Rối loạn tiêu hóa biểu hiện như thế nào và cách phòng ngừa

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rối loạn tiêu hóa biểu hiện như thế nào? Do đâu gây ra và phòng tránh ra sao cho hiệu quả? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết dưới đây nhé.

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp của hệ tiêu hóa. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của mỗi người.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng rối loạn tiêu hóa:

1.1. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ dẫn, dùng quá dài ngày có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên thường gặp nhất vẫn là ở trẻ em.

Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn có hại, song cũng đồng thời làm chết đi vi khuẩn có lợi, khiến hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng. Hệ vi sinh không hoạt động bình thường khiến việc hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa thức ăn bị ảnh hưởng, đường ruột bị viêm nhiễm, gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…

1.2. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh

Dùng thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng, mốc,…khiến các vi khuẩn có hại có cơ hội xâm nhập vào đường ruột và gây viêm nhiễm.

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại xâm nhập hệ tiêu hóa

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại xâm nhập hệ tiêu hóa

1.3. Sử dụng nhiều chất kích thích

Sử dụng rượu bia nhiều cũng được coi là một trong số những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất. Uống rượu bia lâu ngày khiến cơ thể mất đi lượng lớn men tiêu hóa, gây mất cân bằng vi sinh đường ruột, tổn thương niêm mạc ruột,…

Riêng với nhiều đối tượng đặc biệt như trẻ em (hệ tiêu hóa còn đang phát triển, chưa thực sự hoàn thiện) hay người cao tuổi (hệ tiêu hóa đã dần suy yếu) thì chế độ ăn thất thường, ăn đồ ăn lạ cũng rất dễ gây rối loạn tiêu hóa.

2. Rối loạn tiêu hóa có biểu hiện cụ thể qua các đặc điểm nào?

Tùy từng nguyên nhân gây ra khác nhau, rối loạn tiêu hóa có những biểu hiện khác nhau, nhất là về thời gian và tần suất xảy ra rối loạn.

Tuy nhiên, nhìn chung, rối loạn tiêu hóa sẽ có những triệu chứng đặc trưng như dưới đây.

2.1. Rối loạn tiêu hóa biểu hiện đặc trưng nhất qua tình trạng đau bụng

Các cơn đau vùng bụng thường là dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý hay bất thường nào đó ở đường tiêu hóa. Với người bị rối loạn tiêu hóa, đặc trưng bởi các cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng bụng. Vị trí đau có thể thấy ở vùng bụng bên trái, một số trường hợp lan rộng ra xung quanh hoặc thậm chí đau vùng thắt lưng.

Rối loạn tiêu hóa biểu hiện đặc trưng nhất qua các cơn đau bụng

Rối loạn tiêu hóa biểu hiện đặc trưng nhất qua các cơn đau bụng

2.2. Đầy hơi, khó tiêu

Khi hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, thức ăn được hấp thu và chuyển thành cặn bã, đào thảo ra ngoài trong thời gian nhất định.

Tuy nhiên, với người rối loạn tiêu hóa, quá trình này diễn ra không thuận lợi, thức ăn không được phân cắt và chuyển thành chất dinh dưỡng hoàn toàn. Thời gian để chuyển hóa thức ăn kéo dài lâu hơn, đồng nghĩa với thức ăn, các chất bã tồn lại trong đường ruột lâu hơn, dẫn đễn tình trạng khó tiêu.

Thức ăn ứ đọng tại ruột, bị lên men bởi hệ vi sinh tại đây, sinh ra khí. Các khí ứ đọng gây cảm giác đầy hơi, chướng bụng ở người bị rối loạn tiêu hóa.

2.3. Rối loạn tiêu hóa biểu hiện cụ thể hơn qua các rối loạn đại tiện

Các rối loạn đại tiện thường thấy nhất là tiêu chảy và táo bón. Tiêu chảy và táo bón có thể kéo dài từng đợt, xen kẽ lẫn nhau và gây đau bụng theo cơn.

Táo bón và tiêu chảy tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng như mất nước (với tiêu chảy) hoặc trĩ (với táo bón lâu ngày).

Nếu sau một thời gian, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa không chấm dứt, có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên chủ động tới khám ở cơ sở y tế để được đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp nhất.

3. Nên làm gì khi phát hiện trẻ em có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa

Riêng với trẻ em, rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng lớn đến quá trình hấp thu dưỡng chất, tác động đến quá trình lớn lên và phát triển bình thường của trẻ. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có các biểu hiện dưới đây, bạn nên đưa trẻ tới bệnh viện khám bác sĩ:

– Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày

– Nôn mửa, mệt mỏi, không ăn uống được

– Có thể có sốt

– Khát nước thường xuyên

– Sau khoảng 2 ngày tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm

4. Rối loạn tiêu hóa nên phòng tránh như thế nào?

Tối loạn tiêu hóa có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, công việc và sinh hoạt. Việc phòng bệnh lúc nào cũng nên được ưu tiên hơn so với chữa bệnh.

Dưới đây là một số cách giúp bạn phòng tránh chứng rối loạn tiêu hóa hiệu quả.

4.1. Thay đổi chế độ ăn

– Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê

– Ăn chín uống sôi, bảo quản đồ ăn đúng cách, lưu ý khi lựa chọn thực phẩm

– Lên thực đơn và chế độ ăn khoa học, uống nhiều nước, bổ sung nhiều chất xơ, rau củ quả vào chế độ ăn hằng ngày

– Ghi lại các loại thực phẩm bản thân có nguy cơ dị ứng, hạn chế sử dụng chúng vào các lần sau. Khi thấy bản thân đã có các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, nên hạn chế ăn các đồ tanh, đồ hải sản, đồ ăn tái, gỏi,…

– Bổ sung các loại men vi sinh, men tiêu hóa để xây dựng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh

Chế độ ăn nên bổ sung nhiều chất xơ, rau củ quả

Chế độ ăn nên bổ sung nhiều chất xơ, rau củ quả

4.2. Thay đổi chế độ sinh hoạt

– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Cả trong ăn uống và vệ sinh cá nhân, môi trường sống hằng ngày

– Tạo thói quen ăn uống đúng giờ giấc, đúng bữa, ăn đủ lượng, đủ nhu cầu cần thiết, không ăn quá no hay quá ít,…

– Tạo thói quen đi đại tiện đều đặn, vào một thời gian cố định trong ngày

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức để kháng của cơ thể, hạn chế sự xâm nhiễm của các yếu tố gây bệnh

– Dùng các thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh) theo đúng chỉ định, hướng dẫn và thời gian yêu cầu của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc, tự ý mua thuốc về điều trị

Hy vọng với bài viết trên, bạn đọc đã biết được rối loạn tiêu hóa biểu hiện như thế nào, nguyên nhân do đâu và phòng tránh sao cho hiệu quả. Hệ thống Y tế Thu Cúc với đội ngũ chuyên gia y tế về tiêu hóa có chuyên môn cao, cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, có thể chẩn đoán và điều trị dứt điểm nhiều chứng rối loạn tiêu hóa. Ngay khi có các biểu hiện bất thường, hãy cố gắng sắp xếp thời gian tới khám để được hướng dẫn và áp dụng phác đồ trị liệu hiệu quả nhất bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital