Răng tự nhiên lung lay: Làm gì cho răng chắc khỏe?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Với người trưởng thành khi răng vĩnh viễn đã mọc đủ và ổn định nhưng bỗng nhiên răng bị lung lay thì không nên chủ quan. Đây rất có thể là một hiện tượng cảnh báo hoặc là biểu hiện của vấn đề về sức khỏe nào đó. Vậy những nguyên nhân nào có thể khiến răng lung lay và chúng ta có thể làm gì cho răng chắc khỏe?

1. Làm gì cho răng chắc khỏe khi biết được nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng răng lung lay. Dưới đây là những bệnh lý, tác nhân gây nên hiện tượng này, ở mỗi nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục khác nhau. Để biết cần làm gì cho răng chắc khỏe trở lại thì trước hết hãy xác định chính xác nguyên do đã nhé!

1.1. Làm gì cho răng chắc khỏe trở lại sau viêm nha chu?

Viêm nha chu hoặc viêm lợi là tác nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng răng lung lay ở người trưởng thành. Khi bị viêm nha chu, lợi có thể sẽ bị kéo ra khỏi răng, hình thành các túi lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây ra nhiễm trùng.

làm gì cho răng chắc khỏe

Túi nha chu hình thành khi bị viêm nha chu

Nếu không phát hiện và xử trí ngay, tình trạng này sẽ làm mất mô liên kết giữa răng và xương nên răng bị lung lay. Bên cạnh đó, người bị viêm nha chu sẽ có kèm những biểu hiện: tụt nướu, chảy máu nướu, nướu sưng đau tấy đỏ, tiêu xương ổ răng,…

Những trường hợp răng lung lay do viêm nha chu sẽ được lấy sạch cao răng và loại bỏ vi khuẩn, đồng thời xử lý để làm nhẵn bề mặt chân răng, tạo điều kiện thuận lợi cho nướu được gắn lại với răng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật loại bỏ mô nướu đang bị viêm nhiễm và phần xương bị hư hại để điều trị triệt để bệnh.

1.2. Răng bị tác động lực mạnh

Bất kỳ tác động mạnh nào từ ngoại lực đến răng như: tai nạn, cắn vật quá cứng, bị va đập,… đều có khả năng làm cho phần cement xung quanh răng mất đi, từu đó làm cho răng bị yếu và dễ lung lay.

Nếu lúc này kiểm tra răng vẫn khỏe mạnh, không có các bệnh lý nha khoa nào khác đi kèm thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ và phương pháp chuyên dụng để nẹp cố định răng đang lung lay vào lại đúng vị trí tại xương ổ răng. Dần dần sau một thời gian, răng sẽ ổn định và trở về được trạng thái chắc khỏe như ban đầu.

1.3. Bị sâu răng

Sâu răng giai đoạn đầu có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến độ chắc khỏe của răng. Tuy nhiên khi kéo dài mà không chữa trị, sâu răng nặng hơn, khiến cho tổn thương lan xuống tủy răng và làm viêm nhiễm vùng mô tủy và áp xe chân răng. Những vấn đề này sẽ làm cho nướu răng và các liên kết chân răng bị yếu đi, gây lung lay răng.

Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần điều trị triệt để áp xe, sâu răng và dần dần răng sẽ ổn định trở lại.

1.4. Bị tiêu xương cần phải làm gì cho răng chắc khỏe?

Bệnh tiêu xương răng rất dễ gây nên tình trạng tụt nướu và hệ quả là chiều cao, độ rộng của thành xương ổ răng giảm xuống. Từ đó xương ổ răng không còn khả năng nâng đỡ nướu nữa, nướu sẽ bị tụt thấp xuống rồi dần dần tách ra khỏi chân răng. Kết quả là khiến răng bị lung lay, mất hẳn độ chắc khỏe

làm gì cho răng chắc khỏe

Hình ảnh Xquang xương hàm khi có hiện tượng tiêu xương và sau khi điều trị

Để khắc phục việc răng lung lay do nguyên nhân này, bác sĩ sẽ chỉ định ghép xương. Quá trình thực hiện bằng cách sử dụng các mảnh xương từ vùng khác trên cơ thể hoặc một loại vật liệu ghép xương đặc biệt để bổ sung vào phần xương ổ răng bị tiêu biến.

1.5. Đang mang thai

Khi mang thai, phụ nữ thường bị rối loạn hormone do hàm lượng estrogen và progesterone tăng lên. Tình trạng này có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến một số mô chuyên biệt như nướu và các mô, xương bao quanh có vai trò nâng đỡ răng. Không những thế, trong giai đoạn này, nướu răng còn nhạy cảm hơn nên càng dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công làm nhiễm trùng và kết quả cuối cùng là khiến răng không còn chắc khỏe mà có sự lung lay nhẹ.

Thường sau khi sinh và bổ sung đủ chất răng sẽ trở lại bình thường.

1.6. Nghiến răng, lệch khớp cắn

Tật nghiến răng thường xuyên làm cho hai hàm răng liên tục bị siết chặt vào nhau, khiến cho thân răng và men răng bị tác động, hư hại. Không những thế, việc này còn vô tình tạo áp lực lên răng trong thời gian dài, khiến cho răng dần bị lung lay và các mô răng nâng đỡ lân cận bị hỏng.

Trong trường hợp này giải pháp duy nhất thường được nha sĩ lựa chọn là chỉnh lại khớp cắn của bệnh nhân. Bề mặt cắn của răng sẽ được nha sĩ định hình lại bằng cách mài bớt một ít men răng để giảm áp lực khi nghiến răng, nhờ đó răng lung lay sẽ sớm được hồi phục về trạng thái bình thường.

1.7. Bị loãng xương

Loãng xương tưởng chừng là vấn đề không liên quan nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến xương hàm – nơi có nhiệm vụ giữ răng ở đúng vị trí qua ổ răng. Khi mật độ xương của hàm giảm nhiều, phần nâng đỡ răng bị lỏng, răng sẽ bị lung lay và thậm chí có thể còn bị rụng.

2. Làm gì cho răng chắc khỏe hơn mỗi ngày nếu không bị bệnh?

Nếu bạn không bị mắc các bệnh lý về răng miệng và rất lo lắng trước tình trạng răng bị lung lay hoặc gãy rụng, thì việc quan trọng bạn cần làm ngay lúc này là giữ gìn vệ sinh răng và bảo vệ răng thật tốt. Việc này không chỉ giúp răng chắc khỏe hơn mà còn là biện pháp để ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng xuất hiện.

2.1 Vệ sinh răng miệng đúng cách và đầy đủ các bước

Thực tế cho thấy thực hiện đầy đủ các phương pháp vệ sinh răng miệng hàng ngày có thể làm giảm đến gần 80% các bệnh liên quan đến răng và nướu, từ đó cũng giúp răng duy trì được độ chắc khỏe.

làm gì cho răng chắc khỏe

Vệ sinh răng miệng để hạn chế bệnh lý là cách giúp răng luôn chắc khỏe

Để vệ sinh răng miệng sạch nhất có thể tại nhà, chúng ra cần có các dụng cụ như:

– Kem đánh răng chứa fluor và bàn chải đánh răng lông mềm hoặc bàn chải điện.

– Chỉ nha khoa, đồ vệ sinh lưỡi.

– Nước súc miệng diệt khuẩn được khuyên dùng hoặc nước muối sinh lý.

Việc vệ sinh răng miệng được cho là đầy đủ và đúng cách là chúng ta cần duy trì chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải và kem đánh răng, chải răng theo chiều xoay tròn, sau đó vệ sinh lưỡi, rồi dùng chỉ nha khoa làm sạch toàn bộ các kẽ răng. Cuối cùng dùng nước súc miệng trong khoảng 1-2 phút để loại bỏ vi khuẩn, cặn bẩn còn sót lại trong khoang miệng.

2.2 Bảo vệ răng ngay từ khi còn nhỏ cho trẻ em

Chúng ta thường hay coi thường việc chăm sóc răng cho trẻ nhỏ vì cho rằng răng sữa sớm muộn gì cũng sẽ rụng đi để thay bằng răng vĩnh viễn nên có sâu cũng không sao. Tuy nhiên đây là điều hoàn toàn sai lầm vì bên cạnh chức năng ăn nhai, răng sữa còn đóng vai trò giữ chỗ, định hướng cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này. Việc răng sữa bị sâu, hư hỏng rồi rụng sớm trước giai đoạn mọc răng vĩnh viễn có thể dẫn đến tình trạng răng vĩnh viễn mọc lên không đúng vị trí, xô lệch, khấp khểnh, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về răng miệng khi lớn lên và không được chắc khỏe.

Chính vì vậy, chúng ta nên tạo cho con thói quen chăm sóc răng ngay từ khi còn nhỏ, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng nói chung sau này. Ngoài ra nên tập cho bé thói quen chải răng đúng cách, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, canxi và hạn chế trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa đường vì có thể gây hư răng.

2.3 Từ bỏ thói quen vô tình gây hại cho răng miệng

Có những thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng thực tế lại đem đến tác hại to lớn đối với sức khỏe răng miệng và bạn nên tập từ bỏ dần ngay từ bây giờ:

– Dùng bàn chải cứng, chải răng theo chiều ngang, sử dụng lực chải răng quá mạnh đều là những việc không những không giúp răng sạch hơn mà còn làm bạn bỏ sót những chỗ kẽ răng khó làm sạch, khiến cổ răng và nướu bị tổn thương, mòn men răng từ đó răng sẽ yếu dần đi.

– Dùng tăm xỉa răng sau khi ăn sẽ làm cho kẽ răng lớn dần, răng bị thưa ra và dễ giắt thức ăn.

– Không nên chải răng quá nhiều lần trong ngày, thường cần chải sau khi ăn những bữa chính. Với các bữa phụ bạn chỉ cần dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch khoang miệng là được.

– Nhai đều ở cả 2 bên hàm để cơ mặt cân đối, tránh rối loạn khớp thái dương.

2.4 Kiểm tra răng miệng tại nha khoa đều đặn

Có tới 20% các bệnh lý răng miệng sẽ được ngăn chặn nhờ khám răng định kỳ tại nha khoa.

làm gì cho răng chắc khỏe

Khám nha khoa định kì giúp kiểm soát tốt các bệnh lý răng miệng và giúp răng duy trì độ chắc khỏe

Việc khám răng tổng quát định kỳ có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng, ngay cả khi bạn cảm thấy răng mình vẫn bình thường:

– Thứ nhất, tại những buổi khám răng, nha sĩ sẽ vệ sinh, cạo vôi răng cho bạn để loại bỏ tất cả các mảng bám không được làm sạch dù đã được vệ sinh răng miệng đúng cách tại nhà.

– Thứ hai là để kiểm tra và phát hiện kịp thời các bệnh lý liên quan đến răng để điều trị sớm, tránh để phát triển nặng nề.

– Thứ 3, bạn sẽ được nha sĩ đưa ra lời khuyên chăm sóc răng miệng đúng cách và tốt nhất.

Thực tế là một hàm răng bình thường được chăm sóc tốt và không mắc bệnh lý gì thì đều chắc khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để duy trì hàm răng khỏe mạnh đúng đắn. Trên đây là những lưu ý cơ bản để hàm răng của bạn luôn được chăm sóc tốt nhất, hy vọng qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: Làm gì cho răng chắc khỏe? Nếu có thắc mắc về các bệnh lý nha khoa hoặc cách chăm sóc răng đúng cách, hãy liên hệ với TCI để được giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital