Những điều cần biết về xơ vữa động mạch cảnh

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Xơ vữa động mạch cảnh là căn bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán, điều trị bệnh động mạch cảnh qua bài viết dưới đây. 

1. Động mạch cảnh là gì?

Động mạch cảnh là hệ thống động mạch nằm ở cổ, xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên chia 2 nhánh gồm động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải, sau đó đi lên não. Do kích thước khá lớn nên có thể sờ thấy và cảm nhận nhịp đập của động mạch này ở hai bên cổ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu giàu oxy lên nuôi não. 

Xơ vữa động mạch cảnh là hiện tượng dày lên và xơ cứng của động mạch cảnh do sự lắng đọng cholesterol, canxi và các chất khác.

Động mạch cảnh có thể bị dày lên và xơ cứng do sự lắng đọng cholesterol, canxi và các chất khác.

2. Xơ vữa động mạch cảnh là bệnh gì?

Hay còn gọi là bệnh động mạch cảnh. Đây là tình trạng hình thành các mảng bám ở động mạch này do sự lắng đọng cholesterol, canxi và các chất khác. 

Các mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc động mạch cảnh khiến máu lưu thông qua đây khó khăn hơn, làm giảm lượng máu giàu oxy cung cấp cho não. 

Một số mảng xơ vữa có thể mềm và vỡ ra, tạo nên những vùng thô nhám, không đều trong lòng động mạch. Các mảng thô nhám này thu hút những tế bào làm đông máu, khiến các tiểu cầu tập trung tại đó và hình thành nên cục máu đông hay huyết khối. Các huyết khối lớn dần trong lòng động mạch cảnh có thể gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển lên não gây tắc mạch não. 

Tắc hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ não và thiếu máu não thoáng qua. Những biến cố này có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn. 

3. Triệu chứng của bệnh động mạch cảnh

Xơ vữa động động mạch cảnh thường không biểu hiện thành triệu chứng. Hầu hết bệnh nhân phát hiện ra bệnh này tình cờ khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác như tim mạch, tuyến giáp

Nếu bệnh động mạch cảnh có triệu chứng thì đó thường là biểu hiện của tình trạng thiếu máu não thoáng qua hoặc tai biến mạch máu não. Các triệu chứng thường gặp như: 

– Yếu hoặc liệt chân tay

– Giảm hoặc mất thị lực một bên trong khoảng vài giây đến vài giờ

– Rối loạn giọng nói, khó nói, không nói được

Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột và biểu hiện trên mỗi bệnh nhân khác nhau. Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, nhưng cũng có bệnh nhân gặp nhiều triệu chứng cùng lúc. 

Những dấu hiệu này có thể tự mất đi trong vòng 24 giờ nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Lúc này, có thể bệnh nhân đã bị đột quỵ, cần phải gọi cấp cứu ngay.

4. Những ai dễ bị xơ vữa mạch cảnh?

Bệnh động mạch cảnh có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào những thường gặp phải ở những đối tượng sau:

– Những người lớn tuổi: Tuổi càng lớn thì tỉ lệ mắc bệnh của động mạch cảnh càng tăng. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh động mạch cảnh trong độ tuổi 50 đến 59 chỉ là 1%, nhưng có đến 10% người từ 80 đến 89 tuổi bị bệnh này.

– Những người thường xuyên hút thuốc

– Những người bị dư thừa cholesterol

– Người mắc bệnh cao huyết áp

– Người mắc chứng phình mạch cảnh và loạn sản sợi cơ (fibromuscular dysplasia)

– Người bị bệnh tiểu đường

– Người có tiền sử gia đình về xơ vữa động mạch ở động mạch cảnh hoặc các vị trí khác

Bệnh động mạch cảnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi.

Bệnh động mạch cảnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi.

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh 

5.1 Chẩn đoán xơ vữa động mạch cảnh

Để chẩn đoán bệnh động mạch cảnh, bạn cần trải qua các bước khám lâm sàng và cận lâm sàng tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín. 

Trong khi khám lâm sàng, bạn sẽ được hỏi về tình trạng sức khỏe chung, tiền sử bệnh, các triệu chứng. Sau đó, các bác sĩ sẽ đo huyết áp, nghe xem có những âm thanh bất thường trong động mạch của bạn hay không. 

Nếu nghi ngờ bệnh động mạch cảnh, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm một số chẩn đoán cận lâm sàng để xác định như: 

– Siêu âm động mạch cảnh: giúp xác định mức độ thông thoáng của động mạch và tốc độ dòng máu trong động mạch.

– CT và chụp cắt lớp mạch máu (CTA):  có thể cho thấy vùng não bị thiếu máu, các động mạch ở cổ và đầu, xác định vùng động mạch bị hẹp.

Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): cho thấy sự di chuyển của dòng máu và giúp đánh giá được bệnh lý động mạch cảnh.

– Chụp động mạch xoá nền: cho thấy khả năng lưu thông của dòng máu qua động mạch như thế nào và xác định động mạch cảnh có bị hẹp hay không. 

5.2 Điều trị xơ vữa động mạch cảnh

Tuy theo tình trạng thực tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định  điều trị phù hợp. 

Thông thường, nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và điều chỉnh lối sống. Nếu các triệu chứng xuất hiện gây khó chịu hoặc có các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu… kèm theo, bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc điều trị tương ứng để kiểm soát các bệnh này hiệu quả, từ đó giảm nguy cơ tăng nặng bệnh động mạch cảnh hay xảy ra các biến chứng không mong muốn. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý thay đổi loại thuốc, liều lượng hoặc tự ý ngưng dùng thuốc vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. 

Các trường hợp vữa xơ động mạch cảnh cần được điều trị với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch mới có thể cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

Các trường hợp vữa xơ động mạch cảnh cần được điều trị với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch mới có thể cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

Trong trường hợp xơ vữa nhiều, xảy ra tắc nghẽn, các biện pháp nhằm mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp, tái lập lưu thông dòng máu lên não có thể được sử dụng. Tuy nhiên chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Như vậy, xơ vữa động mạch cảnh là tình trạng nguy hiểm nhưng có thể cải thiện nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Để làm được điều đó, hãy thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình, thường xuyên kiểm tra định kỳ và đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín khi có những dấu hiệu bất thường từ cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

Tin tức mới
Connect Zalo TCI Hospital