Những điều cần biết về bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, có khả năng “tấn công” phổi cũng như nhiều bộ phận khác trên cơ thể như thận, cột sống, não. Bệnh lao nếu chậm trễ điều trị có thể dẫn tới tử vong.

1. Bệnh lao là gì và con đường lây nhiễm?

Bệnh lao (hay TB) là một bệnh lý do vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis (MTB) gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn MTB thường ở trạng thái ngủ hay giai đoạn ủ bệnh. Hầu hết, người bệnh không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào ở giai đoạn này và bệnh cũng không lây lan sang người khác. Chỉ khi làm xét nghiệm, người bệnh mới biết mình có dương tính với vi khuẩn lao hay không. Nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn này, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể.

Theo nghiên cứu, cứ 10 người nhiễm vi khuẩn lao thì sẽ có một người phát triển thành bệnh. Đó là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi và không còn đủ sức chống cự lại. Khi đã phát triển thành bệnh lao, vi khuẩn có khả năng lây từ người sang người thông qua không khí. Cụ thể, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, vi khuẩn lao sẽ phát tán vào không khí. Nếu người bình thường vô tình hít phải sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh lao phổi. Lao phổi chiếm 80 – 85% các trường hợp và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Ngoài phổi, vi khuẩn còn có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết, tấn công các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống, não, gây ra lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột,… Bệnh lao nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể dẫn tới tử vong.

Lao là bệnh gì?

Lao một bệnh lý do vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao

Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ngược lại, sau khi bệnh đã phát triển, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt, phụ thuộc vào cơ quan mà vi khuẩn lao đang phát triển trong cơ thể, thường gặp nhất là ở phổi.

Bệnh lao phổi có các triệu chứng điển hình là:

– Ho nặng, có thể kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn

– Đau tức ở ngực

– Ho ra máu hoặc có đờm từ sâu bên trong phổi

Các triệu chứng khác của người mắc bệnh lao có thể gồm:

– Cơ thể yếu, đuối sức hoặc mệt mỏi

– Chán ăn, giảm cân nhanh

– Sốt, cảm thấy ớn lạnh

– Vã mồ hôi vào ban đêm

Nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, tốt nhất bạn nên đi khám để thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết giúp xác định tình trạng bệnh.

3. Bệnh lao phổi dễ gặp ở những đối tượng nào?

Lao phổi có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nguy cơ mắc lao phổi sẽ tăng lên ở những người có các yếu tố nguy cơ sau:

– Người bị suy giảm khả năng miễn dịch như bệnh nhân HIV, ung thư…

– Người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em

– Người mắc bệnh loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn…

– Người nghiện các chất kích thích như ma túy, rượu, thuốc lá…

– Người sử dụng các thuốc trong thời gian dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…

Triệu chứng của người nhiễm vi khuẩn lao

Người nhiễm vi khuẩn lao có thể gặp nhiều triệu chứng khacsnhua như sốt, mệt mỏi, ho ra máu…

4. Điều trị bệnh lao như thế nào?

4.1 Nguyên tắc điều trị bệnh lao

Bệnh do vi khuẩn lao gây ra chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, vi khuẩn lao rất dễ kháng thuốc. Nồng độ thuốc không đủ hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị về sau. Ngoài ra còn tạo nguồn vi khuẩn lây lan cho người thân và cho cộng đồng.

Vì vậy, trong điều trị lao, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc, không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ 1 ngày, phải tuân thủ nguyên tắc: đúng, đủ, đều.

– Đúng: Đúng phác đồ, loại thuốc, liều lượng.

– Đủ: Thông thường việc điều trị bệnh lao sẽ diễn ra trong 6 hoặc 8 tháng tùy theo mức độ bệnh và đặc điểm của từng bệnh nhân.

– Đều: Bệnh nhân lao cần uống thuốc đều đặn hàng ngày. Thông thường, thuốc sẽ được uống vào buổi sáng khi bụng đói. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc sau ăn hoặc trước khi đi ngủ buổi tối.

4.2 Quá trình điều trị bệnh lao

Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, người mắc bệnh lao phổi lần đầu tiên sẽ được điều trị với phác đồ chia làm 2 đợt là đợt tấn công và đợt duy trì, trong đó:

– Đợt tấn công: thường kéo dài 2 tháng, sử dụng 4 thuốc

– Đợt duy trì: thường kéo dài trong 6 tháng, dùng 2 loại thuốc

Các loại thuốc dùng trong quá trình điều trị lao có thể gây ra các tác dụng phụ. Nhẹ thì gây nổi mề đay, ngứa, mệt mỏi, đau nhức các khớp lớn…. Nặng có thể khiến người bệnh bị sốc phản vệ, viêm gan, vàng da, viêm trợt da, đau bụng nôn ói,… Cần báo sớm cho bác sĩ nếu có những dấu hiện trên để có hướng xử trí kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân lao như thế nào?

Bệnh lao có thể được được kiểm soát nhờ phác đồ phù hợp.

5. Cách phòng ngừa bệnh lao phổi

Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao, có thể áp dụng các biện pháp sau:

Tiêm phòng bệnh lao đúng, đủ liều

– Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người mắc bệnh lao

– Che miệng khi hắt hơi

– Rửa tay thường xuyên đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

– Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải với người bệnh

– Ăn uống hợp lý, khoa học, ngủ đầy đủ

– Tập thể dục đều, vừa sức

– Không sử dụng các chất gây nghiện có hại như ma túy, rượu bia, thuốc lá…

– Dành nhiều thời gian ở nơi có ánh nắng mặt trời

– Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc

Khám sức khỏe định kỳ

Để phòng tránh lây lan cho cộng đồng, người mắc bệnh lao cần:

– Không ngủ chung phòng với người khác, không đến nơi đông người…

– Đeo khẩu trang, đặc biệt khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm của bệnh lao và cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, hãy thăm khám sớm để chẩn đoán và phát hiện bệnh, điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital