hiệu khi mẹ bị tắc sữa
Tình trạng tắc sữa 1 bên ngực không diễn ra đột ngột mà theo trình tự. Tùy vào mỗi mẹ mà thời gian biến chuyển nhanh chậm khác nhau. Cụ thể là:
– Đầu tiên mẹ sẽ cảm thấy 1 bên bầu ngực căng tức và hơi đau nhức.
– Ấn vào vùng bầu ngực sẽ cảm giác có nhiều cục lổn nhổn trong ngực gây đau đớn khi chạm vào.
– Dòng sữa không thông thoáng. Những mẹ trước khi tắc có thể bắn ra tia khi bóp bằng tay thì nay sữa chỉ chảy nhỏ giọt. Lượng sữa cũng ít đi đáng kể.
– Quan sát thấy những nốt sần nhỏ li ti quanh ngực, có cảm giác nóng tức vùng ngực.
– Sau đó mẹ có thể cảm thấy sốt cao, nổi hạch, gai người, ớn lạnh và mệt mỏi.
4. Lời khuyên dành cho mẹ khi muốn điều trị và ngăn ngừa tắc sữa
4.1 Điều trị tắc sữa 1 bên
Từ nguyên nhân gây ra tắc sữa, có thể hiểu nguyên tắc giúp điều trị tắc tuyến sữa là làm thông những vị trí bị tắc theo nhiều cách tùy vào tình trạng tắc của mẹ. Gợi ý những cách điều trị tắc tia sữa sau đây mẹ có thể áp dụng:
– Trước khi cho con bú hoặc vắt sữa, mẹ nên đắp khăn ấm xung quanh bầu ngực, sau đó massage nghe nhàng bầu vú.
– Cho bé ti bên bị tắc trước, vì khi đó lực mút của mẹ rất mạnh có thể hút hết chỗ tắc ra bên ngoài.
– Nếu bé đã bú no mà vẫn còn dư sữa thì mẹ cần dùng tay hoặc máy hút sữa để vắt hết lượng sữa thừa ra bên ngoài, đảm bảo không còn sữa dư trong bầu ngực mẹ.
Trong trường hợp mẹ bị tắc kèm sốt hoặc thấy vắt ra sữa có màu hơi xanh hoặc lẫn máu thì không nên cho con bú vì bé có thể đi ngoài do mẹ đã bị viêm tuyến vú.
Nếu tình trạng tắc sữa kéo dài lâu ngày sẽ có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm hoặc áp xe vú. Khi đó mẹ cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám đánh giá tình trạng viêm và được kê thuốc uống hoặc tiểu phẫu trích áp xe nếu cần thiết.
4.2 Làm sao để đề phòng tình trạng tắc tuyến sữa
Tắc sữa mang đến rất nhiều hệ lụy không tốt cho mẹ sau sinh. Vì vậy cần cố gắng ngăn ngừa tình trạng tắc sữa xảy ra bằng những cách sau:
– Cần cho em bé bú sữa mẹ đúng cữ, đúng khớp ngậm để cạn hết lượng sữa trong bầu ngực. Nếu bé bú dư, cần dùng tay hoặc máy hút để vắt lượng sữa còn tồn dư ra bên ngoài.
– Cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày, nhất là bầu ngực sau khi cho con bú.
– Mẹ cần uống nhiều nước bổ sung vào cơ thể.
– Không mặc áo ngực quá chật và nằm sấp lâu, tạo nhiều áp lực lên vùng ngực.
– Mẹ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi phù hợp. Tránh tâm lý căng thẳng quá độ, cần giữ một tinh thần lạc quan vui vẻ khi nuôi con nhỏ.
– Ngoài ra mẹ cũng nên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.
Khi phát hiện bị tắc sữa 1 bên hoặc cả 2 bên, mẹ cần nhanh chóng tìm cách xử lý, thông tắc sữa tránh nguy cơ phát triển thành viêm tuyến sữa hoặc áp xe. Nếu đã làm mọi cách mà vẫn không hết tắc thì mẹ cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời các mẹ nhé.