Sỏi kẹt niệu quản có nguy hiểm không – Góc giải đáp

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi kẹt niệu quản là hiện tượng không hiếm gặp. Sỏi mắc kẹt không ra ngoài được có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Hiện nay với sự xuất hiện của các phương pháp tán sỏi công nghệ cao, sỏi kẹt niệu quản và sỏi tiết niệu nói chung đều có thể được loại bỏ rất nhanh chóng, nhẹ nhàng, an toàn.

1. Sỏi kẹt niệu quản có nguy hiểm không?

Sỏi kẹt niệu quản là hiện tượng sỏi từ thận rơi xuống, kẹt tại niệu quản không xuống được bàng quang. Những viên sỏi tiết niệu này có thể có kích thước nhỏ nhưng nguy hiểm nếu để lâu không điều trị. Dưới đây là những biến chứng có thể xảy ra:

– Thận ứ nước:

Sỏi bị kẹt tại niệu quản sẽ chặn lại dòng chảy nước tiểu khiến nước tiểu không được đẩy xuống bàng quang. Về lâu dài, lượng nước tiểu này càng nhiều và chảy ngược lại thận, gây ứ nước tại thận.

– Đài bể thận bị giãn:

Tình trạng ứ nước lâu ngày sẽ gây giãn đài bể thận, giãn cả niệu quản. Lâu dần, thận sẽ bị biến dạng, kích thước tăng lên bất thường. Tình trạng này nếu kéo dài có thể vỡ thận bất cứ lúc nào.

– Niệu quản bị viêm nhiễm:

Sỏi cọ xát khi bị kẹt tại niệu quản có thể gây tổn thương lớp niêm mạc niệu quản. Tình trạng này tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đau đớn. Nếu để lâu, tình trạng viêm nhiễm sẽ lan rộng lên cả vùng đài bể thận.

– Suy thận cấp tính và mạn tính:

Suy thận mạn tính là trường hợp vô cùng nguy hiểm. Vì khi đó chức năng thận đã bị suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh đứng trước nguy cơ bị hỏng thận vĩnh viễn nếu không xử trí kịp thời.

Sỏi kẹt niệu quản có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm

Sỏi kẹt niệu quản có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm

2. Điều trị sỏi kẹt niệu quản như thế nào?

Việc điều trị cần cân nhắc dựa trên kích thước, tính chất từng loại sỏi để có phương pháp phù hợp.

2.1. Sỏi kẹt niệu quản tạm thời, có thể đẩy ra ngoài được

Sỏi niệu quản được xác định là có kích thước nhỏ, dưới 5mm và đường tiết niệu thông thoáng, niệu quản không bị hẹp, sỏi kẹt chưa xuất hiện biến chứng sẽ có chỉ định điều trị bằng thuốc kết hợp bổ sung nhiều nước.

Nguyên tắc điều trị bằng thuốc như sau:

– Thuốc giảm đau. Những loại thuốc giảm đau sẽ được kê đơn nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn khó chịu khi sỏi di chuyển ra ngoài theo đường tiểu.

– Thuốc chẹn alpha: Bác sĩ sẽ có chỉ định một số loại thuốc chẹn alpha với mục đích giãn cơ trong niệu quản. Từ đó sỏi có thể ra ngoài dễ dàng hơn mà không phải chịu đau đớn.

– Thuốc chống viêm: Người bệnh được khuyên dùng thuốc chống viêm ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu nếu có.

– Uống nước: Việc điều trị nội khoa không thể quên bổ sung đủ nước hằng ngày để hệ tiết niệu được bôi trơn, hỗ trợ sỏi tống ra ngoài theo đường bài tiết.

Lưu ý:

Các thông tin về thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định.

Bệnh nhân cần khám lại sau thời gian điều trị bằng thuốc để xác định hiệu quả. Nếu sỏi đã ra ngoài và không còn bị kẹt, bệnh nhân không cần can thiệp ngoại khoa.

Sỏi kẹt niệu quản có thể điều trị bằng thuốc kết hợp uống nhiều nước đẩy sỏi ra ngoài

Sỏi kẹt niệu quản có thể điều trị bằng thuốc kết hợp uống nhiều nước đẩy sỏi ra ngoài.

2.2. Sỏi kẹt niệu quản kích thước lớn, có thể gây nguy hiểm

Trường hợp sỏi niệu quản được xác định trong tình trạng nguy hiểm, xuất hiện cơn đau và nguy cơ biến chứng nếu để lâu, bệnh nhân thường có chỉ định tán sỏi công nghệ cao. Đây là giải pháp an toàn thay thế mổ mở, tùy vào vị trí và kích thước sỏi kẹt mà sẽ áp dụng công nghệ tán sỏi khác nhau.

– Sỏi kẹt ở đoạn 1/3 trên sát bể thận, kích thước <1cm sẽ có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể:

Phương pháp này sử dụng sóng xung kích phá vỡ sỏi từ bên ngoài. Bệnh nhân chỉ việc nằm lên máy tán sỏi, không phải chịu đau đớn gì. Sóng xung kích hội tụ sẽ phá vỡ cấu trúc sỏi thành mảnh vụn có thể ra ngoài theo đường tiểu. Bệnh nhân được về nhà ngay và cần uống nước thật nhiều để đẩy nhanh bài tiết, giúp đẩy hết mảnh vụn sỏi ra ngoài.

– Sỏi kẹt ⅓ trên sát bể thận với kích thước >1.5cm có chỉ định tán sỏi qua da đường hầm nhỏ:

Tán sỏi qua da tạo một vết rạch rất nhỏ trên phần da lưng tương ứng với vị trí của sỏi, chỉ tầm 5mm, sau đó bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào và dùng năng lượng laser bắn vỡ sỏi rồi hút ra ngoài. Bệnh nhân ít đau, gần như không sẹo và rất chóng hồi phục.

– Sỏi kẹt đoạn 1/3 giữa, 1/3 dưới niệu quản có chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser:

Phương pháp này đưa ống nội soi vào bằng đường tự nhiên, tự niệu đạo đi lên để tán sỏi bằng năng lượng laser cực lớn. Nhờ đó, bệnh nhân không phải mổ, không sẹo và có thể xuất viện sau 1 ngày.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân nằm trong các đối tượng chống chỉ định tán sỏi sẽ có chỉ định phẫu thuật lấy sỏi. Nếu bệnh nhân gặp các biến chứng viêm nhiễm, đau đớn… phác đồ điều trị sẽ bắt đầu từ việc điều trị dứt điểm biến chứng rồi mới thực hiện các biện pháp lấy sỏi ra ngoài.

Sỏi kẹt niệu quản có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao

Sỏi kẹt niệu quản có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao

3. Một số biện pháp giúp phòng ngừa

Để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm khi sỏi rơi xuống niệu quản, mỗi người cần ý thức rèn luyện những thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày. Những điều đơn giản ai cũng có thể thực hiện như uống đủ nước, ít nhất là 2 lít mỗi ngày. Ngoài ra, chế độ ăn uống cần thay đổi theo hướng bổ sung nhiều chất xơ, vitamin từ hoa quả cam chanh, hạn chế ăn quá nhiều thịt và chế độ ăn mặn. Nên bổ sung canxi bằng thực phẩm tự nhiên thay vì thực phẩm chức năng, tránh hình thành sỏi canxi oxalat… Đồng thời, mỗi người cần vận động mỗi ngày, ít nhất là bằng những bài tập khởi động đơn giản hoặc đi bộ mỗi ngày.

Để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của sỏi tiết niệu, sỏi rơi xuống niệu quản, điều quan trọng là người dân cần khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và được điều trị hiệu quả. Sỏi kẹt niệu quản, sỏi tiết niệu nói chung càng điều trị sớm càng đơn giản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital