Những biểu hiện của sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh sốt xuất huyết trải qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn nhẹ là giai đoạn ít nguy hiểm nhất. Nếu được phát hiện ở giai đoạn này, người bệnh có khả năng khỏi bệnh cao và ít gặp biến chứng. Những biểu hiện của sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ cần được lưu tâm sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây. 

1. Giai đoạn nhẹ của bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn nhẹ của sốt xuất huyết hay còn gọi là giai đoạn sốt. Trước đó, virus thường ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày, có thể đến 14 ngày kể từ khi nhiễm vào cơ thể người bệnh. Giai đoạn này thường không có triệu chứng nên bệnh nhân rất khó để nhận diện.

Sau khi thời kỳ ủ bệnh kết thúc, người bệnh bước vào giai đoạn nhẹ và bắt đầu xuất hiện các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết. Nhận diện càng sớm các biểu hiện này, khả năng phát hiện và điều trị bệnh càng cao.

2. Những biểu hiện của sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ

2.1 Sốt – Một trong những biểu hiện của sốt xuất huyết đặc trưng ở giai đoạn nhẹ

Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh thường sốt cao đột ngột hoặc liên tục 39 – 40 độ C. Nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt cũng không có dấu hiệu giảm sốt.

Tình trạng sốt thường diễn ra trong 3 ngày đầu nhưng cũng có thể kéo dài đến 7 ngày.

Những biểu hiện của sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ

Sốt cao, liên tục là một trong những biểu hiện đầu tiên của sốt xuất huyết.

2.2 Những biểu hiện của sốt xuất huyết khác ở giai đoạn này

Bên cạnh sốt, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng đi kèm như:

– Đau họng

– Đau nhức vùng đầu

– Mệt nhiều, rũ rượi

– Đau sau vùng mắt, hai bên hốc mắt

– Đau, khó vùng thượng vị, có thể có hoặc không tiêu chảy

– Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng

– Da xung huyết, phát ban

– Buồn nôn, chán ăn

– Đau nhức khớp và các cơ

2.3 Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết thường nguy hiểm nhất ở trẻ em. Biểu hiện sốt ở trẻ thường đi kèm với các triệu chứng đau bụng và đau họng. Trẻ hạ sốt sau 3 ngày và đến ngày thứ 8 sẽ có hiện tượng xuất huyết nhẹ như chảy máu cam, chấm xuất huyết dưới da. Sau khi hạ sốt, các nốt ban đỏ có thể xuất hiện ở thân mình, sau đó lan nhanh đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.

Giai đoạn sốt này có thể tiến triển nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng ở giai đoạn cuối của chu trình. Thời điểm người bệnh hạ sốt có thể xuất hiện các triệu chứng:

– Nôn dai dẳng

– Thờ ơ hoặc bồn chồn

– Khó thở

Đau bụng dữ dội

– Chảy máu niêm mạc

– Phù do tích tụ dịch

– Hạ huyết áp tư thế

– Gan to

Đau đầu có phải biểu hiện của sốt xuất huyết

Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh sốt xuất huyết có thể cảm thấy đau dầu dữ dội.

3. Điều trị sốt xuất huyết ở thể nhẹ như thế nào?

Đối với sốt xuất huyết ở thể nhẹ, người bệnh thường được điều trị tại nhà nhưng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Các biện pháp điều trị bao gồm:

– Hạ sốt:

+ Khi sốt < 38,5 độ C chỉ cần chườm bằng nước ấm vào các vùng như trán, nách, bẹn, mặc thoáng mát.

+ Khi sốt từ 38,5 độ C chườm ấm kết hợp với thuốc Paracetamol với liều như sau: 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt vì dễ gây xuất huyết nặng. Trẻ em có tiền sử co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C.

– Bù nước và điện giải

Uống nhiều nước, dùng oresol hay hydrite, truyền dung dịch Nacl 0,9%… để bù nước và điện giải nếu người bệnh không uống được hoặc nôn.

Trong quá trình điều trị, để người bệnh nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại. Ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước lọc, nước pha oresol, bổ sung nước trái cây…

Tránh ăn/uống những đồ ăn có màu đỏ, nâu vì có thể gây nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa. Đặc biệt chú ý theo dõi người bệnh, nếu bệnh không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng lên thì cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay.

4. Các biểu hiện cho thấy sốt xuất huyết nguy hiểm

4.1 Ở người lớn

Sốt xuất huyết ở thể nhẹ nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển sáng giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết). Giai đoạn này thường ở vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Người bệnh có thể đã giảm sốt hoặc vẫn còn sốt, với các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng.

– Xuất huyết dưới da: Xuất huyết các chấm đỏ trên da, kèm theo cảm giác ngứa da. Đây là mức độ xuất huyết nhẹ nhất.

– Xuất huyết niêm mạc: Bao gồm chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ chảy máu không liên quan tới chu kỳ kinh.

– Xuất huyết đường tiêu hóa: Các biểu hiện thường gặp là đi ngoài phân đen, phân lẫn máu, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

– Xuất huyết nội tạng: Điển hình là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Trường hợp này bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng cô đặc máu, giảm tiểu cầu. Nếu bệnh nhân không bù đủ dịch có thể bị hạ huyết áp, sốc do giảm khối lượng tuần hoàn.

Cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện: lơ mơ, li bì, vật vã, kích thích, nôn nhiều, đau bụng không rõ nguyên nhân, đầu đau dữ dội, đi tiểu rất ít, xuất huyết…

Các biểu hiện sốt xuất huyết cần đi cấp cứu

Nếu thấy người bệnh có các biểu hiện: lơ mơ, li bì, vật vã, kích thích, nôn nhiều, cần đưa bệnh nhân đến viện điều trị sớm.

4.2 Ở trẻ em

Trẻ em khi bị sốt xuất huyết dễ bị sốc và tái sốc hơn ở người lớn. Vì vậy khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu.

Đặc biệt từ ngày thứ 3 của bệnh, nếu nhận thấy các triệu chứng vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít hoặc xuất huyết nội tạng thì phải cấp tốc đưa trẻ đến bệnh viện.

Nếu đến ngày thứ 4 đã bắt đầu hết sốt và không có biểu hiện gì khác tức là bệnh đang thuyên giảm tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi để phát hiện sớm các tình trạng kể trên.

Hi vọng những biểu hiện sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ và cách điều trị được chia sẻ trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức chăm sóc người bệnh bị sốt xuất huyết hiệu quả. Dù ở giai đoạn nhẹ, người bệnh và người nhà cũng không nên chủ quan, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Cần nhớ kỹ các lưu ý trong quá trình điều trị và chăm sóc để giúp người bệnh mau phục hồi, tránh bệnh nặng thêm và gây biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital