Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản

Tham vấn bác sĩ

Bệnh viêm phổi và viêm phế quản đều là hai bệnh lý hô hấp điển hình thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt hai loại bệnh này. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt viêm phổi và viêm phế quản, cùng những khuyến cáo trong điều trị và phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả.

1. Tại sao viêm phổi và viêm phế quản thường bị nhầm lẫn với nhau?

Viêm phổi và viêm phế quản là hai căn bệnh dễ bị nhầm lẫn do đều rất thường gặp ở đường hô hấp. Ngoài ra, hai loại bệnh này đều có thể bị gây ra do vi khuẩn hoặc virus tấn công đường hô hấp dưới. Do vậy, chúng có những triệu chứng khá tương đồng như tình trạng khó thở, ho có đờm hoặc đôi khi là sốt nhẹ.

2. Viêm phổi và viêm phế quản khác nhau như thế nào?

2.1. Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản dựa vào vị trí tổn thương

Viêm phổi và viêm phế quản khác nhau ở đặc điểm: các tổn thương gây viêm ở những bộ phận khác nhau thuộc đường hô hấp dưới

Đối với bệnh viêm phổi: Nơi bị tổn thương là ở túi khí trong đường hô hấp, còn được gọi với tên là các phế nang. Đây chính là nơi oxy được trao đổi vào máu để vận chuyển đi các cơ quan khác nuôi cơ thể.

Bệnh viêm phổi nguy hiểm ở chỗ khiến các phế nang bị sưng viêm, dịch và mủ sẽ tràn vào trong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trao đổi oxy.

Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản

Viêm phổi và viêm phế quản là hai căn bệnh phổ biến thuộc nhóm đường hô hấp dưới

Đối với Viêm phế quản: Bệnh gây ra những tổn thương ở vị trí lớp niêm mạc bên trong phế quản. Đây là địa điểm không khí sẽ đi qua trước khi đến phổi.

Do đặc điểm vị trí của phế quản nên tình trạng viêm ở bệnh nhân có thể ở dạng cấp tính do virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, còn một dạng khác của bệnh là viêm mãn tính do kéo dài các đợt cấp tính. Điều này khiến niêm mạc phế quản trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tác động hơn khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như: thời tiết, môi trường, vi sinh xâm nhập,..

Viêm phế quản hoàn toàn có thể tiến triển và gây ra bệnh viêm phổi. Tuy nhiên xét theo hướng ngược lại thì bệnh viêm phổi thường không gây các ảnh hưởng đến phế quản và gây viêm.

2.2. Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản dựa vào các triệu chứng của bệnh

2.2.1. Triệu chứng của bệnh viêm phổi như thế nào?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp, bệnh viêm phổi có triệu chứng điển hình là ho nghiêm trọng. Ngoài ra, cơn ho thường kèm theo các cơn đau sâu trong phổi. Khi bệnh nhân bị ho, đờm màu xanh hoặc màu vàng có thể xuất hiện.

Ngoài các biểu hiện trên, nhiều bệnh nhân xuất hiện một số biểu hiện như: Đổ mồ hôi bất thường, thường buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa. khi thở gặp tình trạng hơi thở nông. Nhiều bệnh nhân bị sốt cao thậm chí là co giật. Bệnh viêm phổi cũng đồng thời gây ra các biểu hiện đau ngực nghiêm trọng khi ho hoặc khi hít thở sâu.

Ngoài ra, một số bệnh nhân mô tả thường xuyên ớn lạnh, run người. Thêm vào đó là tình trạng bị thiếu hụt oxy từ ít đến nhiều, gây da xanh xao nhợt nhạt. Bệnh viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm và có thể cướp đi tính mạng của những đối tượng như người cao tuổi, trẻ em, người miễn dịch yếu,..

2.2.2. Bệnh viêm phế quản có triệu chứng ra sao?

Bệnh nhân viêm phế quản có thể có triệu chứng khác nhau dựa vào các thể bệnh cấp tính hay mãn tính.

Ở bệnh viêm phế quản cấp tính, các triệu chứng khá giống với viêm đường hô hấp trên. Bệnh nhân sẽ thường sốt, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi,ngạt mũi, ho (có thể kèm đờm),… Đặc điểm của loại viêm phế quản này là chủ yếu do vi sinh vật gây ra. Do vậy triệu chứng đặc trưng xuất hiện khá sớm, ví dụ như đờm màu vàng hoặc xanh lục nếu tác nhân là vi khuẩn. Trường hợp viêm do virus thường ít gặp hơn. Triệu chứng cấp tính thường không kéo dài và ít khi tiến triển nặng, có thể thuyên giảm nhanh. Tuy vậy triệu chứng ho thường kéo dài hơn triệu chứng khác.

Viêm phế quản do các vi khuẩn và virus gây ra

Viêm phế quản thường do các vi sinh vật gây ra

Đối với viêm phế quản mãn tính, ho thường kéo dài dai dẳng, thường kéo dài ít nhất 3 tháng. Ho trầm trọng dần sau mỗi lần khởi phát.

Nhìn chung, bệnh viêm phế quản thường có các triệu chứng nhẹ hơn và ít nguy hiểm đến tính mạng hơn so với viêm phổi.

3. Điều trị hai căn bệnh hô hấp này có gì khác nhau?

3.1. Điều trị viêm phế quản cần lưu ý điều gì?

Theo chuyên gia, với bệnh nhân viêm phế quản cấp tính, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán xác định nguyên nhân trước khi chỉ định điều trị. Có thể dùng kháng sinh liều phù hợp cho bệnh có nguyên nhân là vi khuẩn. Đối với bệnh nhân viêm phế quản do virus, đa phần bệnh nhân được điều trị triệu chứng thay vì dùng kháng sinh. Sau đó, quan trọng hơn cả là quá trình nghỉ ngơi chăm sóc cơ thể, tăng cường miễn dịch để tiêu diệt virus.

Đối với bệnh viêm phế quản mạn tính, hiện chưa có cách chữa trị hoàn toàn mà bác sĩ sẽ tập trung điều trị giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

3.2. Điều trị viêm phổi như thế nào?

Các bác sĩ sẽ chia ra các hướng điều trị cho bệnh nhân theo nguyên nhân gây bệnh. Đối với điều trị bệnh viêm phổi do vi khuẩn, có thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý dùng chúng mà cần tuân theo sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên chú ý dùng đúng liều lượng và thời gian quy định của bác sĩ để không bị nhờn thuốc.

Đối với điều trị viêm phổi do virus thì người bệnh cũng không được kê đơn kháng sinh. Người bệnh thường được dặn uống nhiều nước và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Ngoài ra cần  đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cũng như tăng sức đề kháng.

Bệnh nhân cần thăm khám để có phương án điều trị hiệu quả

Bệnh nhân cần thăm khám để có phương án điều trị hiệu quả

4. Khuyến cáo từ bác sĩ trong phòng ngừa bệnh viêm phổi và viêm phế quản

Các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI khuyến nghị, mỗi người có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản nói riêng và các bệnh lý hô hấp nói chung:

– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp nâng cao thể trạng cơ thể, tăng cường miễn dịch để hạn chế nguy vi khuẩn hoặc virus tấn công.

– Rửa tay thường xuyên và luôn đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi vào các môi trường khói bụi, ô nhiễm,..

– Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ quả.

– Bảo vệ thân nhiệt khi thời tiết chuyển lạnh cũng là cách để ngừa các bệnh về hô hấp

Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản. Khi có các dấu hiệu của bệnh, có thể lựa chọn thăm khám tại TCI để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp uy tín và kinh nghiệm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital