Chào bác sĩ! Em năm nay 25 tuổi, mang thai lần đầu. Hiện thai của em được 8 tuần. Em bị ốm nghén rất nặng, không ăn uống được gì, thường xuyên nôn ói, người mệt mỏi không còn sức lực. Hiện em đã sút mất 2 kg so với thời điểm trước khi có bầu. Em đang rất lo lắng! Xin hỏi bác sĩ, ốm nghén nặng có ảnh hưởng đến thai nhi không? Em phải làm gì để giảm nghén và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con? Cảm ơn bác sĩ! (Huyền Trang – Hải Dương)
Trả lời:
Chào bạn Huyền Trang! Chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về chuyên mục Tư vấn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc! Câu hỏi ốm nghén nặng có ảnh hưởng đến thai nhi không; cách giảm tình trạng nghén và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi của bạn, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Bạn Huyền Trang thân mến! Ốm nghén là hiện tượng thường gặp ở nhiều thai phụ trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ốm nghén thường đi kèm với các biểu hiện nôn và buồn nôn, chán ăn, sợ nhiều loại mùi vị, cơ thể mệt mỏi không có sức lực, sụt cân… Các triệu chứng này thường nặng vào buổi sáng. Một số thai phụ lại bị cả ngày. Thông thường, ốm nghén sẽ giảm khi hết 3 tháng và mẹ bầu sẽ dần cảm thấy dễ chịu hơn.
Menu xem nhanh:
1. Ốm nghén nặng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Câu hỏi của bạn cũng là băn khoăn, lo lắng của rất nhiều mẹ bầu. Mặc dù nghén được coi là một phần của thai kỳ khỏe mạnh, nhưng trong những trường hợp đặc biệt (nghén nặng, mẹ bầu gầy yếu) cần đến thuốc hỗ trợ để đối phó với tình trạng này.
Nôn ói quá nhiều có thể khiến thai phụ không thể tiêu hóa được thức ăn, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, không có chút sức lực. Tình trạng này thường không gây hại cho thai nhi nếu được xử lý kịp thời, nhưng rõ ràng, nó có thể khiến người mẹ yếu và dẫn tới mất chất điện giải và muối. Nếu để lâu, có thể dẫn tới giảm cung cấp dưỡng chất cho bào thai khiến thai suy dinh dưỡng thậm chí là sảy thai.
2. Làm thế nào để giảm các triệu chứng ốm nghén nặng?
Bạn có thể tham khảo các cách dưới đây để giảm các triệu chứng ốm nghén và đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi:
– Chia nhỏ bữa ăn. Ăn nhiều bữa trong ngày. Nên ăn ở những thời điểm ít các triệu chứng ốm nghén nhất.
– Ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Nên uống 1 ly sữa nóng trước khi ngủ, giúp trung hòa axit trong dạ dày cũng làm cho mẹ bầu ngủ ngon, không bị cảm giác buồn nôn “quấy rầy” suốt cả đêm.
– Uống nhiều nước. Ăn các loại thức ăn mềm, lỏng.
– Nhấm nháp một cốc nước lọc trong đó có vài lát chanh tươi cũng là một cách chống buồn nôn hiệu quả. Khi bạn buồn nôn, hãy ngửi chanh tươi. Các lát chanh tươi cũng sẽ làm bạn dễ chịu trong giai đoạn nghén ngẩm.
– Ăn các món ăn yêu thích. Tránh những thực phẩm cay, nóng, gây đầy bụng, khó tiêu.
– Nên ăn nhiều hoa quả.
– Hãy làm bạn với tất cả các sản phẩm từ gừng như kẹo gừng, trà gừng, thậm chí là gừng tươi đun sôi pha với mật ong.
– Tránh xa các món ăn có mùi vị gây buồn nôn.
– Tránh xa môi trường nhiều mùi.
– Ngủ bất cứ lúc nào có thể.
– Bạn có thể ăn một số thực phẩm giàu dinh dưỡng và có tác dụng làm dịu tình hình ốm nghén, như: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu nhiều tinh bột, các loại bánh tây nhạt, không hoặc ít đường, các món ăn chứa carbonhydrate phức tạp với protein trong thịt nạc, cá…
Lưu ý: Nếu bạn bị nôn nhiều hơn 4-5 lần/ngày, không thể ăn uống được bất cứ thứ gì, cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bị giảm cân, nôn kèm máu… hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.