Siêu âm gan mật bao gồm siêu âm gan và đường mật. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tại gan, mật. Bài viết sau đây sẽ nêu rõ quy trình thực hiện và những điều cần lưu ý khi tiến hành phương pháp siêu âm này.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về siêu âm gan mật
1.1. Thế nào là siêu âm gan mật?
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp định hình và tái tạo hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể nhờ sóng âm tần số cao, còn gọi là sóng siêu âm. Phương pháp cận lâm sàng này được ứng dụng phổ biến tại các cơ sở y tế nhằm chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.
Nhờ có siêu âm gan và đường mật, cấu trúc thùy gan, phân thùy, hạ phân thùy, đường dẫn mật,… cũng như các cấu trúc liên quan (tĩnh mạch chủ dưới, động mạch chủ, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan) sẽ được xác định rõ.
1.2. Lát cắt cơ bản của siêu âm gan mật
Kỹ thuật này gồm 6 lát cắt cơ bản, cụ thể như sau:
– Lát cắt dọc gan: đầu dò tịnh tiến theo chiều ngang qua động mạch chủ, đi từ trước ra sau. Lát cắt này giúp quan sát thùy gan trái, hạ phân thùy 2-3, thùy đuôi, tĩnh mạch gan trái, dây chằng tròn, hạ phân thùy IV, thùy vuông, túi mật, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ, tĩnh mạch gan phải, tĩnh mạch gan giữa và khoang Morison.
– Lát cắt ngang gan trái: Theo trục của nhánh tĩnh mạch trái tĩnh mạch cửa, đầu dò tịnh tiến từ trên xuống dưới và cắt quặt quặt ngược từ dưới bờ sườn phải qua nhánh phải tĩnh mạch cửa. Bác sĩ sẽ quan sát được thùy gan trái, tim, thùy đuôi, dây chằng tròn, hạ phân thùy III, đường mật, tĩnh mạch gan trái.
– Lát cắt ngang giữa gan: Đầu dò tịnh tiến từ trên xuống hoặc dưới lên qua gan phải, túi mật, thận phải. Hình ảnh thu được gồm: bờ dưới gan, thận, túi mật, phân khu giữa và trước gan, thùy đuôi, phần khởi đầu tĩnh mạch cửa, nhánh trái tĩnh mạch cửa, nhánh phải và trái tĩnh mạch cửa, dây chằng tròn, dây chằng túi mật.
– Lát cắt ngang gan phải: Quan sát phân thùy dưới của gan, thận, tĩnh mạch cửa nhờ đầu dò tịnh tiến từ trên xuống dưới.
– Lát cắt ngang túi mật: Kiểm tra cổ túi mật, tiếp giáp cổ và thân túi mật, thân túi mật và đáy túi mật, nhánh phải tĩnh mạch cửa, dây chằng tĩnh mạch.
– Lát cắt dọc túi mật: Quan sát thân túi mật, tĩnh mạch chủ, phân nhánh tĩnh mạch cửa, nhánh phải tĩnh mạch cửa, thận phải, tá tràng.
2. Siêu âm gan mật được thực hiện khi nào?
2.1. Siêu âm gan
Khuyến cáo siêu âm gan được áp dụng với những người có các triệu chứng như sau:
– Vàng mắt, vàng da do lượng bilirubin trong máu tăng. Căn nguyên của tình trạng này là do gan không khỏe mạnh, không đảm bảo chức năng đào thải bilirubin.
– Chướng bụng, gây ra bởi ổ bụng xuất hiện dịch tự do.
– Các mạch máu nhỏ xuất hiện như mạng nhện mỏng trên da cũng là dấu hiệu của bệnh lý tại gan.
– Nước tiểu sẫm màu do chứa lượng bilirubin thừa đào thải từ gan.
2.2. Siêu âm đường mật
Sau đây là những dấu hiệu cảnh bảo bất thường liên quan đến túi mật mà bạn nên siêu âm để kiểm tra:
– Có tình trạng vàng da từ 2 tuần trở lên, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu vàng da nặng khi đã trải qua thời kỳ da vàng sinh lý thì cần được siêu âm đường mật càng sớm càng tốt.
– Phân bạc màu kéo dài dù vẫn đảm bảo điều độ trong sinh hoạt, ăn uống. Độ bạc màu của phân càng rõ ràng thì bệnh lý về túi mật càng nặng.
– Màu nước tiểu sẫm bất thường.
– Trẻ nhỏ có biểu hiện chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu mức độ cao cũng cần được kiểm tra đường mật ngay.
Ngoài ra, một số dấu hiệu tuy không liên quan trực tiếp đến mật nhưng cũng cần hết sức lưu ý gồm: cổ trướng, triệu chứng suy gan, phù nề nặng, chảy máu ngoài da do cơ thể không nạp được vitamin K,…
3. Quy trình thực hiện siêu âm
Người bệnh khám gan mật sẽ được kiểm tra lâm sàng toàn ổ bụng để chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp. Nếu tiến hành siêu âm, quá trình sẽ gồm các bước như sau:
– Bước 1: Người bệnh nằm ngửa, bác sĩ sẽ bôi một lớp chất gel lên bụng người bệnh giúp máy dò tiếp xúc chắc chắn với cơ thể, tránh không khí giữa da và máy dò. Người bệnh cần hít sâu và nín thở để gan hạ thấp xuống, đồng thời tránh hơi trong đại tràng.
– Bước 2: Máy dò được tì sát trên da người bệnh, bác sĩ di chuyển nó tại để thăm khám vùng gan mật. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra các vùng xung quanh tại ổ bụng. Thủ thuật này được thực hiện rất nhẹ nhàng, người bệnh không cảm thấy đau hay khó chịu.
– Bước 3: Sau khi đã quan sát rõ nét vùng gan mật, bác sĩ sẽ kết thúc thủ thuật, lau chất gel được bôi ban đầu và hướng dẫn người bệnh chờ nhận kết quả.
– Bước 1: Bác sĩ chuyên khoa Gan mật sẽ đọc kết quả, đưa ra chẩn đoán và hướng xử trí cho từng người bệnh.
4. Những điều cần lưu ý khi siêu âm
Người bệnh cần nhịn đói từ 6 đến 8 tiếng trước khi siêu âm. Lý do là bởi thức ăn có thể khiến túi mật co nhỏ, cản trở việc quan sát dẫn đến bỏ sót tổn thương. Tuy nhiên, người bệnh cấp cứu không nhất thiết phải nhịn đói vẫn có thể thực hiện siêu âm ngay, kết hợp thăm khám lâm sàng để kịp thời chữa trị.
Nếu người bệnh đã ăn uống trước đó, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để xem xét có cần dời lịch siêu âm hay không. Nếu không quá thời gian quy định thì vẫn có thể thực hiện siêu âm, nhưng quá trình thực hiện có thể kéo dài hơn.
Trẻ nhỏ không thể nhịn ăn 8 tiếng như người lớn do thể trạng của trẻ yếu hơn. Để đảm bảo tính chính xác, phụ huynh có thể để trẻ ăn ít nhất 3 tiếng trước khi siêu âm.
Trên đây là các thông tin về siêu âm gan mật và quá trình thực hiện thủ thuật. Người bệnh hãy tham khảo các lưu ý trong bài để có sự chuẩn bị tốt nhất, góp phần đảm bảo hiệu quả chẩn đoán khi siêu âm.