Siêu âm ổ bụng phát hiện được bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trịnh Minh Hương

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm ổ bụng là một trong những phương pháp cận lâm sàng được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên siêu âm phát hiện được bệnh gì lại là câu hỏi nhiều người chưa biết. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, mời bạn đọc cùng tham khảo.

1. Siêu âm ổ bụng là gì?

Siêu âm ổ bụng là phương pháp thăm khám, kiểm tra, đánh giá những tổn thương ở các cơ quan trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng, u phúc mạc và u sau phúc mạc… Siêu âm bụng còn giúp phát hiện các vấn đề về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm ruột thừa, viêm ruột non, lồng ruột ở trẻ em, phì đại cơ môn vị.

Đây là phương pháp thu lại hình ảnh trong thời gian thực, qua đó bác sĩ có thể quan sát cấu trúc các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng từ đó có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường nếu có.

Siêu âm ổ bụng là gì?

Mỗi người nên cần tiến hành siêu âm định kỳ, giúp tầm soát các bệnh lý

2. Tại sao phải siêu âm ổ bụng?

Siêu âm là chẩn đoán hình ảnh được khuyến cáo thực hiện định kỳ để sàng lọc các bệnh lý.

– Siêu âm bụng có thể được sử dụng để đánh giá kích thước và vị trí của các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng. Nó cũng có thể được bác sĩ sử dụng để kiểm tra vùng bụng nếu thấy các dấu hiệu liên quan đến u nang, khối u, áp xe, sự tắc nghẽn, ổ dịch trong bụng, cục máu đông trong mạch máu, tình trạng nhiễm trùng…

– Siêu âm bụng cũng được dùng để đo kích thước của động mạch chủ bụng nhằm phát hiện chứng phình động mạch chủ. Tình trạng sỏi trong túi mật, thận và niệu quản cũng có thể được phát hiện qua siêu âm.

– Ngoài ra, siêu âm bụng có thể được thực hiện để hỗ trợ việc đặt kim khi sinh thiết mô bụng hoặc dẫn lưu dịch từ u nang hoặc áp xe.

– Siêu âm bụng cũng có thể được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu của các cấu trúc khác nhau trong ổ bụng.

– Đây là phương pháp an toàn, thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp, có thể tiến hành nhiều lần mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Siêu âm ổ bụng phát hiện được bệnh gì?

Mục đích của việc siêu âm bụng là để kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xác định bệnh lý thông qua các dấu hiệu người bệnh cho là bất thường. Quá trình siêu âm diễn ra khá nhanh chóng, không gây đau đớn, không ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Chúng có thể phát hiện:

3.1. Chẩn đoán các bệnh lý hệ tiêu hóa

–  Các bệnh lý về gan: gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính, xơ gan, các loại u gan lành tính và ác tính, ung thư gan,…

– Các bệnh lý về mật: viêm túi mật, sỏi mật, polyp túi mật, sỏi mật, u đường mật, dị dạng đường mật,…

– Các bệnh về tuyến tụy: viêm tụy cấp và mạn, các loại u tụy, bất thường tụy bẩm sinh như tụy vòng.

– Bệnh lý lách: lách to, lympho lách, áp xe lách, các u lách.

– Các bệnh về ống tiêu hóa: viêm ruột non, viêm ruột thừa, polyp và các khối u đường tiêu hóa, lồng ruột, xoắn ruột,…

3.2. Siêu âm ổ bụng phát hiện bệnh lý hệ tiết niệu

– Bệnh lý tại thận: sỏi thận, viêm thận, ung thư thận,…

– Viêm bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang.

– Tắc nghẽn đường bài xuất như sỏi niệu quản, chít hiệu niệu quản, u đường bài xuất…

Thực hiện siêu âm ổ bụng

Siêu âm giúp phát hiện nhiều bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu, cơ quan sinh dục,…

3.3. Các bệnh về hệ sinh dục

Siêu âm bụng có thể phát hiện các bệnh sinh dục nam và nữ: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ứ mủ vòi trứng, viêm tiền liệt tuyến, ung thư tuyến tiền liệt,…

3.4. Siêu âm ổ bụng phát hiện các bệnh lý khác

Bên cạnh đó, siêu âm vùng bụng còn có thể phát hiện nhiều bệnh lý khác như các bệnh phình động mạch chủ bụng, các chất lỏng tích tụ trong ổ bụng, các bệnh lý sau phúc mạc (u sau phúc mạc, xơ hóa sau phúc mạc…). Siêu âm còn có thể đánh giá dịch trong bụng, khoang màng phổi và màng ngoài tim.

4. Trường hợp nào cần siêu âm ổ bụng tổng quát

Bạn nên tiến hành siêu âm khi phát hiện các triệu chứng như: đau bụng kéo dài, sờ thấy hoặc nghi ngờ có khối u, tinh thần mệt mỏi, không muốn ăn uống, sụt cân không rõ nguyên do hoặc bị rối loạn tiêu hóa. Thậm chí ngay cả khi không có biểu hiện gì, bạn cũng có thể đi siêu âm bụng để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tiến hành siêu âm ổ bụng

Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để siêu âm bụng

5. Quy trình siêu âm ổ bụng

5.1. Chuẩn bị

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng siêu âm như: Người bệnh bị bệnh béo phì, có thức ăn trong dạ dày và khí ở đường ruột. Vì vậy, để quá trình siêu âm bụng tổng quát thu được kết quả chính xác, bạn nên hạn chế ăn những đồ khó tiêu, nhiều dầu mỡ và dễ gây đầy bụng trước khi siêu âm vùng ổ bụng.

Đối với những người nghi ngờ có bệnh về túi mật cần nhịn ăn trước 6 tiếng, nhịn tiểu giúp đánh giá bàng quang, tử cung, buồng trứng và tiền liệt tuyến. Căn cứ vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu chuẩn bị những vấn đề cụ thể.

5.2. Tiến hành siêu âm

Siêu âm bụng có thể thực hiện với bệnh nhân ngoại trú hoặc đang nằm viện. Thông thường một quy trình siêu âm cơ bản sẽ tuân theo trình tự sau:

– Người bệnh có thể được yêu cầu thay trang phục của bệnh viện, tháo xuống đồ trang sức hoặc các đồ vật khác có thể cản trở quá trình siêu âm.

– Người bệnh nằm trên giường khám ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng, tùy vào vùng bụng cần siêu âm.

– Một lớp gel siêu âm sẽ được bôi lên vùng bụng.

– Thiết bị đầu dò sẽ được bác sĩ di chuyển xung quanh vùng bụng

– Sóng âm sẽ phản xạ lại các cấu trúc bên trong cơ thể, và máy siêu âm sẽ phân tích thông tin từ sóng âm.

– Máy siêu âm sẽ tạo ra hình ảnh của các cấu trúc này trên màn hình. Những hình ảnh này sẽ được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số.

Siêu âm không phải X quang, chúng không sử dụng các phóng xạ ion hóa nên khá an toàn đối với sức khỏe.

5.3. Đọc kết quả siêu âm ổ bụng

Người bệnh sẽ nhận được kết quả ngay sau khi kết thúc quá trình siêu âm. Căn cứ vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ cho biết về tình trạng sức khỏe vùng bụng của bạn là bình thường hay bất thường. Trường hợp có biểu hiện của bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị hoặc chỉ định thực thêm những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Người bệnh không cần bất cứ hình thức chăm sóc đặc biệt nào sau khi siêu âm bụng. Bạn có thể tiếp tục chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường trừ khi bác sĩ đưa ra những lời khuyên mà bạn cần phải tuân theo.

Siêu âm ổ bụng rất an toàn và không gây hại cho sức khỏe con người. Chẩn đoán hình ảnh này giúp kiểm tra rất nhiều cơ quan bên trong ổ bụng. Đây là một trong những hoạt động thăm khám khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bạn nên siêu âm bụng từ 3 – 6 tháng/lần để tầm soát phát hiện sớm các vấn đề tại vùng bụng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital