Sơ cứu vết thương phần mềm bằng phương pháp RICE

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên áp dụng phương pháp RICE khi sơ cứu vết thương phần mềm. Điều này sẽ giúp vết thương mau lành hơn, hạn chế tối đa các di chứng về sau. Nào cùng tìm hiểu ngay phương pháp RICE khi xử trí chấn thương phần mềm.

1. Phương pháp RICE là gì?

Đây là phương pháp được các chuyên gia khuyến cáo áp dụng khi sơ cứu ban đầu đối với vết thương phần mềm. RICE được viết tắt bởi Rest (nghỉ ngơi) – Ice (chườm lạnh) – Compression (băng ép) – Elevation (kê cao chi).

1.1 Rest (nghỉ ngơi) khi bị chấn thương phần mềm

Khi bị tổn thương phần mềm người bệnh cần được nghỉ ngơi, vùng tổn thương nên để bất động giúp hạn chế tình trạng tổn thương thêm và làm tăng tốc độ chữa lành.

1.2 Ice (chườm lạnh) lên vết thương phần mềm

Bạn cho một ít đá vào túi chườm hoặc khăn bông ẩm (tuyệt đối không chườm trực tiếp đá lạnh lên vết thương vì như vậy dễ gây bỏng lạnh) chườm lên vị trí bị tổn thương. Mỗi lần chườm khoảng 10-15 phút, các lần cách nhau khoảng 3-4 tiếng. Không được chườm liên tục và nên chườm trong 2-3 ngày đầu kể từ khi bị tổn thương.

Nên nhớ, tuyệt đối không được chườm nóng đối với vết thương phần mềm vì khi chườm nóng dễ khiến các mạch máu đang bị tổn thương vỡ ra, gây chảy máu và càng làm vết thương nặng thêm.

1.3 Compression (băng ép) đối với vết thương phần mềm

Băng ép vùng chấn thương bằng nẹp sẽ giúp hạn chế đau nhức và giảm thiểu sưng tấy. Tuy nhiên, khi băng ép bằng nẹp bạn cần làm đúng kỹ thuật để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu cũng như làm vết thương trầm trọng hơn. Người bệnh có thể dùng băng vải hoặc băng thun để băng ép vùng chấn thương.

1.4 Elevation (kê cao chi) khi bị chấn thương phần mềm

Việc kê cao vùng chấn thương sẽ giúp giảm lưu thông máu xuống vùng tổn thương, điều này giúp giảm phù nề, giảm đau. Tư thế được khuyến cáo là người bệnh nên nằm xuống nghỉ ngơi ở một mặt phẳng, chân kê cao hơn so với phần đầu, ngực (tim).

Sơ cứu vết thương phần mềm bằng phương pháp RICE

Các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng phương pháp RICE khi sơ cưu vết thương phần mềm.

2. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tùy theo tình trạng tổn thương mà bạn có thể kết hợp sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm sau khi sơ cứu xong. Các bác sĩ khuyến cáo, bạn nên đến cơ sở y tế sớm nhất để có thể để được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

Nếu trong 24-48 giờ áp dụng phương pháp xử trí trên mà các triệu chứng tổn thương gân, cơ, khớp, dây chằng (đau, phù nề) không mấy thuyên giảm hay thấy đau hơn, phù nề hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán đúng (loại trừ tổn thương sâu bên trong) và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Khi xử trí vết thương phần mềm cần tuân thủ các bước:

– Rửa sạch, sát trùng

– Áp dụng phương pháp RICE

– Khâu vết thương. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, mức độ chảy máu và nguyên nhân gây ra vết thương các bác sĩ sẽ quyết định vết thương có cần phải khâu hay không. Chẳng hạn như đối với những vết thương hở ở trên mặt hoặc những vùng bị căng, giãn khi cử động như lòng bàn tay, ngón tay hay các vết thương sâu hoặc dài hơn 1cm là những vết thương cần được khâu lại để tránh nhiễm trùng hoặc tổn thương nặng hơn).

Tiêm phòng uốn ván

– Kê đơn thuốc

– Hẹn thay băng và cắt chỉ

chẩn đoán vết thương phần mềm thông qua máy siêu âm

Thăm khám tại cơ sở y tế sẽ giúp chẩn đoán đúng tổn thương, xử trí hiệu quả, rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế được các biến chứng đáng tiếc do việc tự chẩn đoán gây ra.

3. Chẩn đoán vết thương phần mềm bằng cách nào?

Bạn sẽ cần phải khám ban đầu với bác sĩ ngoại chung/cấp cứu. Sau đó tùy thuộc vào tính chất của vùng tổn thương và mức độ tổn thương mà có thể cần phải chụp chiếu, để loại trừ tổn thương ở xương. Đa số là chụp X quang, tuy nhiên trong một số trường hợp để chắc chắn hơn có thể phải làm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.

4. Quan niệm sai lầm khi xử trí vết thương phần mềm

Hiện nay, quan niệm của người bệnh vẫn rất chủ quan khi bị chấn thương phần mềm. Nhiều người vẫn cho rằng bong gân, viêm gân, bầm tím,… không quan trọng, nên họ chỉ đến viện khi có kết hợp với gãy xương, điều này dẫn đến hàng loạt các sai lầm do tự ý điều trị tại nhà. Các biện pháp như tự ý xoa cao, massage, bôi mật gấu, rượu gừng vào nơi bị tổn thương là cách làm không đúng y khoa vì điều này càng khiến vết thương bị chảy máu mạnh hơn.

Việc xử trí vết thương tại cơ sở y tế sẽ vừa đảm bảo tính an toàn và tính thẩm mỹ cho người bệnh. Tránh được các biến chứng hoặc sai lầm không đáng có khi bạn tự xử lý ở nhà như hoại tử vết thương, vết thương bị nhiễm trùng, mất máu nhiều, lâu lành, để lại sẹo,…

Sai lầm khi sơ cứu vết thương phần mềm

Dùng dầu nóng bôi vào vị trí tổn thương phần mềm sẽ làm các mao mạch máu giãn ra, dễ gây chảy máu mạnh hơn.

5. Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sau khi khâu vết thương

Sau khi khâu vết thương bạn cần lưu ý một số điều sau để tránh bị nhiễm trùng, vết thương mau lành và độ thẩm mỹ cao.

Uống thuốc theo đơn

Giữ vệ sinh vết thương và thay băng theo y lệnh

Với những vết thương tạo sẹo bạn nên tránh ăn rau muống, thịt bò, thịt gà, tôm, cua, hải sản,… cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.

Chỉ nên dùng thuốc ngừa sẹo khi vết thương đã khô và liền hẳn.

Vết thương khô tạo vảy nên để vảy vết thương tự bong, không dùng tay bóc, không nên sờ hay gãi nhiều khi vết thương đang lên da non.

Tái khám theo lịch hẹn hoặc nếu có bất thường như: sốt 38 độ hoặc cao hơn, chỗ vết thương ngày càng đau, chảy máu, sưng phù, tấy đỏ, có mủ hoặc dịch chảy có mùi hôi thì cần thăm khám ngay.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital