Nếu ăn uống nhiều hơn bình thường và ít vận động, tăng cân là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên nếu vẫn duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt giống như trước đây và cân nặng vẫn tăng lên thì nên chú ý. Vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề bất thường về sức khỏe nào đó.
Menu xem nhanh:
1.Tăng cân do thiếu ngủ
Có hai vấn đề liên quan đến thiếu ngủ và tăng cân. Đầu tiên những người ngủ dậy muộn thường thức khuya vào đêm hôm trước và có ăn đêm đồng nghĩa với việc bổ sung một lượng calo cho cơ thể. Một lý do khác là do trong khi ngủ nồng độ hormone tăng gây đói và thèm ăn, làm cho nhiều người có cảm giác không no sau khi ăn, vì thế họ sẽ ăn nhiều hơn.
2. Tăng cân do stress
Khi cảm thấy quá áp lực và căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra hormone cortisol gây ra sự thèm ăn. Và chúng ta có xu hướng tìm đến những loại thực phẩm có lượng calo cao để giảm bớt sự căng thẳng. Sự kết hợp này là bước đệm hoàn hảo cho việc tăng cân.
3. Ảnh hưởng của một số loại thuốc
Một số loại thuốc kê đơn nhất định có thể gây ra tác dụng phụ là tăng cân. Danh sách này bao gồm thuốc chống loạn thần (được sử dụng để điều trị rối loạn như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực), cùng với các loại thuốc để điều trị chứng đau nửa đầu, động kinh, cao huyết áp và tiểu đường.
4. Tăng cân do suy giáp
Nếu tuyến giáp (tuyến hình bướm ở phía trước cổ) không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, yếu, lạnh, và tăng cân. Không có đủ hormone tuyến giáp cần thiết, quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra chậm lại, kéo theo tình trạng tăng cân. Điều trị suy giáp bằng thuốc có thể giúp kiểm soát tình trạng cân nặng.
5. Tăng cân do hội chứng Cushing
Tăng cân là một triệu chứng phổ biến của hội chứng Cushing – một hội chứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với quá nhiều hormone cortisol, gây tăng cân và những bất thường khác. Nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng Cushing là quá lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau nhức có nguồn gốc từ corticoid. Nó cũng có thể xảy ra khi các tuyến thượng thận sản xuất ra quá nhiều cortisol hoặc hiếm hơn là do các khối u nội tiết. Sự tăng cân do hội chứng Cushing có thể biểu hiện trên khuôn mặt, cổ, lưng hoặc thắt lưng.
6. Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồn trứng đa nang là một vấn đề nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng này phát triển quá nhiều nang nhỏ trong buồng trứng. Buồng trứng đa nang dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ và có thể khiến lông tay, lông chân mọc rậm bất thường, mụn trứng cá mọc nhiều. Hội chứng buồng trứng đa nang có sự liên quan mật thiết đến tình trạng kháng insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu), vì vậy có thể dẫn đến tăng cân.
7. Nên làm gì khi bị tăng cân bất thường?
Hãy tuân thủ các quy tắc sau khi bị tăng cân bất thường:
- Đừng tự ý ngưng sử dụng thuốc vì cho rằng nó là nguyên nhân gây tăng cân khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ. Vì thuốc có thể có tác dụng rất quan trọng tới sức khỏe. Ngoài ra cũng có thể là do nguyên nhân khác mà người bệnh bị tăng cân. Tốt nhất nên đi khám để các bác sĩ xác định rõ lý do và đưa ra hướng điều trị phù hpjw nhất.
- Đừng so sánh bản thân với những người dùng cùng một loại thuốc. Không phải tất cả mọi người đều gặp tác dụng phụ tương tự trên cùng một loại thuốc.
- Hãy nhớ rằng nếu việc tăng cân là do cơ thể giữ nước, tình trạng này sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Một khi đã hoàn thành việc điều trị bằng thuốc hoặc bệnh lý đã được kiểm soát, lượng nước mà cơ thể tích trữ sẽ giảm bớt. Nên duy trì một chế độ ăn uống ít muối trong thời gian điều trị.
- Hỏi bác sĩ về tác dụng phụ gây tăng cân của loại thuốc đang sử dụng, bác sĩ có thể thay thế bằng một loại thuốc khác.
- Nếu tăng cân là do quá trình chuyển hóa của cơ thể suy yếu do bệnh lý hoặc ảnh hưởng của thuốc, hãy dành thời gian tăng cường rèn luyện thể chất để thúc đẩy các hoạt động trao đổi chất của cơ thể.