Quai bị là bệnh gì? lây trực tiếp bằng đường hô hấp

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Quai bị là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị bệnh thế nào luôn là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên và có thể gây biến chứng nếu không điều trị sớm.

1. Quai bị là bệnh gì?

Thông thường, bệnh quai bị hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tại miền Nam, bệnh thường xuất hiện từ tháng 10 kéo dài đến tháng 6 năm sau và cao điểm từ tháng 12 đến tháng 3-4. Tuổi mắc bệnh thường khi trẻ bắt đầu đi học (sau 3-5 tuổi), tiếp xúc với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học.
Tất cả những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh, thường ở tuổi thanh thiếu niên. Trẻ dưới 2 tuổi và người già rất hiếm bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại rất nhiều năm, có thể tái phát, nhưng rất hiếm. Miễn dịch mẹ truyền cho con tồn tại khoảng 1 năm.

quai-bi-la-benh-gi

Tất cả những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh, thường ở tuổi thanh thiếu niên.

Các thể bệnh thường được phân loại theo vị trí tổn thương, gồm các thể sau: thể viêm tuyến nước bọt (tuyến mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi), thể viêm tinh hoàn,  thể viêm tụy, thể thần kinh (viêm màng não, viêm não), thể kết hợp (viêm tuyến nước bọt mang tai kết hợp với viêm tinh hoàn, hoặc viêm tuyến nước bọt mang tai với viêm màng não) v. v.

2. Triệu chứng báo hiệu bệnh quai bị

Bệnh quai bị thường được chia thành nhiều giai đoạn:
Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường sau khi tiếp xúc với người bệnh 6-9 ngày, trẻ sẽ có biểu hiện bệnh. Có trường hợp kéo dài đến 2 tuần
Giai đoạn toàn phát: sau sốt 24 – 48 giờ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1 – 2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng chỉ một bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), tuyến mang tai sưng to đôi khi làm mất rãnh trước và sau tai, có khi biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ. Da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, đau, nước bọt ít, quánh.
Giai đoạn lui bệnh: Bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3 – 4 ngày, tuyến hết sưng trong vòng 8 – 10 ngày, hạch sưng kéo dài hơn tuyến một chút. Tuyến nước bọt không bao giờ hoá mủ (trừ khi bội nhiễm vi khuẩn) và cũng không bao giờ bị teo.

quai-bi-la-benh-gi1

Trẻ mắc quai bị thường bị sưng, viêm tuyến mang tai, ảnh hưởng tới việc ăn uống, nói chuyện

Bệnh quai bị nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Viêm tinh hoàn: là thể thường gặp thứ hai sau viêm tuyến nước bọt mang tai. Hay gặp ở nam giới đang tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành (khoảng 10% – 30% số mắc bệnh quai bị). Viêm tinh hoàn thường bị một bên, ít gặp cả hai bên. Khi bị cả hai bên thì cũng sưng cách nhau 2 – 3 ngày, thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thường vào ngày thứ 5 đến thứ 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc sốt tăng lên, có thể buồn nôn, nôn. Tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ thấy chắc, da bìu có thể nề, căng đỏ.
Ngoài ra có thể gặp các biến chứng khác như viêm buồng trứng, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim
Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính. Tuy nhiên, cần chú ý phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.

3. Cách điều trị bệnh quai bị

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chữa trị chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng.…

quai-bi-la-benh-gi2

Cha mẹ cần cho trẻ dùng đúng thuốc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ để cải thiện triệu chứng bệnh

Điều trị cụ thể với thể viêm tuyến mang tai: xúc miệng bằng nước muối 0,9%, dung dịch axit boric 5%, hạ sốt nếu sốt quá cao, có thể dùng giảm đau (paracetamol), an thần nhẹ (rotunda), dùng các vitamin nhóm B, C, uống nước chanh, cam, ăn lỏng.
Người bệnh nên nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại, trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến (thường là 7 – 8 ngày đầu). Cách ly tối thiểu 10 ngày.
Khi đã có biến chứng viêm tinh hoàn, bệnh nhân phải được nằm nghỉ tại giường khi còn sưng đau, mặc quần sịp để treo tinh hoàn, giảm đau bằng cách chườm đá, uống paracetamol.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital