Những biểu hiện của sỏi bàng quang điển hình

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang là căn bệnh phổ biến thường gặp trong các bệnh lý hệ tiết niệu. Tuy nhiên, căn bệnh này thường không có biểu hiện ban đầu rõ ràng nên nhiều bệnh nhân không phát hiện ra bệnh. Chỉ đến khi những biểu hiện của sỏi bàng quang cụ thể hơn, người bệnh mới phát hiện ra và điều trị.

1. Khái quát chung về căn bệnh sỏi bàng quang

1.1 Khái niệm sỏi bàng quang

Bàng quang là một bộ phận trong hệ tiết niệu, có nhiệm vụ dẫn truyền nước tiểu ra ngoài cơ thể. Bộ phận này nằm dưới niệu quản và nằm trên niệu đạo, chức năng chính là chứa nước tiểu trước khi thoát ra ngoài.

Sỏi bàng quang là kết tinh của các chất rắn, chất cặn trong nước tiểu thành một khối cứng và mắc kẹt tại bàng quang, ngăn chặn dòng nước tiểu thoát ra ngoài. Sỏi bàng quang cũng có thể do sỏi từ thận hoặc niệu quản rơi xuống gay tắc nghẽn đường tiểu.

1.2 Những nguyên nhân hình thành sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới, đặc biệt là nam giới từ 40 tuổi trở lên. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý nền của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tạo sỏi tại bàng quang, trong đó điển hình như sau:

Thói quen uống ít nước, nhịn tiểu: Đây là thói quen vô cùng tai hại mà nhiều người mắc phải. Uống ít nước dẫn đến lượng nước tiểu ít, nước tiểu cô đặc hơn bình thường, chất cặn trong nước tiểu cũng nhiều hơn dẫn đến hình thành sỏi. Nhịn tiểu khiến nước tiểu tích tụ trong bàng quang lâu dẫn đến nguy cơ tạo sỏi.

biểu hiện của sỏi bàng quang điển hình

Thói quen uống ít nước và nhịn tiểu tạo sỏi bàng quang

Sỏi thận, sỏi niệu quản rơi xuống bàng quang: Thực tế, tình trạng này xuất hiện rất nhiều. Sỏi hình thành từ thận, qua niệu quản rơi xuống bàng quang và mắc kẹt lại. Đồng thời tích tụ thêm chất cặn từ nước tiểu trong bàng quang dẫn đến kích thước tăng.

Một số bệnh lý nền có thể dẫn tới sỏi bàng quang như:

– Sa bàng quang: Đây là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, bàng quang bị lồi vào thành âm đạo khiến dòng nước tiểu bị chặn lại, lâu dần tích tụ thành sỏi.

– Phì đại tiền liệt tuyến: Tiền liệt tuyến là tuyến nhỏ khoảng 10-20 gr, nằm sát dưới bàng quang bao quanh niệu đạo. Phì đại tiền liệt tuyến là việc gia tăng kích thước bất thường của tuyến tiền liệt dẫn đến tắc đường nước tiểu, tăng nguy cơ hình thành sỏi trong bàng quang.

– Hội chứng bàng quang thần kinh: Người bệnh bị bàng quang thần kinh sẽ làm giảm chức năng bàng quang, không thể co bóp để giữ và đào thải nước tiểu. Lâu dần có thể gây nhiễm trùng hoặc sỏi bàng quang.

1.3 Biến chứng nguy hiểm của sỏi bàng quang

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sỏi bàng quang, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm bàng quang: Khi kích thước sỏi lớn, tình trạng viêm bàng quang có thể trở thành mạn tính, dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm như: teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang…
  • Viêm thận: Bàng quang bị nhiễm khuẩn có thể tác động đến thận, dẫn tới chức năng thận suy giảm. Đây là một biến chứng nguy hiểm của sỏi bàng quang, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn.
  • Người bệnh bị đau đớn và khó chịu: Trường hợp viên sỏi gây bít tắc đường tiểu, sỏi cọ xát vào niêm mạc bàng quang dẫn đến người bệnh đau đớn, khó chịu
  • Rò bàng quang: Sỏi bàng quang có kich thước lớn có thể gây rò bàng quang, rò tầng sinh môn, rò âm đạo ở nữ giới. Việc này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
biểu hiện của sỏi bàng quang

Người bệnh đau đớn vì sỏi cọ xát với niêm mạc bàng quang

2. Biểu hiện của bệnh sỏi bàng quang

2.1 Biểu hiện của bệnh sỏi bàng quang điển hình

Khi viên sỏi kích thước nhỏ có thể không gây nhiều khó chịu, biểu hiện cũng không rõ ràng nên người bệnh khó phát hiện ra. Thông thường, người bệnh phát hiện ra sỏi bàng quang nhỏ do chụp X – quang hoặc đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, khi sỏi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiểu, người bệnh sẽ có những biểu hiện như sau:

Khó đi tiểu, đi tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần, đi tiểu ngắt quãng: Viên sỏi “chặn” trong niêm mạc bàng quang, dòng nước tiểu bị bít tắc dẫn đến người bệnh đi tiểu khó khăn. Khi viên sỏi di chuyển, người bệnh sẽ đi tiểu ngắt quãng hoặc đi chưa dứt cơn.

Đi tiểu ra máu: Do sỏi có kích thước khá lớn, tính chất cứng và đôi khi có hình dạng xù xì nên có thể cọ xát vào niêm mạc bàng quang gây tổn thương và chảy máu. Máu sẽ hòa với nước tiểu ra ngoài khi người bệnh đi tiểu.

Nước tiểu có màu đục và mùi khó chịu: Thông thường, sỏi làm bít tắc bàng quang sẽ tạo nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang gây nhiễm khuẩn. Tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài khiến nước tiểu đổi màu, đục và đậm hơn, đồng thời gây ra mùi khó chịu.

2.2 Biểu hiện của sỏi bàng quang phổ biến

Một biểu hiện mà đa phần bệnh nhân sỏi bàng quang nào cũng gặp phải đó là những cơn đau ở bụng dưới, căng tức và đau ở dương vật đối với nam giới. Sỏi di chuyển trong bàng quang hoặc tác động đến bàng quang chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

2.3 Biểu hiện sỏi bàng quang nguy hiểm

Bên cạnh đó, có một số dấu hiệu sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng thường có tính chất nghiêm trọng, cụ thể:

Sốt, ớn lạnh, nôn: Người bệnh bị sốt, ớn lạnh và buồn nôn là biểu hiện của việc vi khuẩn tấn công, người bệnh bị nhiễm trùng đường niệu. Người bệnh tuyệt đối không nên để tình trạng này kéo dài mà nên điều trị sớm, dứt điểm sỏi.

Đau quặn thận: Ngoài ra, nhiều người bệnh cũng gặp phải tình trạng đau quặn thận khi bị sỏi bàng quang nói riêng và sỏi hệ tiết niệu nói chung. Khi bị sỏi, người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc đau buốt nhẹ khi đi tiểu. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở thành đau quặn, người bệnh không nên sử dụng thuốc giảm đau mà nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

biểu hiện của sỏi bàng quang

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi bàng quang như: điều trị bằng thuốc, điều trị mổ lấy sỏi, điều trị tán sỏi. Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo phương pháp Tán sỏi nội soi ngược dòng – đây là phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này hoàn toàn không can thiệp phẫu thuật, không để lại sẹo, không đau đớn và đặc biệt người bệnh sẽ hồi phục và xuất viện chỉ sau 24h điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital