Sỏi thận chạy xuống bàng quang và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi thận chạy xuống bàng quang là nguyên nhân gây sỏi bàng quang hàng đầu. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, sỏi bàng quang sẽ phát triển về kích thước dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, người bệnh cần nhận thức được những biểu hiện, cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này để tránh được những hệ lụy về sau.

1.Tìm hiểu về hiện tượng sỏi thận rơi xuống bàng quang

1.1 Dấu hiệu của sỏi thận chạy xuống bàng quang

Bàng quang là một cơ rỗng dùng để chứa nước tiểu từ thận tiết ra, trước khi nước tiểu thoát ra ngoài qua niệu đạo. Do là bể chứa nước tiểu, cơ quan thoát nước tiểu sau bàng quang là niệu đạo hẹp nên nguy cơ sỏi bị “giữ” lại ở bàng quang rất cao. Hiện tượng sỏi từ thận xuống bàng quang là sỏi hình thành tại thận và di chuyển theo dòng nước tiểu, qua niệu quản xuống bàng quang và kẹt lại tại đây. Hiện tượng này còn gọi là sỏi bàng quang.

Căn bệnh này thường không có biểu hiện rõ ràng khi sỏi còn nhỏ dẫn đến nhiều bệnh nhân không phát hiện ra. Nhiều trường hợp bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ hoặc chụp X quang vô tình phát hiện ra bệnh. Bên cạnh đó dấu hiệu ban đầu của sỏi bàng quang rất dễ bị nhầm lẫn với một số căn bệnh khác như u bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến… Tuy nhiên, người bệnh có thể theo dõi và nhận diện căn bệnh này thông qua một số dấu hiệu điển hình sau:

– Bệnh nhân đi tiểu nhiều, nhất là ban ngày, khó đi tiểu, tiểu buốt và đi tiểu ngắt quãng.

– Nước tiểu có máu nhạt, có mùi hôi và màu đục, đậm hơn bình thường.

– Xuất hiện cơn đau âm ỉ tại bụng dưới.

– Một số trường hợp sỏi lớn, bệnh nhân có thể đau quặn thận.

– Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, ớn lạnh nếu nhiễm khuẩn.

sỏi thận chạy xuống bàng quang

Khó tiểu, đi tiểu ngắt quãng và đi tiểu nhiều là biểu hiện điển hình của sỏi thận rơi xuống bàng quang

1.2 Biến chứng của sỏi thận chạy xuống bàng quang

Sỏi thận xuống bàng quang là bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế việc sỏi gia tăng về kích thước. Nếu bệnh nhân chủ quan trong việc chữa trị, căn bệnh này sẽ mang lại nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Viêm bàng quang cấp

Trong quá trình di chuyển từ thận xuống, sỏi liên tục cọ xát vào niêm mạc bàng quang dẫn đến tổn thương bàng quang, chảy máu, thậm chí là nhiễm trùng. Từ đó có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Tình trạng này kéo dài dẫn tới bệnh viêm bàng quang, nếu không điều trị sớm có thể phát triển thành viêm bàng quang mạn tính.

– Viêm đường tiết niệu

Viên sỏi di chuyển cùng dòng nước tiểu dẫn đến tắc nghèn đường tiểu, nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày tại bàng quang là môi trường “lý tưởng” để vi khuẩn sinh sôi. Bên cạnh đó, sỏi có tính chất cứng, cọ xát vào bàng quang khiến bàng quang bị tổn thương nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Từ đó dẫn tới tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.

– Rò bàng quang

Sỏi tồn tại trong bàng quang khiến bàng quang bị viêm, tổn thương và chảy máu dẫn đến suy giảm chức năng bàng quang. Các cơ vòng không thể được điều khiển nên quá trình mở bàng quang diễn ra liên tục dẫn tới rò bàng quang. Người bệnh khi gặp tình trạng này sẽ khó điều khiến cơn và dòng nước tiểu dẫn tới ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt.

– Viêm thận và suy thận

Sỏi tại bàng quang ngăn chặn dòng nước tiểu thoát ra ngoài, nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày dẫn đến quay ngược dòng lại thận, vi khuẩn có thể theo dòng tiểu xâm nhập gây giãn đài bể thận. Lâu dần hiện tượng này sẽ chuyển thành suy thận.

1.3 Phòng ngừa hiện tượng sỏi thận rơi xuống bàng quang

Sỏi rơi xuống bàng quang hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người bệnh duy trì lối sống và sinh hoạt lành mạnh, cụ thể như sau:

– Uống nhiều nước

Uống nhiều nước rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là với những bệnh nhân bị sỏi. Bởi nước đóng vai trò rất lớn đối với cơ thể, giúp điều tiết mọi chức năng các hoạt động trong cơ thể. Đối với bệnh nhân sỏi, nước giúp đào thải sỏi, tránh cô đặc nước tiểu dẫn tới tạo sỏi và phòng ngừa sỏi tái phát.

– Ăn nhiều rau củ quả

Tăng cường nhóm thực phẩm về rau củ quả giúp cho bệnh nhân nạp thêm lượng chất xơ và vitamin, đồng thời thanh lọc cơ thể. Đồng thời, hỗ trợ thận trong quá trình loại bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể, tránh hình thành sỏi.

sỏi thận chạy xuống bàng quang

Ăn nhiều rau củ quả và trái cây giúp phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có bệnh sỏi

– Ăn nhạt, giảm lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày

Đối với những bệnh nhân bị sỏi, không nên ăn mặn và ăn nhiều muối mỗi ngày. Mỗi ngày người bệnh chỉ nên nạp vào cơ thể tối đa 2.3g muối. Việc cắt giảm lượng muối vào cơ thể giúp cho bệnh nhân giảm áp lực cho thận, lượng canxi bài tiết vào nước tiểu giảm, hạn chế nguy cơ tạo sỏi hoặc gia tăng kích thước sỏi.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao

Thể dục thể thao giúp người bệnh tăng sức đề kháng, phòng ngừa nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh, trong đó có sỏi. Người bệnh ngồi nhiều hoặc nằm nhiều, các nhóm cơ ít hoạt động cũng tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi.

Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp người bệnh phát hiện ra sớm bệnh, từ đó điều trị hiệu quả hơn, tránh bệnh phát triển nguy hiểm và tốn kém chi phí điều trị. Bên cạnh đó, nếu sỏi nhỏ và chưa gây ảnh hưởng tới chức năng đường niệu, biểu hiện không rõ ràng, người bệnh có thể phát hiện ra nếu chụp X quang.

2. Xử lý sỏi thận xuống bàng quang như thế nào?

Điều trị sớm và đúng cách là cách thoát khỏi bệnh sỏi sớm nhất. Một số phương pháp điều trị sỏi người bệnh có thể được chỉ định như sau:

– Trường hợp sỏi thận rơi xuống bàng quang kích thước nhỏ, tính chất trơn; bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị với kháng sinh giúp chống viêm, giảm đau và giãn cơ trơn để đưua sỏi ra bên ngoài.

– Trường hợp viên sỏi lớn và không thể tự đào thải ra ngoài, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Với nhiều ưu điểm vượt trội như: không đau, không mổ, hồi phục nhanh…; đây được coi là phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Kỹ thuật này sử dụng laser để tán vỡ sỏi thành nhiều mảnh và gắp vụn sỏi ra ngoài.

sỏi thận chạy xuống bàng quang

Điều trị tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho bệnh nhân sỏi bàng quang

– Trường hợp sỏi thận rơi xuống bàng quang kích thước lớn, sỏi không thể tự đào thải, tính chất phức tạp… người bệnh có thể sẽ cần mổ mở để lấy sỏi ra ngoài.

Trên đây là những thông tin mà người bệnh cần nắm rõ về hiện tượng sỏi xuống bàng quang. Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu của bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital