Sốt xuất huyết biểu hiện và các lưu ý trong điều trị

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Hiểu rõ về bệnh sốt xuất huyết biểu hiện, cách thức lây nhiễm, phương pháp điều trị và ngăn ngừa… sẽ giúp bạn và gia đình phòng bệnh hiệu quả, hạn chế biến chứng tiêu cực với sức khỏe.

1. Tìm hiểu 4 giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Ở nước ta, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào tháng 7-10 hàng năm, đây là mùa mưa nên độ ẩm không khí tăng cao, ao tù nước đọng tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi nảy nở. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết trực tiếp là virus Dengue, chúng tồn tại trong dịch tiết của muỗi vằn và xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết có 4 giai đoạn phát triển với những triệu chứng khác nhau.

1.1. Giai đoạn 1: ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài trung bình từ 4 đến 7 ngày. Tùy vào cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà virus Dengue sẽ nhân số lượng lên theo thời gian. Khi đủ số lượng sẽ gây ra biểu hiện cụ thể và bệnh sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn sau.

1.2. Giai đoạn 2: sốt Dengue

Khoảng 2-7 ngày là thời gian của giai đoạn sốt Dengue, dấu hiệu cảnh báo giống với cảm cúm thông thường. Giai đoạn này chưa gây nguy hiểm tới người bệnh, một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

– Đau nhức đầu

– Mệt mỏi

– Đau họng

– Buồn nôn

– Chán ăn

– Sốt cao từ 39 đến 40 độ C

1.3. Giai đoạn 3: nguy hiểm

Đa số người bệnh sẽ không bị sốt khi bước sang giai đoạn này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người nghĩ mình đã khỏi bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì người bệnh sinh ra tâm lý chủ quan không điều trị, lơ là kiểm tra sức khỏe. Trên thực tế, đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất, mang tính quyết định biến chứng của bệnh có nghiêm trọng hay không.

Virus Dengue đã khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu đáng kể nên số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đi nhiều. Từ đó sức đề kháng của người bệnh giảm sút, tạo điều kiện cho virus tấn công. Do đó, ở giai đoạn này, người bệnh nên nhập viện để được theo dõi sát và điều trị phù hợp.

1.4. Giai đoạn 4: phục hồi

Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, cơ thể người bệnh dần dần hồi phục. Biểu hiện cho thấy sức khỏe đang cải thiện bao gồm:

– Thèm ăn

– Ăn ngon miệng

– Nhịp tim ổn định

– Đi tiểu nhiều

– Khát nước

2. Sốt xuất huyết biểu hiện đặc trưng

Sốt xuất huyết biểu hiện rõ ràng ở cơ thể người bệnh sau khoảng 3-5 ngày ủ bệnh kể từ khi virus xâm nhập. Tùy vào giai đoạn và thể trạng từng người mà mỗi người bệnh có những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết mà mỗi người cần lưu ý bao gồm:

2.1. Sốt xuất huyết biểu hiện sốt cao, khó hạ sốt

Sốt cao là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, dễ nhận biết của bệnh. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ C hoặc thậm chí cao hơn. Sốt do sốt xuất huyết với các nguyên nhân bệnh truyền nhiễm khác thường ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường. Sốt cao kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ để hạ sốt nhanh, an toàn.

Sốt xuất huyết biểu hiện sốt cao, từng cơn, khó giảm

Sốt xuất huyết gây ra triệu chứng sốt cao, người mỏi, đau nhức, đau hốc mắt

2.2. Đau đầu dữ dội

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra triệu chứng nhức mỏi người, đau tê buốt các xương và khớp. Trong đó, bệnh nhân cảm thấy đau vùng trán, hốc mắt dữ dội hơn.

2.3. Sốt xuất huyết biểu hiện buồn nôn và nôn

Bệnh sốt xuất huyết kéo theo tình trạng rối loạn tiêu hóa, biểu hiện bằng triệu chứng:

Đau bụng nhiều (đau ở vùng gan)

– Nôn

– Ăn uống kém

– Ăn không ngon miệng

2.4. Xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết ở nhiều vị trí trên cơ thể, biểu hiện như sau:

– Xuất huyết chấm đỏ ngoài da

– Chảy máu chân răng

– Chảy máu cam

Nôn ra máu

Đi ngoài phân đen

2.5. Một số triệu chứng khác

Ở thể bệnh nặng, người bệnh có thể đối mặt với một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

– Cơ thể mệt mỏi, li bì

– Mất ý thức

– Chân tay lạnh

– Nhịp tim rối loạn

– Nôn nhiều

– Xuất huyết nặng

– Tụt huyết áp

– Tổn thương cơ quan nội tạng

Lúc các triệu chứng này xuất hiện, người bệnh cần được nhập viện và điều trị nhanh chóng để tránh biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Sốt xuất huyết biểu hiện hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim khi tiến triển nặng

Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim và nhiều triệu chứng bất thường khác

3. Lưu ý khi chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết

Người bị sốt xuất huyết thường bị sốt cao, sốt kéo dài và đi kèm nhiều triệu chứng khác gây mệt mỏi, yếu sức. Vì vậy, khi chăm sóc tại nhà cần lưu ý một số điểm sau:

3.1. Cẩn trọng với thuốc hạ sốt

Nếu chưa xác định chính xác nguyên nhân gây sốt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý uống các loại thuốc hạ sốt. Để an toàn, bạn nên hạ sốt bằng cách mặc quần áo rộng rãi, chườm khăn, nằm nơi thoáng mát nghỉ ngơi. Nếu vẫn không hết sốt, hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc phù hợp.

Sốt xuất huyết biểu hiện sốt cao, cần uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Thuốc hạ sốt sử dụng sai cách có thể gây hại cho gan do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống

3.2. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết để nhanh hồi phục

Bệnh nhân cần bổ sung nước liên tục để tránh mất nước do nôn và sốt cao. Chuyên gia gợi ý người bệnh nên uống nhiều:

– Nước lọc

– Nước trái cây

– Nước oresol

Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn các món loãng như cháo, súp để dễ nuốt, dễ tiêu hóa.

3.3. Cảnh báo một số thực phẩm nên tránh khi bị sốt xuất huyết

– Tránh ăn thực phẩm có màu sẫm, nâu, đỏ làm phân tối màu khiến bác sĩ nhầm lẫn bạn bị xuất huyết tiêu hóa.

– Tránh dung nạp thực phẩm nhiều dầu mỡ vì gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu khiến cơ thể chậm hồi phục.

– Tránh ăn các thực phẩm cay nóng vì gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh.

– Tránh uống nhiều nước ngọt, nước có ga vì khiến cơ thể dung nạp một lượng đường lớn, cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn có hại của bạch cầu nên làm bệnh lâu khỏi.

– Hạn chế uống các thức uống có chứa chất kích thích như trà, cà phê, bia, rượu vì ảnh hưởng tới huyết áp. Ngoài ra, trà còn làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt cũng như chứa một số chất khiến nhiệt độ tăng lên, làm bệnh tình trở nặng.

Mỗi chúng ta cần chủ động tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital