Chửa ngoài tử cung là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cùng đọc bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI để tìm hiểu về bệnh lý này cũng như quá trình điều trị chửa ngoài tử cung ở vòi trứng như thế nào nhé.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa chửa ngoài tử cung?
Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ ở ngoài buồng tử cung. Trứng thường được thụ tinh ở 1/3 ngoài vòi tử cung rồi di chuyển và làm tổ ở buồng tử cung. Nếu trứng không di chuyển hoặc bị kẹt giữa chừng, có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung.
Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu sản phụ khoa, nếu không được chẩn đoán, xử trí kịp thời, khối thai bị vỡ dẫn đến xuất huyết trong ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
• Hơn 95% các trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra tại ống dẫn trứng, bao gồm các vị trí như loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ.
• 5% các trường hợp còn lại xuất hiện ở những vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc vết sẹo từ cuộc phẫu thuật trước đó.
• Đôi khi có thể gặp thai ngoài tử cung ở 2 bên,chiếm tỉ lệ khoảng 1/200.000 thai kỳ.
• Hoặc trong trường hợp hiếm hơn, có thể gặp tình trạng đa thai với một thai được làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ (tỉ lệ 1/30.000 thai kỳ).

Hiện tượng thai nằm ngoài tử cung là một trong số những bệnh lý hay xảy ra ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
2. Chửa ngoài tử cung vị trí vòi trứng được điều trị như thế nào?
Chửa ngoài tử cung vị trí ở vòi trứng là một trường hợp chiếm tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp chửa ngoài tử cung. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Có ba cách điều trị:
– Điều trị nội khoa
– Điều trị ngoại khoa chửa ngoài tử cung
+ Phẫu thuật mở điều trị CNTC.
+ Phẫu thuật nội soi.
– Điều trị chửa ngoài tử cung bằng phương pháp theo dõi.
2.1 Điều trị nội khoa
2.1.1 Điều kiện điều trị nội khoa chửa ngoài tử cung
– Đối với các trường hợp chửa ngoài tử cung vị trí ở vòi trứng bệnh nhân có huyết động ổn định, khối thai được phát hiện sớm, có kích thước bé (đường kính khối thai < 4cm) dịch trong ổ bụng dưới 100 ml, siêu âm chưa thấy phôi thai, tim thai, nồng độ ß-hCG máu ≤ 5000 mIU/ml, và khối thai chưa bị vỡ có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc.
– Thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong trường hợp này là Methotrexate (MTX- dùng theo đường tiêm: đơn liều hoặc đa liều tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau) tác dụng ngăn chặn sự phân chia và phát triển của tế bào, giúp khối thai tự tiêu biến sau 4 – 6 tuần điều trị.
– Sau khi tiêm, bệnh nhân được theo dõi, xét nghiệm Beta hCG để đánh giá hiệu quả của điều trị.
2.1.2. Không điều trị nội khoa
– Huyết động học không ổn định, có dấu hiệu choáng, Khối chửa có dấu hiệu vỡ: đau bụng dưới nhiều và tăng dần, siêu âm lượng dịch ổ bụng ước lượng > 300 mL hay có dịch tự do ổ bụng
– Có thêm một thai được phối hợp trong tử cung
– Đang cho con bú
– Dị ứng MTX
– Có các bệnh nội khoa: suy gan, suy thận, loét dạ dày, suy giảm miễn dịch, tủy…
– Người bệnh từ chối điều trị MTX hoặc không thể theo dõi lâu dài
– Bất thường xét nghiệm tiền hóa trị (bạch cầu < 3.000/mm³, tiểu cầu < 100.000/mm³, tăng men gan SGOT, SGPT > 100 UI/L, tăng BUN creatinine, rối loạn đông máu…).
2.1.3. Tác dụng không mong muốn của MTX
– Triệu chứng đường tiêu hóa: buồn nôn, nôn, viêm niêm mạc miệng
– Xuất huyết âm đạo lượng ít.
– Đau bụng thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi tiêm MTX. Nếu không tính đến đau bụng do vỡ ống dẫn trứng và huyết động học vẫn ổn định thì theo dõi công thức máu qua xét nghiệm và lượng dịch ổ bụng qua siêu âm.
– Tăng men gan: thường trở về bình thường sau khi ngừng tiêm MTХ.
– Rụng tóc: hiếm gặp.
– Viêm phổi: người bệnh cần báo với bác sĩ khi có sốt hoặc bất cứ triệu chứng hô hấp.
2.2 Điều trị bằng phẫu thuật
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định bệnh nhân lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng để loại bỏ khối thai ngoài tử cung.

Phụ nữ bị thai ngoài tử cung xảy ra ở khu vực vòi trứng (vòi tử cung) sẽ thường được chỉ định điều trị khác nhau
Hai dạng phẫu thuật nội soi được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật bảo tồn vòi trứng và phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng.
* Phẫu thuật nội soi bảo tồn vòi trứng: xẻ vòi trứng lấy khối thai, được áp dụng trên những những đối tượng phụ nữ:
– Hết thời gian quy định cho việc điều trị nội khoa
– Mong muốn có thai lần sau
– Phụ nữ chưa từng sinh con
– Tiền sử phẫu thuật các lần trước bị cắt bỏ mất một bên vòi trứng
Điều kiện:
– B-hCG < 5.000 mUI/mL, kích thước túi thai < 4 cm, không có tim thai
– Không có tiền sử tạo hình trên vòi trứng
– Bác sĩ phẫu thuật phải có nhiều kinh nghiệm
Phẫu thuật được tiến hành theo từng bước sau đây:
– Phẫu thuật xẻ dọc tại bờ tự do của vòi trứng lấy hết khối thai và nhau thai
– Ngăn chặn chảy máu tại vị trí khối thai vừa được lấy ra.
– Khâu lại vị trí vừa phẫu thuật giúp người bệnh bảo tồn vòi trứng để có thai sau này
– Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được chỉ định điều trị tiếp có thể phối hợp bằng 1 liều Methotrexate được tiêm bắp và theo dõi chỉ số Beta hCG cho đến khi không phát hiện được nữa hoặc giảm xuống dưới 5 mUI/ml. Thông thường, chỉ số này sẽ trở về mức bình thường sau 12 đến 14 ngày tính từ ngày phẫu thuật.
* Phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài kèm theo vòi trứng được chỉ định trong các trường hợp:
– Huyết động không ổn định, có triệu chứng vỡ của khối thai ngoài tử cung hoặc dấu hiệu chảy máu trong ổ bụng: đau bụng nhiều, dịch ổ bụng…
– Có chống chỉ định hoặc thất bại với điều trị nội khoa Methotrexate.
– Có chỉ định phẫu thuật đi kèm như: triệt sản, cắt vòi trứng bị ứ dịch và chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm.
* Một số trường hợp đặc biệt khối thai ở đoạn kẽ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi lấy khối thai, xẻ/cắt xén góc tử cung.
Trong một số trường hợp người bệnh có choáng mất máu có thể phải phẫu thuật mổ bụng cắt khối chửa, không thực hiện phẫu thuật nội soi.

Sau khi đã trải qua quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định cho làm xét nghiệm xác định nồng độ beta HCG
2.3 Điều trị chửa ngoài tử cung bằng phương pháp theo dõi
* Một số trường hợp chửa ngoài tử cung thoái triển bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi và tái khám kiểm tra lại qua xét nghiệm Beta hCG và siêu âm để đánh giá tình trạng bệnh nhân.
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho chị em trong việc điều trị chửa ngoài tử cung vị trí ở vòi trứng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin hoặc đặt lịch khám với bác sĩ, hãy liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.