(Theo Suckhoedoisong.vn) Trong số 434.000 liều vaccine này có 200.000 liều vaccine sởi, 234.000 liều là vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván. Số vaccine này hiện đã được phân bổ về các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur để nhanh chóng cấp cho các địa phương phục vụ tiêm chủng mở rộng.
Menu xem nhanh:
1. Phân bổ 434.000 liều vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có các quyết định phân bổ vaccine sởi và vaccine DPT (vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván) để phục vụ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em cả nước.
Theo đó, trong số 434.000 liều vaccine phân bổ lần này có 200.000 liều vaccine sởi do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế tài trợ, 234.000 liều là vaccine ho gà-bạch hầu-uốn ván do Viện vaccine và sinh phẩm y tế tài trợ. Số vaccine này hiện đã được phân bổ về các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur ( là một cơ sở dành riêng cho các nghiên cứu về sinh học, vi sinh vật, dịch bệnh và vắc xin).
Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận 238.400 liều vaccine sởi và bạch hầu – ho gà – uốn ván để phân bổ cho 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Trong đó:
– Viện Pasteur Nha Trang nhận 45.640 liều vaccine, gồm 20.640 liều vaccine ho gà-bạch hầu-uốn ván và 25.000 liều vaccine sởi.
– Viện Pasteur TP. HCM nhận 113.960 liều vaccine gồm 65.000 liều vaccine sởi và 48.960 liều vaccine ho gà-bạch hầu-uốn ván.
– Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhận 36.000 liều vaccine gồm 21.000 liều vaccine ho hà-bạch hầu-uốn ván và 15.000 liều vaccine sởi.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các đơn vị trên nhận vaccine sởi và dung môi trước ngày 25/11; nhận vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván trước ngày 26/11.
Đồng thời Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các đơn vị trên khẩn trương tiếp nhận và cấp vaccine sởi, vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván đến các tỉnh, thành phố thuộc khu vực quản lý để sử dụng kịp thời, hiệu quả vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tăng cường tiêm vaccine COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 23/11, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Viện Pasteur/ Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực nhanh chóng nhận vaccine để phân bổ cho các tỉnh, thành trong khu vực quản lý.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đã được phân bổ vaccine sởi và vaccine ho gà – bạch hầu – uốn ván nhanh chóng sớm nhất nhận vaccine về để triển khai tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Thời gian qua Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để sớm cung ứng vaccine cho các tỉnh, thành.
2. Tầm quan trọng của việc tiêm chủng vắc xin sởi, bạch hầu – ho gà – uốn ván
2.1. Bệnh sởi, bạch hầu – ho gà – uốn ván có nguy hiểm không?
2.1.1. Cẩn trọng với bệnh lý sởi
Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi là một trong những loại bệnh dịch lớn tại hơn 170 quốc gia trên thế giới. Không chỉ xuất hiện tại khu vực Châu Á mà sởi còn có mặt tại Châu Âu và Châu Phi. Tính riêng trong năm 2018, các ca mắc bệnh sởi đã tăng hơn 300%. Tại Việt Nam nói riêng, sởi đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Đối tượng nhiễm bệnh đa số là trẻ em dưới 10 tuổi.
Sởi gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Một số các biến chứng có thể kể đến là:
– Bệnh viêm tai giữa cấp, bệnh viêm phế quản cấp: đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất.
– Bệnh viêm phổi: sởi gây ra tình trạng bội nhiễm các loại vi khuẩn, từ đó gây ra các biến chứng như: sốt cao liên tục, nhiễm trùng, bạch cầu tăng cao, phát ban,…
– Biến chứng viêm não, viêm màng não: đặc trưng với những biểu hiện như sốt cao, co giật, hôn mê,…
– Các biến chứng về tiêu hóa như: viêm niêm mạc vùng miệng, viêm ruột, tiêu chảy,…
– Các biến chứng về mắt và giác mạc: loét giác mạc, mù vĩnh viễn,…
– Một số biến chứng khác như: suy dinh dưỡng, sảy thai sinh non đối với mẹ mang thai,…
2.1.2. Cẩn trọng với bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván
Bạch hầu, ho gà, uốn ván là một trong những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng dẫn đến tình trạng tử vong cho nhiều trẻ em trên thế giới.
Bệnh lý bạch hầu gây ra những biến chứng nguy hiểm cho hệ hô hấp của cơ thể như: suy tim, tê liệt, viêm phổi, co giật, tổn thương cho não bộ,…
Ho gà cũng là một loại bệnh có khả năng lây truyền qua con đường hô hấp. Ho gà gây ra ho kéo dài, dẫn tới những biến chứng như: ngừng thở, lồng ruột, thoát vị ruột, sa trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí màng phổi,…
Uốn ván cũng là một căn bệnh mang tính cấp tính do nhiễm ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây nên. Bệnh uốn ván có thể gây nên những cơn đau, co cứng phần cơ ở các chi thậm chí là co cứng toàn thân. Nếu các cơn co này kéo dài có thể dẫn tới rách cơ, đứt cơ, co thắt cơ hô hấp, dẫn tới tử vong. Lâu dài, bệnh uốn ván cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, động kinh, tắc phổi, suy thận thể nặng,…
2.2. Tiêm vắc xin đầy đủ là biện pháp phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm
Theo các bác sĩ tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, tiêm vắc xin đầy đủ các mũi là biện pháp phòng tránh bệnh sởi, bạch hầu – ho gà – uốn ván hiệu quả. Biện pháp này cũng được Bộ Y tế khuyến cáo và áp dụng rộng rãi tại các trung tâm tiêm chủng, bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước.
Không chỉ vậy, việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho cả trẻ em và người lớn còn giúp bảo vệ, nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, cũng như làm hạn chế biến chứng nguy hiểm do bệnh để lại. Dựa trên các con số thống kê, tỉ lệ người đã tiêm đầy đủ vắc xin bị mắc bệnh sẽ có xu hướng nhanh khỏi bệnh và không biến chứng so với những người chưa tiêm vắc xin.
Do đó, các bác sĩ tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI đưa ra lời khuyên đối với mọi người nên chủ động tiêm chủng vắc xin đầy đủ các mũi, tùy theo từng lứa tuổi và liều lượng quy định, nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như nâng cao chất lượng sức khỏe cho cộng đồng.