Menu xem nhanh:
Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ! Em và người yêu thường tính ngày an toàn để quan hệ. Chu kỳ kinh nguyệt của em rất đều, có từ ngày mồng 5 hàng tháng, đến mồng 8 là hết. Vào ngày 11 tháng này, em và bạn trai có quan hệ. Đến ngày 18 em đã bị ra vài giọt máu, giống như máu kinh nguyệt nhưng có ít hơn, kèm theo là triệu chứng đau lưng, đau bụng dưới. Em băn khoăn không biết ra máu giữa chu kỳ kinh có thai không, đây có phải là máu báo không? Quan hệ sau khi hết kinh 3 ngày thì làm sao có thai được đúng không bác sĩ? Mong bác sĩ giải đáp sớm giúp em. Em xin cảm ơn! (Ánh Tuyết – Hà Nội)
Trả lời:
Bạn Ánh Tuyết thân mến!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Vấn đề bạn băn khoăn về ra máu giữa chu kỳ kinh có thai không chúng tôi xin được tư vấn như sau:
– Tùy theo cơ địa từng người, hiện tượng thụ thai thành công, thì có thể sau 7-14 ngày quan hệ sẽ xuất hiện máu báo thai. Trong thời gian này, trứng thụ tinh đã kịp thời làm tổ trong buồng tử cung, gây bong tróc niêm mạc tử cung, xuất huyết với lượng ít, chỉ vài giọt máu máu hồng hoặc nâu, trong vài ngày là hết. Để biết ra máu giữa chu kỳ kinh có thai không, bạn có thể thử thai bằng que hoặc đi xét nghiệm beta hCG tại cơ sở y tế.
– Trường hợp bạn có chu kỳ kinh đều, thì quan hệ sau khi hết kinh 3 ngày, tỷ lệ rụng trứng để đậu thai là khá thấp, nhưng không phải an toàn tuyệt đối. Bạn không nên áp dụng cách này để tránh thai thường xuyên. Vì trong một số trường hợp, khả năng có thai vẫn xảy ra. Nguyên nhân có thể do sự bất thường của chu kỳ kinh xuất phát từ sự thay đổi hormone của bạn nữ do thay đổi môi trường sống, quá căng thẳng, áp lực, có sự kích thích hưng phấn quá mức…
– Ngoài có thai, xuất huyết âm đạo cũng có thể ở thời điểm trứng rụng. Tại thời điểm trứng rụng, dịch âm đạo thường tăng, có thể xuất huyết. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen tạm thời giảm, làm cho niêm mạc tử cung mất đi nội tiết tố hỗ trợ dẫn đến bong niêm mạc tử cung, gây chảy máu âm đạo
– Nếu như tình trạng chảy máu kéo dài, kèm đau lưng, đau bụng dưới, vùng kín ngứa… thì là dấu hiệu cảnh báo viêm nhiễm phụ khoa, bệnh phụ khoa. Bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán đúng nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp đã giúp bạn Tuyết cũng như chị em giải đáp được thắc mắc về tình trạng ra máu giữa chu kỳ kinh có thai được không. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, chị em hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên môn thăm khám và tư vấn nhé.