Những triệu chứng sốt xuất huyết phổ biến cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Thời tiết nóng ẩm kéo dài cùng với nhiều đợt mưa lớn khiến cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến bệnh sốt xuất huyết. Tìm hiểu sớm những triệu chứng sốt xuất huyết phổ biến giúp người bệnh kịp thời xử lí khi không may mắc bệnh.

1. Khái niệm sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua virus Dengue từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi vằn đốt. Muỗi vằn Aedes aegypti cái là loài muỗi truyền bệnh phổ biến nhất.

Căn bệnh này có biểu hiện đa dạng và khác nhau ở từng đối tượng tuy nhiên đa số người bệnh cảm thấy nhức mỏi các cơ và các khớp khi mắc bệnh. Đồng thời sốt xuất huyết ở dạng nhẹ cũng có thể dẫn tới sốt hay nổi ban đỏ.

Nặng hơn là tình trạng xuất huyết, hạ huyết áp và tử vong. Bệnh có diễn biến nhanh chóng và có thể xuất hiện đột ngột, nhưng cũng có khả năng tự khỏi nhờ hệ miễn dịch tự nhiên. Do đó, bạn cần chú ý theo dõi những dấu hiệu sớm để nhập viện điều trị khi bệnh diễn biến nguy hiểm.

Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết phổ biến

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua virus Dengue thông qua trung gian muỗi vằn cái

2. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết theo từng giai đoạn

Sốt xuất huyết hiện đang được WHO(Tổ chức Y tế Thế giới) phân chia thành cấp độ 1-3 trong đó 3 là cấp độ nguy hiểm nhất của bệnh với những dấu hiệu khác nhau như:

2.1 Triệu chứng sốt xuất huyết giai đoạn 1

Trong giai đoạn đầu sau khi bị muỗi vằn đốt, virus sẽ truyền từ tuyến nước bọt của muỗi sang cơ thể người lành và gây nên tình trạng sốt cao trong 2-7 liên tục. Đi kèm với đó bạn có thể gặp phải những triệu chứng như:

– Biểu hiện từ việc xuất huyết: có những chấm huyết ở dưới bề mặt da, chảy máu ở chân răng, chảy máu cam…

– Buồn nôn, nhức đầu, cảm giác chán ăn và mệt mỏi

– Da nổi mẩn đỏ, xung huyết

– Đau khớp và mỏi cơ, hai hố mắt đau nhức.

2.2 Triệu chứng sốt xuất huyết giai đoạn 2

Bước sang giai đoạn này, bạn sẽ có tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết trong giai đoạn 1 kèm theo một số dấu hiệu khác như sau:

– Cơ thể mệt mỏi, uể oải, nằm nhiều

Đau bụng ở hạ sườn phải hoặc ấn vùng gan cảm giác đau

– Gan lớn trên 2cm

– Nôn liên tục

Niêm mạc xuất huyết

– Ít đi tiểu hơn.

Những triệu chứng bệnh sốt xuất huyết phổ biến

Do tình trạng mất nước nên người bệnh sốt xuất huyết thường ít đi tiểu hơn

2.3 Triệu chứng sốt xuất huyết giai đoạn 3

Đây được xem là giai đoạn nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết với những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người bệnh.

Không chỉ có những triệu chứng như ở 2 giai đoạn trên, khi sốt xuất huyết diễn biến nặng có thể biến chứng rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng như: suy đa tạng, xuất huyết, viêm cơ tim, sốc…

Những dấu hiệu của sốt xuất huyết trong giai đoạn này bao gồm:

– Thoát huyết tương nhiều khiến sốc giảm thể tích, tụ dịch ở màng phổi và ổ bụng

– Xuất huyết nghiêm trọng

– Suy tạng.

Khi thấy những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi sớm nhất. Nếu được điều trị với phác đồ chuẩn, bạn sẽ nhanh bình phục và khỏi bệnh, đồng thời cũng tránh được những nguy cơ biến chứng nặng.

3. Chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bệnh sốt xuất huyết

3.1 Chẩn đoán sốt xuất huyết như thế nào?

Sốt xuất huyết tại Việt Nam có thể mắc phải với cả 3 miền và ở cả thành thị hay nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.

Để xác định bạn có nhiễm virus sốt xuất huyết hay không thì cần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và xét nghiệm huyết thanh qua:

– Test nhanh Dengue NS1 hoặc xét nghiệm ELISA

– Test chậm: test PCR hoặc phân lập virus

Sốt xuất huyết có thể có các triệu chứng giống như sốt virus nên người bệnh thường hay chủ quan tự điều trị tại nhà với thuốc. Đa số người bệnh chỉ nhập viện khi các dấu hiệu đã chuyển biến nặng.

Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường gặp

Không nên chủ quan khi thấy dấu hiệu của sốt xuất huyết mà nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm

3.2 Điều trị bệnh sốt xuất huyết theo từng giai đoạn

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định điều trị ngoại trú hoặc theo dĩ tại cơ sở y tế. Bệnh chưa có thuốc điều trị mà chủ yếu chữa theo các triệu chứng của bệnh và cần theo dõi để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường nguy hiểm để xử lý kịp thời:

– Sốt cao trên 39 độ C liên tục thì cần hạ nhiệt, nới quần áo và làm mát toàn thân cùng nước ấm

– Sử dụng thuốc hạ sốt với sự kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ

– Không sử dụng Aspirin, Ibuprofen, Analgin hạ sốt bởi chúng có thể làm toan máu hoặc xuất huyết.

– Bù dịch và điện giải với nước hoặc oresol

– Nhập viện kịp thời nếu người bệnh có dấu hiệu bước sang giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3.

– Đối với những bệnh nhân trong nhóm nguy cơ cao như: mang thai, béo phì, cao tuổi, có bệnh lý nền(đái tháo đường, viêm phổi, tim, gan, thận, hen phế quản…) thì cần ưu tiên nhập viện sớm để theo dõi.

– Thời điểm giảm sốt thường là 4 ngày sau khi mắc bệnh, nếu đột nhiên hạ sốt kèm theo mệt mỏi và lạnh tái chân tay đi kèm đi ngoài ra máu là tình trạng vô cùng nguy hiểm và cần nhập viện để theo dõi.

3.3 Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết từ ban đầu

Để phòng ngừa sớm sốt xuất huyết chỉ có một cách duy nhất là diệt trừ muỗi vằn là trung gian gây bệnh:

– Diệt bọ gậy và diệt muỗi trong nhà và xung quanh nơi sống

– Vệ sinh môi trường sống, ngăn chặn những ổ nước đọng tránh muỗi sinh sôi

– Thả cá vào bể nước để diệt loăng quăng, tránh cho muỗi sinh sôi phát triển

– Ngăn ngừa muỗi đốt bằng việc: bảo vệ cơ thể với màn bất kể ngày hay đêm, xịt chống muỗi, kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay.

Trên đây là những thông tin quan trọng cần biết về triệu chứng sốt xuất huyết cùng những cách phòng ngừa sớm để tránh nguy cơ mắc bệnh. Bạn lưu ý tuyệt đối không chủ quan khi sốt xuất huyết hết sốt mà cần theo dõi kĩ hơn để tránh nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital