Tác nhân khiến răng sâu nặng và giải pháp từ chuyên gia

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Điều trị sâu răng là vấn đề mà mọi người bệnh đều phải đau đầu mỗi khi nhắc đến. Ấy vậy, không phải việc điều trị lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, sẽ vẫn có những khi tình trạng răng sâu nặng hơn trước và đôi khi chữa xong răng này lại đến răng khác bị sâu. Vậy đâu là nguyên do dẫn đến tình trạng này? Có giải pháp nào để ngăn ngừa sâu răng tái phát và trở nặng không?

1. Những tác nhân khiến răng sâu nặng thêm

răng sâu nặng

Sự phát triển, sinh sôi của vi khuẩn là nguyên nhân gây sâu răng nặng thêm và khó chữa dứt điểm

Sâu răng nặng thêm dù đã chăm sóc kĩ hoặc chữa khỏi răng này lại đến răng khác bị là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Điều khiến hiện tượng này xảy ra không đâu khác, vẫn luôn nằm ở nguyên nhân gây sâu răng – vi khuẩn. Có thể việc điều trị răng sâu tại nha khoa và thay đổi thói quen sinh hoạt đã giúp bạn phần nào khỏi sâu răng, nhưng nếu vi khuẩn vẫn có cơ hội xâm nhập trở lại khoang miệng và có điều kiện phát triển thích hợp thì khả năng sâu răng trở lại là điều khó tránh khỏi.

Vậy đâu là những tác nhân khiến vi khuẩn phát triển, trở lại và khiến sâu răng nặng thế?

1.1 Vệ sinh răng miệng kém

Rất nhiều trường hợp mắc sâu răng do không làm sạch răng đúng cách và đều đặn để loại bỏ cá tàn dư của thức ăn. Sau khi ăn uống và nhất là ăn các thực phẩm có chứa nhiều tinh bột, đường hoặc nước ngọt, nước có ga mà không vệ sinh răng miệng cẩn thận và đều đặn sẽ tại môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sâu răng phát triển mạnh.

Không chỉ cần đánh răng đúng cách, việc sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng và sử dụng dụng cụ riêng để làm sạch bề mặt lưỡi là vô cùng quan trọng trong việc làm sạch toàn diện răng miệng và bảo vệ răng khỏi các vi khuẩn có hại.

1.2 Ăn đồ ngọt quá nhiều khiến răng sâu nặng hơn

Những loại đồ ăn ngọt, chứa nhiều đường như sữa, bánh cookies, socola, kẹo, mật ong, kem, ngũ cốc có đặc tính là rất dễ bám vào răng trong thời gian dài và khó làm sạch hoàn toàn nếu chỉ đánh răng qua loa. Đây là môi trường thuận lợi, là nguồn thức ăn dồi dào cho vi khuẩn sâu răng sinh sôi và phát triển.

Hơn thế nữa, chính trong các loại nước ngọt hay đồ ăn vặt cũng có chứa nhiều chất axit gây hại cho răng. Khi sử dụng nhiều các sản phẩm này, nó cũng góp phần trực tiếp gây nên tình trạng ăn mòn men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng dễ dàng hơn.

Do đó, dù ở độ tuổi nào cũng nên hạn chế uống sữa, ăn trái cây, uống nước trái cây hoặc chất lỏng chứa nhiều đường, hoặc có vị chua  trước khi đi ngủ.

1.3 Răng sâu nặng hơn do giảm tiết nước bọt

Nhiều người sẽ không nghĩ đến việc cơ thể thiếu nước cũng là tác nhân gây sâu răng và khiến răng sâu nặng hơn dù bạn đã vệ sinh răng đúng cách. Tình trạng thiếu nước của cơ thể sẽ gây nên nhiều vấn đề mà bạn không ngờ tới như khô miệng, thiếu nước bọt. Trong khi đó, có thể rất nhiều người không biết, nước bọt có vai trò rất quan trọng trong việc rửa sạch thức ăn và mảng bám răng. Các khoáng chất có trong nước bọt không chỉ giúp chữa sâu răng sớm, mà còn hạn chế vi khuẩn phát triển và trung hòa các chất axit gây hại.

1.4 Hàm răng nứt vỡ hoặc yếu

răng sâu nặng

Răng nứt vỡ cũng là tác nhân khiến vi khuẩn có hại sinh sôi gây sâu răng

Khi chân răng yếu, hoặc bị nứt, vỡ, khu vực này sẽ không còn có lớp men răng vững chắc bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bám vào bề mặt răng và tấn công vào các cấu trúc nhạy cảm bên trong răng. Từ đó hình thành các mảng bám khó loại bỏ, thu hút thêm nhiều vi khuẩn và tình trạng sâu răng sẽ xảy ra.

1.5  Nhiễm vi khuẩn từ người khác

Vi khuẩn gây sâu răng có khả năng bám trên bát đũa, cốc uống nước, đồ dùng sinh hoạt. Vậy nên nếu dùng chung các đồ vật như vậy mà không rửa sạch sẽ, vi khuẩn sâu răng có thể truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh. Do đó, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng thường xuyên và đầy đủ để hạn chế tối đa việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người qua đường miệng và các vật trung gian.

1.6 Tụt nướu tạo cơ hội cho vi khuẩn

Đối với những người lớn tuổi, tụt nướu là tình trạng rất dễ xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của các cơ quan trong cơ thể. Nướu bị tụt khỏi hàm sẽ làm lộ ra phần ngà răng phía dưới ở chân răng, qua quá trình ăn uống sẽ hình thành nên mảng bám trên chân răng. Các ngà răng trở thành mục tiêu của vi khuẩn, chúng ngày càng phát triển và tấn công đến cả chân răng.

Tất cả những tác nhân khiến vi khuẩn sâu răng sinh sôi mạnh được nêu ra ở trên đều có thể phát sinh hàng ngày. Do đó, việc chăm sóc răng miệng đầy đủ mỗi ngày và đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần là cách đơn giản và tiết kiệm nhất để bảo vệ răng cũng như phát hiện và có phương án điều trị sớm, không để dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác.

2. Lời khuyên từ nha sĩ để hạn chế sâu răng

răng sâu nặng

Nha sĩ sẽ tưu vấn phương án điều trị và cách chăm sóc răng sâu chính xác nhất cho bạn

Để điều trị sâu răng triệt để và ngăn ngừa tái phát, chúng ta cần tìm ra giải pháp chặn đứng sự phát triển và sinh sôi trở lại của vi khuẩn gây sâu răng. Có thể nói, các phương pháp điều trị sâu răng tại nha khoa là những phương pháp hàng đầu, tuy nhiên nó sẽ không đem lại ý nghĩa dài lâu nếu chính bệnh nhân không thực hiện tốt việc chăm sóc răng tại nhà và thay đổi những thói quen xấu gây hại cho răng.

2.1 Đến nha khoa thăm khám và điều trị

– Thăm khám và chăm sóc răng tại nha khoa thường xuyên hoặc định kì 6 tháng/lần: Việc làm sạch răng chuyên nghiệp và khám răng miệng thường xuyên, có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các vấn đề răng miệng, nhất là sâu răng.

– Điều trị tủy: đối với những răng sâu nặng và ăn vào tủy thì điều trị tủy là cần thiết để loại bỏ hoàn toàn các mô tủy tổn thương cũng như vi khuẩn gây sâu răng tại đó, ngăn ngừa chúng tiếp tục tấn công, phá hủy răng.

– Hàn răng: Hàn răng được thực hiện đối với cả những răng có dấu hiệu sâu nhẹ và cả những răng sâu nặng sau khi đã được điều trị tủy. Phương pháp này giúp khôi phục và đảm bảo chức năng ăn nhai cho răng bệnh, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế sâu răng phát triển tại đó hoặc tái phát.

– Tư vấn từ nha sĩ về phương pháp điều trị kháng khuẩn phù hợp: Nếu bạn thuộc trường hợp đặc biệt dễ bị sâu răng – chẳng hạn như do một số tình trạng bệnh lý đã đề cập bên trên – nha sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng những loại nước súc miệng kháng khuẩn chuyên dụng hoặc các phương pháp điều trị khác đặc biệt khác để làm giảm sự phát triển của vi khuẩn có hại trong khoang miệng bạn.

2.2 Chăm sóc răng tại nhà và thay đổi thói quen xấu

– Đánh răng sau khi ăn hoặc uống 30 phút: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và tốt nhất là sau mỗi bữa ăn 30 phút và sử dụng loại kem đánh răng có chứa florua sẽ giúp răng bạn chắc khỏe và ngừa sâu răng. Ngoài ra đừng quên làm sạch kẽ răng triệt để bằng cách dùng chỉ nha khoa, tăm nước.

– Súc miệng: Súc miệng với nước súc miệng diệt khuẩn là phương pháp bảo vệ răng miệng thiết yếu cùng với việc đánh răng khi đang bị sâu răng.

răng sâu nặng

Giảm ăn thực phẩm chứa nhiều đường là cách hạn chế sâu răng phát triển

– Hạn chế ăn vặt và đồ ăn chứa nhiều đường: Đường và những mẩu thức ăn chứa đường kẹt lại kẽ răng chính là thức ăn ưa thích của vi khuẩn.

– Ăn thực phẩm tốt cho răng miệng: Trái cây tươi, rau củ quả có tác dụng làm tăng lưu lượng nước bọt, giảm khô miệng, thiếu nước; trà, cà phê không đường và kẹo cao su không đường phần nào giúp làm sạch khoang miệng. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý vệ sinh sạch răng miệng sau khi ăn để tránh hình thành mảng bám.

Áp dụng và thực hiện theo những lời khuyên đến từ chuyên gia và nha sĩ sẽ giúp bạn điều trị sâu răng từ sớm, ngăn ngừa răng sâu nặng hơn, sâu răng tái phát và bảo vệ răng trong tương lai một cách hiệu quả. Những tác nhân trên đây là thông tin cơ bản để tham khảo, nếu bạn đang gặp vấn đề về sâu răng kéo dài, hãy chia sẻ với nha sĩ tình trạng của mình để được chẩn đoán chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital