Ruột thừa là gì? Tại sao viêm ruột thừa?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trên thế giới, viêm ruột thừa là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng cần phải phẫu thuật. Hơn 5% số người mắc viêm ruột thừa vào một thời điểm nào đó trong đời. Vậy ruột thừa là gì, tại sao có viêm ruột thừa? Khi mắc bệnh lý ruột thừa thì có triệu chứng gì và điều trị như thế nào?

1. Ruột thừa là gì?

Ruột thừa là gì?

Do ruột thừa là tạng tự do nên vị trí có thể thay đổi, gặp nhiều nhất là vị trí sau manh tràng (chiếm 64%).

Ruột thừa là một cơ quan của hệ tiêu hóa. Vị trí thông thường của ruột thừa là nằm ở bụng dưới bên phải.

Chức năng của ruột thừa chưa được xác định rõ. Có quan điểm cho rằng đó là một bộ phận miễn dịch, hoạt động như một kho chứa các vi khuẩn có lợi. Nó có vai trò “khởi động lại” hệ tiêu hóa sau các bệnh đường tiêu hóa (ví dụ rối loạn tiêu hóa). Một số quan điểm khác lại cho rằng ruột thừa chỉ là một tàn tích trong quá trình tiến hóa. Tức là ruột thừa giống đuôi ở động vật, khi tiến hóa thành con người thì mất tác dụng.

2. Bệnh viêm ruột thừa

2.1 Nguyên nhân viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là bệnh lý phổ biến nhất của ruột thừa.

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác của viêm ruột thừa không rõ ràng. Các chuyên gia tin rằng nó xảy ra khi một phần của ruột thừa bị tắc nghẽn. Từ đó gây ra sự phát triển của vi khuẩn ở đây. Kết quả là ruột thừa của bạn bị viêm. Tình trạng viêm có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Trong trường hợp viêm ruột thừa cấp tính, các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng và phát triển đột ngột. Với trường hợp mạn tính, các triệu chứng có thể nhẹ, có thể đến và biến mất trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm.

Nhiều yếu tố có thể làm tắc ruột thừa của bạn, bao gồm:

  • Sự tích tụ của phân cứng (táo bón kéo dài).
  • Nang bạch huyết to.
  • Giun (kí sinh trùng) đường ruột.
  • Chấn thương gây viêm ruột thừa.
  • Khối u chèn ép gây tắc nghẽn ruột thừa.

Khi ruột thừa của bạn bị tắc, vi khuẩn có thể sinh sôi bên trong lòng ruột. Điều này có thể dẫn đến hình thành mủ và áp xe, sưng nề. Điều đó có thể gây ra tăng áp lực lòng ruột. Hậu quả gây đau bụng viêm ruột thừa.

Nếu không được điều trị, tình trạng viêm có thể khiến ruột thừa của bạn bị vỡ. Điều này có thể khiến vi khuẩn tràn vào khoang bụng, đôi khi gây tử vong.

2.2 Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa là gì?

Triệu chứng viêm ruột thừa là gì?

Các triệu chứng của bệnh nhân khi bị viêm ruột thừa.

Nếu bị viêm ruột thừa, bạn có thể gặp một hoặc nhiều trong số các triệu chứng sau:

  • Đau ở bụng trên (vùng thượng vị, gần dạ dày) hoặc xung quanh rốn của bạn.
  • Đau ở phía dưới bên phải của bụng.
  • Ăn không ngon, khó tiêu.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón, có thể kèm theo bí trung tiện (không đánh hơi được).
  • Bụng chướng, có thể có sốt nhẹ khoảng từ 37.5 đến 38 độ C.

2.3 Lưu ý

  • Đau ruột thừa có thể bắt đầu bằng co thắt nhẹ hoặc âm ỉ mơ hồ. Nó thường trở nên rõ ràng và tăng dần theo thời gian. Vị trí có thể bắt đầu ở vùng bụng trên hoặc vùng rốn. Sau đó di chuyển đến vùng phần tư bên dưới bên phải của bụng.
  • Nếu bạn đang bị táo bón và nghi ngờ viêm ruột thừa, hãy tránh dùng thuốc nhuận tràng hoặc sử dụng thuốc xổ. Những phương pháp này có thể khiến ruột thừa của bạn bị vỡ và khiến vi khuẩn tràn vào ổ bụng.
  • Đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau ở bên phải bụng cùng với bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa có thể nhanh chóng biến chứng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bạn cần nắm rõ các thông tin để có thể nhận biết bệnh lý nghiêm trọng này.

3. Phương pháp để xác định có bệnh lý ruột thừa là gì?

Nếu bạn có triệu chứng đau bụng, việc đầu tiên là bác sĩ sẽ kiểm tra bạn có bị viêm ruột thừa hay không.

Trong trường hợp nghi ngờ bạn bị viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ khám kĩ hơn. Cụ thể bác sĩ có thể sẽ kiểm tra mức độ đau ở phần dưới bên phải của bụng. Đồng thời đánh giá tình trạng bụng chướng và phản ứng thành bụng (bụng cứng).

Tùy thuộc vào kết quả khám, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để kiểm tra chẩn đoán bệnh.

3.1 Tổng phân tích tế bào máu (công thức máu)

Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm công thức máu. Viêm ruột thừa thường kèm theo nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiễm trùng ở đường tiết niệu hoặc các cơ quan khác trong ổ bụng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như của viêm ruột thừa.

3.2 Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Để kiểm tra tình trạng viêm ruột thừa, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp chẩn đoán cung cấp hình ảnh chi tiết trong bụng của bạn như:

  • Siêu âm bụng
  • Chụp X-quang bụng
  • Chụp CT Scanner bụng
  • Chụp MRI bụng

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải nhịn ăn một khoảng thời gian trước khi thực hiện. Nhân viên y tế sẽ giải thích và giúp bạn chuẩn bị trước. Các phương pháp này cũng có thể giúp bác sĩ xác định các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bạn.

4. Phân biệt bệnh viêm ruột thừa với các bệnh lý khác

Một số nguyên nhân khác có thể bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau tương tự như viêm ruột thừa. Khi đó, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra loại trừ.
  • Thai ngoài tử cung có thể bị chẩn đoán nhầm lẫn với viêm ruột thừa. Nó xảy ra khi trứng đã thụ tinh tự làm tổ trong ống dẫn trứng chứ không phải tử cung. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, họ có thể chỉ định cho bạn tiến hành thử thai.
  • Nếu bạn là nữ, các triệu chứng của bạn có thể do bệnh lý vùng chậu ví dụ: viêm vùng chậu, u nang buồng trứng, … Hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của bạn. Để kiểm tra các cơ quan sinh sản của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa.
  • Viêm phổi ở thùy dưới bên phải của phổi cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm ruột thừa, dễ nhầm lẫn. Nếu nghi ngờ bạn có khả năng bị viêm phổi, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu chụp X-quang phổi. Họ cũng có thể yêu cầu chụp CT Scan ngực để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi.

Nếu bác sĩ không thể xác định bất kỳ nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng của bạn, họ có thể chẩn đoán bạn bị viêm ruột thừa.

5. Phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa là gì?

Phẫu thuật cắt ruột thừa.

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa.

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ đề nghị kế hoạch điều trị có thể bao gồm một hoặc nhiều điều sau:

  • Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
  • Dẫn lưu qua kim hoặc phẫu thuật để dẫn lưu áp xe.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Dung dịch truyền tĩnh mạch.
  • Chế độ ăn lỏng.

Trong một số rất ít trường hợp, viêm ruột thừa có thể thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Nhưng hầu hết, bạn sẽ cần phải phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa.

Nếu áp xe chưa vỡ, bác sĩ có thể điều trị áp xe trước khi tiến hành phẫu thuật. Để bắt đầu, có thể bệnh nhân cần được uống thuốc kháng sinh. Sau đó, sẽ dùng kim để hút mủ – dịch áp xe.

Kết luận

Viêm ruột thừa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Và không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa viêm ruột thừa. Do đó, bạn cần tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về bệnh lý này để kịp thời đi khám, phát hiện và điều trị bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital