[Dantri] Từ lâu, đột quỵ là hai từ khiến nhiều người sợ hãi. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao và đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, việc phòng ngừa và kiểm soát đột quỵ đúng phương pháp luôn cần thiết, giúp ngăn chặn bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng đột quỵ và tử vong do đột quỵ có xu hướng gia tăng
Các ca đột quỵ ngày càng xảy ra nhiều trong cộng đồng, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong hiện nay. Các thống kê cho thấy số người nhập viện vì đột quỵ ở Việt Nam những năm qua tăng từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm với tỉ lệ tử vong lên tới 50%.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh, chuyên gia Tim mạch tại Hệ thống Y tế Thu Cúc: đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng máu lên não bị giảm đột ngột, gây suy giảm chức năng hoặc chết các tế bào thần kinh. Người bị đột quỵ thường có các biểu hiện như:
– Đột ngột tê hay yếu ở mặt, tay, chân, thậm chí nửa người
– Rối loạn ngôn ngữ, không hiểu lời nói, lệch, méo miệng
– Rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên
– Choáng váng, mất thăng bằng, không đi đứng được, mất khả năng phối hợp động tác
– Đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân
Khoảng thời gian “vàng” để cấp cứu hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ được xác định là từ 4-6 giờ ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Nếu trong thời gian này, người bệnh được cấp cứu kịp thời thì khả năng sống và hạn chế di chứng sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu sau khoảng thời gian này mới được phát hiện và hỗ trợ, người bệnh có nguy cơ rất cao bị tàn phế và tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong.
2. Đột quỵ tấn công ngày càng nhiều vào giới trẻ
Theo các chuyên gia, đột quỵ xảy ra ở những người dưới 45 tuổi được gọi là đột quỵ ở người trẻ. PGS Nguyễn Văn Quýnh cho biết: “Nhiều người cho rằng đột quỵ là căn bệnh của người già, nhưng thực tế không phải vậy, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa.”
Một số liệu thống kê năm 2019 của Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ cho thấy số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ mỗi năm ở độ tuổi từ 18 đến 50 lên tới 15%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng trung bình mỗi năm 2% do nhiều nguyên nhân: dị dạng mạch máu não, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường…Trong đó, khoảng từ 50%-60% bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu não có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, 30% bệnh nhân trẻ bị đột quỵ liên quan đến đái tháo đường, 10% do tăng huyết áp.
Ngoài ra, những căng thẳng, stress trong cuộc sống cùng với lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động…khiến người trẻ có nguy cơ bị đột quỵ ngày càng cao.
Trên thế giới, khoảng 50 % số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Khoảng 10% các bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi ở Mỹ có thừa cân. Tỉ lệ người béo phì tại Việt Nam đã tăng 33% trong 05 năm (từ 2014 đến 2020). Ước tính mỗi năm, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất.
Những nguy cơ về đột quỵ không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người trẻ mà còn khiến đất nước mất đi nguồn nhân lực quý giá trong đang trong độ tuổi lao động. Điều này đặt ra thách thức phải làm sao để kiểm soát tình trạng đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ ở người trẻ.
3. Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa đột quỵ – cách tốt nhất tránh rủi ro
“Một điều quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ là phải giảm thiểu tiến tới loại trừ các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…” – PGS Nguyễn Văn Quýnh chia sẻ.
Đối với những người đã được chẩn đoán bệnh lý trên, cần chủ động theo dõi sát sao các chỉ số của cơ thể như: LDL – Cholesterol (cholesterol xấu), triglycerides, huyết áp, đường huyết…
Việc theo dõi và kiểm soát nồng độ LDL – Cholesterol (cholesterol xấu), triglycerides không chỉ quyết định hiệu quả điều trị bệnh mỡ máu mà còn có ý nghĩa lớn trong phòng ngừa đột quỵ. Bởi khi LDL – Cholesterol, triglycerides tăng lên sẽ kéo theo sự lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc hẹp mạch máu liên quan đến các biến cố tim mạch, trong đó có đột quỵ.
Các chỉ số này được xác định dựa trên các xét nghiệm chuyên môn. Theo các chuyên gia Tim mạch, những người trưởng thành trên 20 tuổi nên được xét nghiệm định kỳ các chỉ số như: Cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides. Đối với những người đã được chẩn đoán có rối loạn lipid máu, chu kỳ làm xét nghiệm được chỉ định bởi bác sĩ.
Trong khi đó, ở những người bệnh tăng huyết áp thì huyết áp tâm thu và tâm trương là chỉ số quan trọng cần theo dõi để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ do huyết áp tăng đột ngột. Việc điều trị tăng huyết áp bao gồm sử dụng thuốc hỗ trợ giảm huyết áp, xây dựng chế độ ăn lành mạnh… cần có tư vấn của các chuyên gia tim mạch, dinh dưỡng.
Đối với người chưa được chẩn đoán bệnh, việc đi khám định kỳ 6 tháng/lần hoặc khám ngay khi thấy những chỉ số bất thường cũng là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển, gây hại cho sức khỏe tim mạch.
Trong mọi trường hợp, sự chủ động của người bệnh và sự đồng hành của các chuyên gia tim mạch là hai yếu tố quyết định trong việc ngăn chặn “sát thủ” đột quỵ.