Mất ngủ (rối loạn giấc ngủ) khiến cơ thể mệt mỏi, là nguyên nhân cũng là triệu chứng của nhiều vấn đề về sức khỏe. Để hiểu hơn về chứng mất ngủ bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:
Menu xem nhanh:
1.Tiêu chuẩn của một giấc ngủ ngon
Một giấc ngủ được gọi là ngon và chất lượng cần phải đáp ứng những yếu tố sau:
- Đủ về số lượng: 6 – 8h/ngày.
- Đảm bảo về chất lượng: Khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, khỏe mạnh, sảng khoái, không còn cảm giác mệt mỏi, năng suất làm việc cao, không xuất hiện những cơn ác mộng trong khi ngủ.
Khi giấc ngủ không đạt những tiêu chí trên thì được chẩn đoán là rối loạn giấc ngủ, mất ngủ
2.Biểu hiện của mất ngủ
- Khó đi vào giấc ngủ (mất hơn 30 phút nằm trên giường mới có thể ngủ được)
- Ngủ chập chờn, ngủ không yên giấc, thường xuyên thức giấc giữa đêm, khó trở lại giấc ngủ.
- Thức giấc sớm (thường trước 5h sáng và không ngủ lại được)
- Nặng hơn là người bệnh hầu như không thể chợp mắt suốt đêm khiến ban ngày thì mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, cáu gắt.
- Khi tỉnh dậy cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, đau đầu.
3.Nguyên nhân mất ngủ
Mất ngủ thoáng qua (dưới 4 tuần): Do: Căng thẳng, Stress, lạ chỗ, sử dụng chất kích thích, tiếng ồn…
– Mất ngủ lâu ngày (trên 4 tuần)
+ Do bệnh lý đa khoa: các bệnh lý về khớp, tim mạch, huyết áp, dạ dày…
+ Do bệnh lý tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn lo âu,…
+Do dùng thuốc: thuốc hạ huyết áp, corticoid…
+Do sinh lý: tuổi tác (tuổi mãn kinh, mãn dục)
Theo các chuyên gia, nữ giới trên 35 tuổi và nam giới sau 40 tuổi thường có các biểu hiện suy giảm nội tiết tố trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rối loạn giấc ngủ
4.Hậu quả của bệnh mất ngủ
Mất ngủ lâu ngày có thể dẫn đến một loạt những hậu quả như:
- Ảnh hưởng tới ngoại hình, làn da: da xạm, xuất hiện quầng thâm ở mắt, nhiều nếp nhăn
- Ảnh hưởng tới tinh thần: cơ thể uể oải, mệt mỏi, mất tập trung, kém minh mẫn, dễ cáu giận, căng thẳng
- Ảnh hưởng tới tim mạch: người mất ngủ tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường
- Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch: hệ miễn dịch suy giảm
- Ảnh hưởng tới não bộ: suy giảm trí nhớ, hủy hoại não, trầm cảm
5.Chế độ dinh dưỡng, các thói quen có lợi cho người mất ngủ
Người bệnh mất ngủ thường xuyên cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị, ngoài ra cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và thói quen:
- Ngủ và thức dậy đúng giờ (không ngủ sau 11h đêm)
- Không được sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu…) vào cuối buổi chiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Tránh ngủ nhiều ban ngày, ngủ trưa khoảng 30 – 60 phút là vừa đủ.
- Tập thể dục buổi sáng đều đặn. Không nên tập thể dục sát giờ đi ngủ (1 – 2h trước ngủ) do làm tăng kích thích hệ thần kinh khiến bạn khó ngủ hơn.
- Trước khi đi ngủ 20p nên ngâm chân nước ấm
- Phòng ngủ cần thoáng, sạch sẽ, không quá nóng hay quá lạnh
- Chế độ dinh dưỡng: Để dễ ngủ hơn, cần chú trọng các thức ăn có những chất sau:
- Vitamin B1: có nhiều trong gạo lức, thịt lợn tươi, cá tươi, gà, sữa đậu nành, măng tây… giúp gia tăng hoạt động của dây thần kinh
- Magie: có trong rau mồng tơi, rau muống, rau dền, trái bơ, hạt bí, hạnh nhân…giúp thư giãn cơ bắp, ngủ dễ dàng hơn
- Tryptophan: có trong thịt gà, lạc, quả mơ, chuối, sữa chua…giúp hỗ trợ tăng sản xuất hormon serotonin để dễ ngủ hơn