Phát hiện sớm bệnh lý thông qua các triệu chứng viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh lý hô hấp phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm triệu chứng viêm phổi đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng điển hình của bệnh, nguyên nhân gây viêm phổi cũng như các đối tượng dễ gặp phải căn bệnh này.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm phổi

1.1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng gây viêm ở nhu mô phổi, bao gồm các phế nang (túi khí nhỏ), ống phế nang, túi phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và tiểu phế quản tận cùng. Khi bị viêm, các phế nang và đường dẫn khí chứa đầy dịch nhầy, mủ hoặc dịch tiết từ đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng điển hình như ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Viêm phổi có thể khu trú ở một phần phổi (viêm phổi thùy hoặc đa thùy), hoặc nguy hiểm hơn là lan rộng toàn bộ phổi.

Đây là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em trên thế giới, chiếm tới 14% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong số đó, phế cầu khuẩn là tác nhân chính, gây ra khoảng 20-45% trường hợp viêm phổi. Theo thống kê, mỗi trẻ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp từ 5 đến 8 lần mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng mỗi năm có khoảng 150 triệu ca viêm phổi ở trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, trong đó khoảng 11 triệu trường hợp phải nhập viện.

Hiện nay, nhiều phụ huynh có thói quen tự ý mua thuốc ho hoặc kháng sinh điều trị cho trẻ mà không qua thăm khám. Điều này rất nguy hiểm vì biểu hiện ban đầu của viêm phổi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển nhanh và gây biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi – nhất là nhóm dưới 2 tháng tuổi – là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc phải bệnh viêm phổi.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng gây viêm

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng gây viêm ở nhu mô phổi

1.2. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi ở người

– Viêm phổi do vi khuẩn: Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là tác nhân nguy hiểm hàng đầu, gây tử vong từ 10 – 20%, thậm chí tới 50% ở các nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già. Phế cầu khuẩn lây qua đường không khí (ho, hắt hơi) và tiếp xúc gần. Chúng có độc lực cao, dễ kháng thuốc, khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém do cần phối hợp 2 – 3 loại kháng sinh mạnh, kéo dài thời gian điều trị.

– Viêm phổi do virus (bao gồm Covid 19): Chiếm khoảng 30% tổng số ca viêm phổi, chỉ đứng sau vi khuẩn. Trong đó, Covid 19 là tác nhân gây viêm phổi nặng nề nhất hiện nay, có thể dẫn đến ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tính), cần can thiệp chuyên sâu như ECMO. So với các loại virus khác, Covid 19 gây viêm lan rộng, biến chứng nặng và dai dẳng hơn ở nhiều đối tượng.

– Viêm phổi do nấm: Thường xảy ra khi người bệnh hít phải bào tử nấm trong môi trường. Diễn biến nhanh, phức tạp và dễ tử vong nếu không được điều trị sớm. Ngoài bào tử nấm, các yếu tố như khói thuốc, bụi bẩn, suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

– Viêm phổi do hóa chất: Hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Hít phải hóa chất độc hại có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều cơ quan khác như thần kinh, gan, thận… Tỷ lệ tử vong cao phụ thuộc vào loại hóa chất phơi nhiễm.

– Viêm phổi do hít: Xảy ra khi người bệnh hít phải dịch hoặc dị vật như: Nước bọt, thức ăn, dịch dạ dày, hóa chất, chất nôn. Các chất này đi vào phổi, gây tổn thương niêm mạc, kích thích phản ứng viêm và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Loại viêm phổi này thường gặp ở bệnh nhân mất ý thức, rối loạn nuốt, tai biến mạch máu não hoặc người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây ra viêm phổi

Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở cả trẻ em và người lớn

2. Tổng quan về triệu chứng viêm phổi

2.1. Những triệu chứng viêm phổi phổ biến

– Cảm thấy đau ngực khi ho hoặc lúc hít thở.

– Ho khan, ho có đờm.

– Sốt cao kèm ớn lạnh.

– Khó thở.

– Mệt mỏi, cảm thấy uể oải và trở nên chán ăn.

– Xuất hiện triệu chứng nôn mửa tiêu chảy.

2.2. Những triệu chứng viêm phổi ít phổ biến hơn

– Viêm phổi kéo dài hơn 2 tuần.

– Phát hiện muộn hoặc điều trị chưa đúng cách.

– Triệu chứng tương tự thể cấp tính nhưng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến chất lượng sống.

– Ho ra máu.

– Đau đầu, đau cơ, đau khớp.

– Ở người lớn tuổi: có thể xuất hiện lú lẫn, rối loạn ý thức.

– Một số trường hợp cảm thấy khó chịu kéo dài dù không sốt cao.

Lưu ý đặc biệt:

Phụ nữ mang thai nghi ngờ mắc viêm phổi cần khám ngay lập tức, tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để tránh nguy cơ cho mẹ và thai nhi.

Người trưởng thành nếu triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà, nghỉ ngơi, bù nước đầy đủ. Thông thường sẽ hồi phục sau 2–3 tuần.

Trường hợp có dấu hiệu nặng hơn hoặc không cải thiện sau vài ngày, nên tái khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

3. Các đối tượng dễ mắc viêm phổi

– Trẻ em – Đặc biệt là dưới 5 tuổi: Hệ miễn dịch và hô hấp còn non nớt, chưa đủ sức chống lại các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm.

– Người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, tim mạch, tiểu đường,…

– Phụ nữ mang thai: Hệ miễn dịch bị ức chế tự nhiên khi mang thai, chức năng tim – phổi giảm, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công, đặc biệt là Covid 19 gây viêm phổi nặng.

– Nhóm có yếu tố rủi ro cao khác: COPD, hen, tim mạch,… Người bị suy giảm miễn dịch: Nhiễm HIV/AIDS, sau ghép tạng, hóa trị hoặc dùng steroid lâu dài. Người nghiện thuốc lá, thuốc lào, sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất.

Triệu chứng viêm phổi thường gặp

Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng dễ mắc viêm phổi

Viêm phổi là căn bệnh không nên chủ quan, đặc biệt khi các triệu chứng viêm phổi xuất hiện sớm nhưng dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh hay cúm thông thường. Việc nhận diện kịp thời các dấu hiệu, kết hợp thăm khám và điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm. Để bảo vệ sức khỏe hô hấp, mỗi người nên chủ động giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, đồng thời theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital