Sưng lợi răng hàm – biểu hiện của một số bệnh lý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Sưng lợi răng hàm là vấn đề ít khi gây ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ mà thường chỉ khiến người bệnh hơi đau nhức, ảnh hưởng đến các hoạt động ăn uống, giao tiếp hàng ngày. Tuy triệu chứng rất đơn giản nhưng bạn không nên chủ quan, coi nhẹ vì rất có thể lợi bị sưng là biểu hiện của một số bệnh lý răng miệng cần điều trị sớm.

1. Dấu hiệu khi bị sưng lợi răng hàm

sưng lợi răng hàm

Lợi bị sưng có thể có mủ hoặc không

Sưng lợi răng hàm nói riêng và sưng lợi nói chung là hiện tượng lợi phình to, tấy đỏ, nhô ra bên ngoài, thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức che mất răng. Sưng lợi thường bắt đầu từ vị trí bắt đầu tiếp xúc giữa lợi và răng.

Các dấu hiệu cho thấy tình trạng sưng lợi bao gồm:

– Lợi có màu đỏ hồng hoặc đỏ thẫm

– Có mảng bám, cao răng tích tụ dày, có thể thấy rõ bằng mắt thường.

– Lợi sưng phồng hoặc phì đại.

– Thường bị chảy máu khi đánh răng hoặc khi thức ăn cứng chạm vào

– Xuất hiện mùi hôi ở miệng, xuất phát từ vị trí lợi bị sưng, nhất là khi chỗ sưng có bọc trắng, mưng mủ.

Ngoài các dấu hiệu cơ bản và thường gặp bên trên, việc lợi bị tụt hoặc không dính vào răng cũng là một vấn đề thường xảy ra khi sưng lợi. Thông thường, tình trạng sưng lợi do các tác động vật lý sẽ chấm dứt sau vài ngày. Nhưng nếu tình trạng nướu bị sưng kéo dài và trở nên tồi tệ hơn thì rất có thể đó là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng hơn và bệnh nhân cần đến gặp nha sĩ để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác.

2. Nguyên nhân gây sưng nướu răng hàm

2.1 Viêm lợi gây sưng lợi răng hàm

Viêm lợi là nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất khiến phần lợi răng bị sưng. Bệnh lý này xuất hiện bắt nguồn từ thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày không tốt dẫn đến tích tụ mảng bám giữa nướu và răng. Những mảng bám này khi không được làm sạch trong nhiều ngày sẽ vôi hóa, trở nên cứng lại thành cao răng.

Các triệu chứng của tình trạng sưng nướu răng do viêm lợi có thể khá nhẹ, nhưng hầu hết đều khiến cho người bệnh đau nhức và rất khó chịu khi ăn uống. Nếu không điều trị viêm lợi, tình trạng sưng có thể nặng hơn, xuất hiện ổ mủ và dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như viêm nha chu hay rụng răng.

Để ngừa sưng lợi răng do bị viêm nhiễm, cần làm sạch răng tốt để cao răng không tích tụ dày khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều. Vì cao răng có cấu tạo cứng nên gần như không thể loại bỏ tại nhà bằng cách đánh răng thông thường mà cần phải đến nha khoa để các bác sĩ loại bỏ bằng các dụng cụ chuyên dụng.

2.2 Sưng lợi răng hàm do mọc răng khôn

sưng lợi răng hàm

Răng khôn trồi lên cũng sẽ khiến lợi sưng và căng tức

Mọc răng khôn cũng là một nguyên nhân làm sưng lợi răng hàm, trong đó phổ biến nhất là ở khu vực răng khôn hàm dưới.

Răng khôn là răng mọc cuối cùng sau tất cả các răng, thường xuất hiện trong độ tuổi từ 17-25. Ở độ tuổi này khi các răng khác và xương hàm đã phát triển ổn định, mô nướu dày,… nên việc răng khôn mọc lên thường gây đau đớn và tạo thành kích ứng sưng đau, tấy đỏ ở khu vực lợi tương ứng.

Mô nướu bị tách trong quá trình mọc răng chính là ở vị trí trong cùng của hàm răng, gần với khu vực ăn nhai nên các vụn thức ăn dễ dàng bị mắc kẹt trong phần nướu đó và khó làm sạch. Lâu dần tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, tấn công phần nướu răng bị nứt gây tổn thương, thậm chí viêm đỏ kèm theo những cơn đau nhức nhối, âm ỉ cực kì khó chịu.

2.3 Mang thai khiến lợi bị sưng

Một nguyên nhân gây sưng nướu răng có thể bạn ít nghe đến nếu không phải phụ nữ, đó chính là do mang thai. Trong thai kỳ, mức độ hormone trong cơ thể phụ nữ có sự thay đổi lớn, làm tăng lưu lượng máu tới niêm mạc miệng, nhất là nướu. Hoạt động này khiến nướu trở nên vô cùng nhạy cảm, dễ bị kích thích và sưng to.

Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột của hormone và việc nuôi dưỡng thêm em bé trong bụng cũng khiến sức khỏe tổng thể của mẹ bầu không ổn định, yếu ớt và nhạy cảm hơn, từ đó làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể. Lúc này nếu không giữ vệ sinh răng miệng tốt, hoặc vì lý do nào đó nướu bị tổn thương thì nguy cơ nướu bị sưng viêm là rất cao.

2.4 Sưng lợi là biểu hiện của thiếu vitamin

Các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe răng miệng và phục hồi các tổn thương tại lợi răng. Nếu cơ thể thiếu vitamin C, người bệnh không chỉ có nguy cơ sưng lợi, chảy máu lợi, chảy máu chân răng,… mà còn có thể gây nên bệnh Scorbut với các biểu hiện khác như:

– Cơ thể dễ bị bầm tím

– Hay cáu kỉnh và buồn rầu, dễ thay đổi tâm trạng

– Gây đau khớp hoặc đau chân nặng

– Thường cảm thấy cơ thể và tinh thần rất yếu, mệt mỏi

– Xuất hiện các đốm xanh, đỏ trên da, đặc biệt là ở phần cẳng chân

2.5 Nhiễm trùng là nguyên nhân sưng nướu răng

Một số bệnh lý nhiễm trùng hoặc virus cũng có thể là nguyên nhân gây sưng lợi, bao gồm:

– Bệnh lý Herpes ở miệng: gây viêm loét ở môi, miệng và nướu, từ đó dẫn đến sưng nướu răng hàm.

– Nấm miệng: khi nấm men trong miệng phát triển quá nhiều sẽ gây nên bệnh nấm miệng và làm lợi bị vi khuẩn tấn công, gây tổn thương và sưng tấy.

– Sâu răng: răng bị sâu nếu không được điều trị có thể trở nặng gây ảnh hưởng đến tủy răng, gây viêm sưng nướu, ổ nhiễm trung lan rộng có thể dẫn đến áp xe nướu răng.

2.6 Một số nguyên nhân khác gây sưng lợi

Ngoài các nguyên nhân phổ biến đã nêu bên trên, cũng có những trường hợp bị sưng lợi do các lý do dưới đây:

sưng lợi răng hàm

Sưng lợi cũng có thể bắt nguồn từ viên nha chu

– Răng giả không có kích cỡ và hình dáng phù hợp gây kích ứng nướu

– Sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ gây sưng nướu

– Mắc bệnh toàn thân như tiểu đường, suy giảm miễn dịch

– Bị viêm nha chu

3. Giải pháp điều trị sưng lợi răng hàm:

3.1 Chăm sóc răng tại nhà

Nếu bạn bị sưng nướu nhẹ, sưng không quá to và không xuất hiện mủ hay quá đau đớn, bạn hoàn toàn có thể cải thiện bằng cách thực hiện chăm sóc và vệ sinh răng miệng theo các lưu ý dưới đây:

– Chải răng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, sử dụng bàn chải có lông mềm, đầu tròn để tránh làm tổn thương nướu trong quá trình đánh răng.

– Sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm để làm sạch kẽ răng mà không làm nướu bị thương. Tuy nhiên kể cả khi dùng chỉ nha khoa, bạn vẫn cần cẩn thận và nhẹ tay để tránh làm nướu bị kích ứng, chảy máu.

– Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng sau mỗi lần đánh răng để loại bỏ vi khuẩn trong miệng.

-Tránh các tác nhân dễ khiến lợi kích ứng như nước súc miệng quá mạnh, thuốc lá và đồ uống có cồn.

– Uống nhiều nước trong ngày vì nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt giúp làm sạch vi khuẩn gây bệnh trong miệng suốt cả ngày.

3.2 Áp dụng các thủ thuật y tế

Nếu đã áp dụng các cách chăm sóc răng được hướng dẫn bên trên nhưng tình trạng không tiến triển, người bệnh nên tới các cơ sở nha khoa để thăm khám.

sưng lợi răng hàm

Khi bị sưng lợi cần đến nha khoa để được kiểm tra và điều trị đúng cách

Để xác định tình trạng sưng lợi, nha sĩ có thể chỉ định chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu. Tùy thuộc vào nguyên nhân, nha sĩ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp như:

– Bổ sung các sản phẩm chăm sóc răng có hoạt chất chuyên biệt điều trị các bệnh về nướu.

– Kê toa thuốc kháng sinh nếu tình trạng sưng nướu do viêm, nhiễm khuẩn gây nên.

– Loại bỏ cao răng và làm sạch chân răng để ngăn chặn sự phát triển và tấn công của vi khuẩn gây viêm nướu.

– Phẫu thuật loại bỏ phần nướu bị viêm hoặc điều trị triệt để tình trạng sâu răng nặng.

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn chặn tình trạng sưng lợi răng hàm, bạn nên thực hiện đều đặn một số biện pháp phòng tránh như:

– Đi khám răng định kì ít nhất sáu tháng một lần để kiểm soát và điều trị sớm các bệnh răng miệng.

– Bổ sung đầy đủ vitamin C cho cơ thể qua thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.

– Vệ sinh răng miệng tốt, đều đặn mỗi ngày, đặc biệt là sau khi ăn uống.

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp phần nào giúp bạn nắm được các nguyên nhân gây sưng nướu răng hàm để từ đó xác định và lựa chọn cho mình phương pháp điều trị hiệu quả, giúp sức khỏe răng miệng hồi phục nhanh chóng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital