Mất ngủ trong thời gian ngắn có thể ít gây ảnh hưởng đến người bệnh nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy lớn đối với mọi mặt đời sống, đặc biệt là sức khỏe. Những tác hại của mất ngủ kéo dài đối với sức khỏe có thể kể đến như làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn những tác hại này và cách khắc phục chứng mất ngủ qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ và những tác hại chung
Mất ngủ là tình trạng một người gặp vấn đề về giấc ngủ với các biểu hiện: khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn, thường xuyên thức dậy vào nửa đêm và không ngủ lại được.
Mất ngủ ngắn hạn có thể không gây ảnh hưởng nhiều, người bệnh vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, đặc biệt khi trở thành mất ngủ mạn tính thì sẽ gây nhiều tác hại, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, vẻ đẹp và đặc biệt là sức khỏe của người bệnh. Trong đó, những ảnh hưởng tới sức khỏe có thể thấy rõ và nguy hiểm nhất.
2. Tác hại của mất ngủ kéo dài đối với sức khỏe biểu hiện như thế nào?
2.1 Gây béo phì, rối loạn mỡ máu
Những người bị thiếu ngủ trong một thời gian dài có xu hướng thèm ăn, đặc biệt hay ăn vặt vào buổi đêm. Việc ngủ không đủ giấc có thể làm suy giảm độ sáng suốt của não trong việc phán đoán và lựa chọn thực phẩm. Vì thế những người bị thiếu ngủ thường ăn ít rau, thay vào đó là ăn nhiều thực phẩm ngọt, béo. Hậu quả là gây dư thừa calo, khiến mỡ tích tụ gây béo phì.
Bên cạnh đó tình trạng mệt mỏi do mất ngủ khiến người bệnh lười tập thể dục và vận động hơn. Những người ngủ ít thường dễ bị béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid.
2.2 Bệnh tiểu đường
Ngủ quá ít có thể gây rối loạn đường huyết và kháng insulin, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Các phân tích tổng hợp chỉ ra rằng khi thời lượng ngủ càng bị cắt ngắn, thì khả năng mắc bệnh bệnh tiểu đường càng tăng lên.
2.3 Tăng huyết áp
Một người khi bị thiếu ngủ, hệ thần kinh giao cảm của họ sẽ hoạt động nhiều hơn. Hậu quả là các mạch máu co lại, khiến huyết áp tăng.
Thiếu ngủ dài ngày có thể gây sản sinh nhiều hơn kích thích tố căng thẳng, gây gia tăng tạm thời huyết áp. Nếu không được điều trị có thể trở thành tăng huyết áp mạn tính sau một khoảng thời gian. Do vậy, những người bị thiếu ngủ có nguy cơ cao đối mặt với bệnh tăng huyết áp.
2.4 Gây bệnh tim mạch – Một trong những tác hại của mất ngủ kéo dài nguy hiểm
Tình trạng tăng huyết áp thường xuyên khi mất ngủ có thể tạo áp lực lớn cho tim, thậm chí gây suy tim. Các chuyên gia cũng cho biết, những người thường xuyên thiếu ngủ có nồng độ hormone gây stress và các chất gây viêm trong máu cao hơn. Đây chính là các tác nhân quan trọng gây ra bệnh lý tim mạch. Khi mất ngủ, cơ thể cần nhiều insulin hơn để duy trì mức độ đường huyết bình thường, do đó có tác động xấu tới mạch máu và tim.
Phụ nữ dưới 60 tuổi ngủ 5 giờ/đêm hoặc ít hơn sẽ tăng nguy cơ bệnh tim gấp đôi so với người ngủ đủ giấc.
Việc thiếu ngủ còn có thể gây tác động xấu tới tim mạch do làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh tiểu đường… như đã phân tích ở trên. Đây đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
2.5 Bệnh ung thư
Thiếu ngủ làm gia tăng nguy cơ ung thư. Nguyên nhân là do khi ngủ, hormone có tác dụng chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u melatonin được sản xuất. Nhưng ở những người mất ngủ, sự sản xuất hormone này lại bị ức chế.
Các nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết. Phụ nữ có giấc ngủ ít hơn 6 giờ/đêm sẽ có nguy cơ phát triển ung thư vú.
2.6 Suy giảm hệ miễn dịch
Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng các cytokine bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại. Thiếu ngủ sẽ làm giảm khả năng sản xuất các cytokine. Do đó, các kháng thể và tế bào chống nhiễm trùng sẽ bị giảm đi đáng kể nếu không ngủ đủ giấc.
2.7 Rối loạn tâm lý, trầm cảm
Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể làm giảm chất dẫn truyền thần kinh. Các chất này có tác dụng điều chỉnh tâm trạng. Do vậy, một người thường xuyên mất ngủ sẽ dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, hay lo âu, cáu gắt,… lâu dần dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tự kỷ,…
2.8 Dễ gặp tai nạn – Tác hại của mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng đến tính mạng
Mất ngủ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, không tỉnh táo vào ban ngày. Điều này có thể gây nguy hiểm khi người bệnh tham gia giao thông hoặc lao động. Nhiều trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng hoặc gây tàn phế.
3. Cách khắc phục chứng mất ngủ, phòng tránh những tác hại khôn lường
Để ngăn ngừa những tác hại do bệnh mất ngủ gây ra, bạn cần khắc phục sớm tình trạng mất ngủ bằng các phương pháp sau:
– Thực hiện các thói quen lành mạnh: ngủ đủ giấc, loại bỏ những lo âu, căng thẳng, không ăn quá no hoặc sử dụng các chất kích thích, các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ.
– Cải thiện không gian phòng ngủ: Giữ cho phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh, hạn chế tối đa âm thanh, ánh sáng có thể gây cản trở giấc ngủ.
– Tập luyện thường xuyên, tuy nhiên không nên tập quá sức sát giờ đi ngủ.
– Sử dụng các phương pháp thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, ngâm chân, uống trà thảo mộc, dùng tinh dầu,…
– Liệu pháp tâm lý, có thể được thực hiện với các chuyên gia tâm lý.
– Sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu những tác hại của mất ngủ trong thời gian dài và những phương pháp giúp khắc phục hiệu quả. Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn có những thông tin bổ ích và cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.