Sốt xuất huyết bước vào thời kỳ “đỉnh dịch” lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Năm nay (2020) số ca bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 7 và sau đó tiếp tục gia tăng. Từ tháng 9-11 hàng năm được gọi là chu kỳ “đỉnh dịch” của bệnh sốt xuất huyết. Nước ta đã ghi nhận một số trường hợp bị sốt xuất huyết tử vong vì điều trị tại nhà. Người dân cần lưu ý các biểu hiện của SXH để thăm khám kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng.

Từ tháng 9-11 hàng năm là thời kỳ “đỉnh dịch” của bệnh SỐT XUẤT HUYẾT

đỉnh dịch sốt xuất huyết

Tháng 11 hàng năm là thời điểm “đỉnh dịch” của bệnh sốt xuất huyết. Nhưng từ tháng 9-11 được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết, do thời tiết lạnh, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.

Theo thống kê, tính đến tuần 37 năm 2020, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 70.585 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trong đó có những ca nặng do nhập viện muộn và xử trí sai cách đã dẫn đến tử vong. Năm nay (2020) số ca bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh vào cuối tháng 7 và 3 tuần cuối tháng 9 số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng nhanh và gần với ngưỡng cảnh báo dịch.

Các chuyên gia dự báo, dịch SXH năm nay có thể tăng mạnh và đạt “đỉnh dịch” vào tháng 10-11 tới. Đặc biệt tháng 11 hàng năm được coi là “đỉnh dịch” của sốt xuất huyết. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, dịch SXH rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng, khi đó sẽ rất khó kiểm soát.

Năm nay Việt Nam vừa phải “chiến đấu” với đại dịch Covid-19 vừa phải sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh diễn ra hàng năm, theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng,… Vì vậy, việc chủ động phòng tránh từ phía người dân là việc làm hết sức cần thiết cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 23

Các DẤU HIỆU sốt xuất huyết cần lưu ý

dấu hiệu sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường sốt cao 39-40 độ C, khó hạ sốt, sốt kéo dài khoảng 3-5 ngày kèm theo các biểu hiện:

  • Đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau mỏi cơ
  • Buồn nôn
  • Nặng có thể bị xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh (ở nữ giới), xuất huyết tiêu hóa,…

Hết sốt không phải hết sốt xuất huyết – Đây mới chính là khởi đầu của giai đoạn NGUY HIỂM:

– Các tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết có thể diễn ra âm thầm trong cơ thể

– Nếu chảy máu ồ ạt trong nội tạng, trẻ có thể bị sốc gây nguy hiểm đến tính mạng

– Biểu hiện bên ngoài có thể như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn nhiều, phân đen…

– Trẻ nhỏ có thể kèm theo bứt rứt, vật vã, tiểu ít, bỏ ăn, chân tay lạnh, mạch yếu, da nhợt nhạt,…

Sai lầm cần bỏ ngay khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Tự truyền dịch tại nhà

Truyền dịch cần đặc biệt lưu ý về loại dịch truyền, mức độ,… Tự ý truyền dịch khi không có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ, nhân viên y tế có nguy cơ dẫn tới sốc khi truyền, suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp SXH sốc khi truyền dịch tại nhà, khiến người bệnh mất mạng trước khi được đưa tới bệnh viện.

Uống thuốc hạ sốt loại nào cũng được

Có nhiều loại thuốc hạ sốt bị CẤM sử dụng trong trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết như Ibuprofen và Aspirin vì chúng có thể gây chảy máu ồ ạt, không cầm được máu (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa).

Cạo gió, xông hơi

Dễ làm giãn mạch, chảy máu mũi, tăng xuất huyết dưới da, thành mạch dễ bị vỡ, tiểu cầu giảm, trẻ bị chảy máu dưới da nhiều hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách, bệnh SXH có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

– Suy gan, suy thận

– Chảy máu võng mạc

– Xuất huyết não

– Chảy máu nội tạng

– Thậm chí tử vong

Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết

phòng bệnh sốt xuất huyết

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:

  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
  3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, xét nghiệm và xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital