Siêu âm sỏi thận là một trong những cách phổ biến được áp dụng trong chẩn đoán để kết luận về hình dáng, kích thước cũng như vị trí của viên sỏi. Cùng với sự phát triển của y học hiện đại siêu âm đã trở thành công cụ đắc lực giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của siêu âm sỏi thận
Siêu âm thận nói chung và siêu âm sỏi thận nói riêng là phương pháp mà người bệnh được chỉ định đầu tiên khi nghi ngờ mắc sỏi thận. Siêu âm sỏi thận không chỉ giúp phát hiện sỏi, cho biết kích thước, đánh giá chính xác vị trí và bản chất viên sỏi mà còn ghi nhận được mức độ ứ nước tại thận, niệu quản và phát hiện những bất thường trong cấu trúc thận.
Siêu âm sỏi thận mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán bệnh với nhiều ưu điểm là đơn giản, giá thành hợp lý, an toàn với mọi người bệnh và có thể siêu âm nhiều lần mà không gây bất kỳ tác hại nào.
Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng bất thường nghi ngờ có sỏi thận thì việc đầu tiên thường được các bá sĩ chỉ định chính là siêu âm thận. Siêu âm sỏi thận hỗ trợ chẩn đoán bệnh cũng như là cơ sở cho quá trình điều trị sau này, tránh việc phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và gây nên những biến chứng nặng nề đặc biệt là suy thận.
Hầu hết các trường hợp mắc sỏi thận đều có thể phát hiện qua siêu âm. Tuy nhiên, vẫn có thể phát sinh những trường hợp đặc biệt khi gặp khó khăn trong việc chẩn đoán thì cần kết hợp song song siêu âm sỏi thận với các phương pháp khác như chụp X quang bụng hoặc CT ổ bụng.
2. Khi nào cần chỉ định siêu âm thận?
Siêu âm thận là công tác thường được chỉ định khi người bệnh thực hiện tái khám định kỳ hoặc khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sỏi sau đây:
– Đi tiểu cảm giác gắt buốt, khó tiểu hoặc bí tiểu;
– Tiểu ra máu
– Một số thay đổi bất thường trong nước tiểu như nước tiểu có màu khác lạ, nước tiểu chứa nhiều cặn hoặc bọt hơn bình thường…
– Đau bụng cùng các cơn đau quặn thận;
– Tụt huyết áp đột ngột mà không rõ nguyên nhân;
– Người bệnh có tiểu sử mắc các bệnh lý về thận như viêm đường tiết niệu, thận đa nang, suy thận…
3. Những lưu ý trước và sau khi thực hiện siêu âm
3.1. Trước khi siêu âm sỏi thận
Một trong những vấn đề chính mà hầu hết mọi người bệnh đều quan tâm trước khi siêu âm: Siêu âm sỏi thận có cần phải nhịn ăn và nhịn tiểu không? Lý giải cho thắc mắc này như sau:
– Người bệnh không nên để bàng quang trống khi tiến hành siêu âm vì có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Đây cũng chính là lý do vì sao bác sĩ thường đề nghị người bệnh phải uống nhiều nước hơn và nhịn tiểu để làm căng bàng quang trước khi siêu âm để kết quả được chính xác nhất.
– Ngoài ra, người bệnh cũng cần nhịn ăn cách thời gian siêu âm từ 6 – 8 tiếng. Vậy nên hãy thực hiện siêu âm thận vào buổi sáng là hợp lý hơn cả vì bạn có thể nhịn ăn từ tối hôm trước thay vì nhịn đói cả ngày trong thời gian dài.
3.2. Sau khi siêu âm sỏi thận
– Kết thúc quá trình siêu âm, người bệnh chờ nhận kết quả và chuyển đến bác sĩ chuyên khoa phục trách. Tại đây, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa theo hình ảnh siêu âm. Nếu hình ảnh cho thấy sỏi đang có nguy cơ di chuyển tới bể thận, người bệnh có thể được chỉ định thêm việc siêu âm niệu quản hoặc siêu âm bàng quang.
– Trong một vài trường hợp, để kết luận chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện song song một số các xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp X-quang bụng, chụp CT ổ bụng, chụp mạch thận, chọc dò tĩnh mạch, chọc dò ngược dòng, siêu âm Doppler…
4. Cần làm gì khi được phát hiện sỏi trong thận?
Việc hình thành sỏi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như gây nên những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Nhiều loại sỏi có thể mắc kẹt trong thận hoặc ống niệu quản. Hệ quả là xuất hiện những cơn đau, viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc thậm chí là suy giảm chức năng thận.
Đối với tình trạng sỏi có kích thước nhỏ, nó có thể tự di chuyển theo đường tiết niệu và đào thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên với trường hợp sỏi thận kích thước lớn thì việc tự đào thải là điều không thể. Lúc này người bệnh cần đến sự can thiệp từ các phương pháp điều trị ngoại khoa như tán sỏi, phẫu thuật lấy sỏi…
4.1. Trường hợp phát hiện sỏi nhỏ, mới hình thành (thường là trong khoảng 2 năm đầu tiên)
– Người bệnh có thể được bác sĩ cho về nhà điều trị theo hướng dẫn.
– Được kê thuốc đặc trị bao gồm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu.. để hỗ trợ tống sỏi ra ngoài theo đường tiểu.
– Uống đủ 2-3l nước mỗi ngày và một chế độ ăn uống khoa học, vận động điều độ.
– Chú ý theo dõi tình trạng nước tiểu khi đi tiểu, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách lọc nước tiểu để có thể đón viên sỏi khi nó đi ra ngoài. Trường hợp sỏi không tự thoát ra, hãy liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.
– Thực hiện nghiêm ngặt việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám và tư vấn cụ thể với bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng khi chưa có chỉ định.
4.2. Trường hợp sỏi to không thể tự đào thải ra bên ngoài
– Tiến hành thăm khám tổng quát.
– Nghe theo chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
– Tùy theo kích thước, vị trí của viên sỏi, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ hoặc tán sỏi nội soi ống mềm. Tất cả các phương pháp này đều ít xâm lấn, ít đau, rất nhẹ nhàng, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh.
– Trường hợp sỏi quá lớn, sỏi san hô phức tạp, người bệnh có thể sẽ phải mổ để lấy sỏi. Phương pháp này thường gây đau đớn, để lại sẹo xấu sau mổ và thời gian nằm viện kéo dài hơn so với khi tán sỏi.
Như vậy có thể thấy việc điều trị sỏi thận nên tiến hành càng sớm càng tốt sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đặc biệt người bệnh lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện siêu âm sỏi thận. Bởi một kết quả chẩn đoán chính xác sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị sỏi thận hiệu quả. Hy vọng những thông tin cung cấp nêu trên đã hữu ích tới bạn.