Sỏi niệu quản và nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, vết thương phục hồi nhanh hơn so với phương pháp phẫu thuật mở thông thường. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn về phương pháp này thông qua bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về bệnh sỏi niệu quản

1.1 Sỏi niệu quản – triệu chứng và biến chứng

Sỏi niệu quản là loại sỏi chiếm 28% trong các loại sỏi tiết niệu. Sỏi niệu quản được chia thành 3 vị trí là sỏi niệu quản ⅓ trên, sỏi niệu quản ⅓ giữa, sỏi niệu quản ⅓ dưới. 

Sỏi niệu quản khi kích thước càng lớn hoặc kẹt tại các vị trí hẹp sinh lý tự nhiên của niệu quản sẽ gây ra nhiều triệu chứng và nặng hơn sẽ tiến triển thành nhiều căn bệnh khác.

– Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đau vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu đau, tiểu rắt khiến người bệnh cảm thấy khó khăn và ngại đi tiểu. Nước tiểu có màu sắc bất thường chẳng hạn như màu sẫm hơn, màu hồng…

– Sỏi kẹt trong niệu quản sẽ khiến nước tiểu không được lưu thông thuận lợi, dẫn đến tình trạng ngược dòng. Nước tiểu đẩy ngược lại lên thận khiến đài thận, bể thận bị ứ nước dẫn đến giãn đài bể thận. Lâu ngày khiến thận suy giảm chức năng, dẫn đến suy thận.

– Viêm nhiễm đường niệu: Khi sỏi di chuyển, cọ xát trong niệu quản sẽ làm tăng nguy cơ viêm niêm mạc bởi vi khuẩn có môi trường thuận lợi để tấn công. Viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến xơ hóa thành niệu quản, bể thận và đài thận, rò bàng quang…

nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản

Nội soi sau phúc mạc có ưu thế trong lấy sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên

1.2 Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản hiệu quả

Việc chia sỏi niệu quản thành các vị trí như đã đề cập phía trên sẽ giúp xác định được rõ ràng các phương thức điều trị thích hợp cho từng loại sỏi. Mỗi bệnh nhân sẽ có một tình trạng bệnh khác nhau như kích thước sỏi, vị trí sỏi, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe. Dựa vào những yếu tố đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể.

Trong trường hợp sỏi nhỏ, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc để tác động làm mòn sỏi để đưa sỏi ra ngoài thông qua quá trình đi tiểu. Bệnh nhân kết hợp uống nước, duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục theo lời khuyên của bác sĩ để kích thích quá trình đào thải sỏi ra ngoài.

Khi sỏi lớn điều trị nội khoa không có tác dụng, bệnh nhân sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa để lấy sỏi. 

– Tán sỏi ngoài cơ thể: Hiệu quả với sỏi nằm ở đoạn trên của niệu quản, sỏi niệu quản ⅓ trên kích thước <1cm. 

– Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng ống mềm: Hiệu quả với sỏi niệu quản ⅓ giữa và dưới. Sỏi niệu quản vị trí cao được chỉ định tán sỏi bằng ống nội soi mềm một thì.

Tán sỏi qua da: Hiệu quả với sỏi niệu quản ⅓ trên và >1.5cm

– Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Hiệu quả với sỏi niệu quản ⅓ trên, kích thước > 1cm. 

– Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi: Sử dụng khi bệnh nhân đã thất bại với các phương pháp điều trị ít xâm lấn.

2. Phương pháp phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc 

Ngoài các phương pháp tán sỏi công nghệ cao, mổ mở lấy sỏi, thì phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc cũng là 1 trong những phương pháp được sử dụng. Đây là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, có ưu thế đối với những bệnh nhân mắc sỏi niệu quản ⅓ trên áp dụng tán sỏi ngoài da hay tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng ống cứng, bán cứng thất bại. Sỏi sẽ được lấy ra qua trocar bằng cách mổ nội soi qua đường sau phúc mạc.

nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản

Phương pháp lấy sỏi ra ngoài cơ thể qua trocar bằng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc

2.1 Chỉ định 

– Sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên, đủ điều kiện chỉ định phẫu thuật nội soi 

– Sỏi kích thước lớn mà kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi nội soi ngược dòng không được chỉ định hoặc thất bại

– Sỏi xù xì gắn chặt vào niệu quản, sỏi cứng khó tán vỡ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi lấy sỏi bởi loại sỏi này gây khó khăn cho kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng 

– Sỏi có nhiều viên gây cản trở trên đường bài xuất ở bể thận – niệu quản 

– Khu vực thắt lưng đủ rộng để can thiệp và bệnh nhân chưa có phẫu thuật vùng hông lưng

2.2 Chống chỉ định

Đối với các trường hợp sau đây, bệnh nhân không được chỉ định sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật mở lấy sỏi, từng can thiệp vào khoang phúc mạc cùng bên có sỏi ở hiện tại, bệnh nhân rối loạn đông máu, bệnh nhân mắc các bệnh suy tim, mạch vành, nhiễm khuẩn đường niệu chưa điều trị dứt điểm.

2.3 Quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản đoạn cao

– Bệnh nhân được đặt theo tư thế nằm nghiêng, và được gây mê nội khí quản

– Bác sĩ rạch da khoảng 1.5-2cm, tạo khoang sau phúc mạc, đặt hoàn thành 3 trocar. Thông thường gồm 3 trocar để phục vụ quá trình mở lấy sỏi (2 trocar 10mm và 1 trocar 5mm)

– Bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào cơ thể thông qua ống trocar được chọc trên hông lưng bệnh nhân 

– Sau khi xác định được vị trí sỏi, sẽ tiến hành mở dọc niệu quản trên vị trí sỏi để lấy sỏi ra ngoài thông qua lỗ trocar 10mm. Nếu sỏi to không lấy qua được lỗ trocar 10mm, bác sĩ sẽ sử dụng túi lấy bệnh phẩm cho sỏi vào và phá vỡ sỏi trong túi. Khi sỏi kích thước đã nhỏ sẽ được lấy qua lỗ trocar, bác sĩ sẽ tiến hành đưa sỏi ra ngoài. 

– Tiếp đến là đặt ống thông niệu quản, khâu chỗ mở niệu quản bằng chỉ tiêu

– Sau khi kiểm tra kỹ lại tình trạng của bệnh nhân nếu không có xuất huyết, đã loại bỏ hết sỏi.., bác sĩ tiến hành rút ống trocar. Theo đó đặt ống dẫn lưu vị trí phẫu thuật, đóng và khâu lại các lỗ trocar kết thúc quá trình tiến hành mổ nội soi.

– Sau phẫu thuật nội soi bệnh nhân được đưa về phòng bệnh để theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu, màu sắc dịch. Bệnh nhân được rút ống dẫn lưu sau 2-3 ngày không còn dịch.

– Và được rút ống thông niệu đạo sau 5 ngày khi tình trạng nước tiểu trở về ổn định. 

– Cuối cùng bệnh nhân được xuất viện và được bác sĩ hẹn lịch tái khám.

nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản

Bác sĩ đặt ống trocar để lấy sỏi niệu quản

2.4 Biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản

Phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc có ưu điểm tỷ lệ sạch sỏi cao, bệnh nhân được bác sĩ gắp toàn bộ viên sỏi có kích thước lớn chỉ trong một lần ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên có thể sẽ có một số biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, chảy máu, rò rỉ nước tiểu sau mổ, tụ dịch, áp xe sau phúc mạc, tổn thương phổi, đại tràng, ruột non do quá trình chọc trocar hay phẫu tích…

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, nhiều công nghệ tán sỏi vừa mang lại tỷ lệ sạch sỏi cao, gây ít biến chứng, thời gian lưu viện viện ngắn, khả năng phục hồi nhanh hơn phương pháp nội soi sau phúc mạc lấy sỏi như: nội soi tán sỏi bằng ống mềm, tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp nhất định bệnh nhân vẫn phải dùng phương pháp điều trị này. Do đó nếu không sử dụng được các kỹ thuật tán sỏi công nghệ cao, bạn cũng hoàn toàn yên tâm lựa chọn cho mình đơn vị điều trị chất lượng để quá trình phẫu thuật nội soi lấy sỏi ở niệu quản mang lại hiệu quả nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital