Tìm hiểu về nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Tham vấn bác sĩ

Nhiễm trùng hay nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là tình trạng viêm đường hô hấp phía trên do vi khuẩn hoặc virus, bao gồm các bệnh viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, cảm lạnh, cảm cúm,… Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các bệnh lý trên qua bài viết sau đây.

1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là loại bệnh gì?

Đường hô hấp trên là hệ thống cơ quan bao gồm xoang, đường mũi, hầu họng và thanh quản. Nhóm cơ quan này có nhiệm vụ dẫn không khí từ môi trường bên ngoài vào cơ thể. Trên đường đi, không khí được sưởi ấm, làm ẩm, thanh lọc, tiếp đó được đưa đến phổi để thực hiện quá trình hô hấp, trao đổi khí.

Có nhiệm vụ quan trọng nhưng các cơ quan này cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,… gây ra tình trạng viêm nhiễm. Các bệnh lý viêm nhiễm ở đây được gọi là nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Một số bệnh thuộc nhóm này gồm: viêm xoang, viêm hầu họng, viêm phế quản, viêm thanh quản…

Tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp phía trên có thể khiến quá trình lưu thông khí đến phổi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc và điều trị sớm, đúng cách.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là gì?

Đường hô hấp trên khi bị vi khuẩn, virus tấn công có thể xảy ra viêm, nhiễm khuẩn.

2. Nguyên nhân gây viêm, nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên chủ yếu là do các tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp niêm mạc của các cơ quan trong đường hô hấp. Các tác nhân chủ yếu gây bệnh ở đường hô hấp trên gồm:

– Tụ cầu khuẩn

– Liên cầu khuẩn

– Bordetella

– Virus hợp bào hô hấp

– Virus sởi cúm

– Vi khuẩn E.coli

– Trực khuẩn mủ xanh

– Tụ cầu vàng

– Nấm candida

Tình trạng viêm đường hô hấp trên có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào và tái phát nhiều lần trong năm (thường khoảng 2 – 4 lần/năm đối với người trưởng thành, khoảng 10 lần/năm đối với trẻ em). Nhưng mùa thu và mùa đông là những thời điểm bênh dễ khởi phát hoặc tăng nặng bởi điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi, trong khi đó, sức đề kháng của cơ thể lại thường giảm trong mùa lạnh.

3. Triệu chứng đường hô hấp trên bị viêm

Thời gian ủ bệnh của mỗi tác nhân gây bệnh sẽ khác nhau. Vì vậy, mà các triệu chứng của cảnh báo đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn và thời gian bùng phát cũng khác nhau.

3.1 Các triệu chứng chung của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Các triệu chứng phổ biến của viêm đường hô hấp trên thường gồm:

– Ho

– Hắt hơi

– Nghẹt mũi, sổ mũi

– Đau rát vùng họng, đặc biệt khi nuốt

– Mệt mỏi

– Đau đầu

– Đau cơ

– Sốt

Một số triệu chứng ít gặp hơn gồm: khó thở, đau nhức xoang, ngứa, chảy nước mắt, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, khàn tiếng…

Thông thường các triệu chứng sẽ kéo dài khoảng 3 – 14 ngày. Nếu bệnh nghiêm trọng, các triệu chứng có thể kéo dài hơn, gây viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản…

3.2 Sự khác nhau giữa triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính và mạn tính

Có 2 dạng của nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên là dạng cấp tính và mạn tính. Các triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp trên cũng biểu hiện khác nhau khi chúng ở 2 dạng này.

Triệu chứng viêm đường hô hấp trên cấp tính

– Sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm theo cảm giác rét run

– Chảy nước mũi, nghẹt mũi thường xảy ra ở trẻ nhỏ

– Hắt hơi

– Đau hầu họng, nhất là khi ăn hoặc uống nước

– Ho liên tục hoặc thành cơn

Triệu chứng cảnh báo viêm đường hô hấp trên mạn tính

– Đau rát họng

– Ho nhiều

– Cảm giác vướng họng khi nuốt

– Chảy nước mũi, có thể ở 1 hoặc cả 2 bên mũi

– Xuất hiện dịch nhầy màu xanh nếu bệnh nhân bị viêm VA mạn do trực khuẩn mủ xanh

– Đau nhức đầu

4. Các bệnh đường hô hấp do nhiễm khuẩn lây qua đường nào?

Các bệnh lý đường hô hấp liên quan đến nhiễm khuẩn có thể lây qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn, virus, nấm mốc… có thể tồn tại trên bề mặt của các vật dụng trong thời gian dài. Nếu người lành tiếp xúc với những bề mặt có tác nhân gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi hoặc miệng thì họ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Nguyên nhân và cách lây lan của bệnh viêm đường hô hấp trên

Các bệnh lý đường hô hấp trên có thể lây lan qua các giọt bắn chưa vi khuẩn, virus mà người bệnh thải ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi…

5. Những ai dễ mắc bị viêm đường hô hấp trên?

– Người có khoang mũi, đường dẫn khí bị tổn thương

– Người đã từng nạo VA, cắt bỏ amidan

– Người có tiếp xúc gần với người bệnh

– Người giữ vệ sinh kém, không thường xuyên rửa tay

– Hay đến những khu vực đông đúc như trường học, khu vui chơi…

– Hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc, khói bụi

– Người rối loạn hệ miễn dịch: HIV, đã từng phẫu thuật ghép tạng…

– Người sinh sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm…

6. Cách chẩn đoán và điều trị tình trạng viêm nhiễm ở đường hô hấp trên

Các triệu chứng của các bệnh hô hấp tương đối giống nhau. Vì vậy khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp, bệnh nhân nên đến đi khám để tìm ra đúng nguyên nhân thay vì tự ý chẩn đoán và mua thuốc điều trị.

Qua khám sức khỏe lâm sàng, các bác sĩ có thể khai thác và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, ví dụ mức độ sưng, đỏ của niêm mạc mũi và họng, phì đại của amidan hay các hạch bạch huyết ở cổ và đầu, mức độ đỏ của mắt… từ đó nhận định sơ bộ về tình trạng bệnh và đưa ra các chỉ định bổ sung cho việc chẩn đoán như:

– Xét nghiệm đờm

– Kiểm tra chức năng phổi

– Xét nghiệm kiểm tra dịch tiết ra ở mũi, họng

– Chụp X-quang ngực

– Chụp CT phổi

Chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp trên

Xét nghiệm máu, chụp chiếu phù hợp có thể giúp chẩn đoán các bệnh lý ở đường hô hấp trên

7. Điều trị các bệnh đường hô hấp trên

Phần lớn bệnh nhân mắc các bệnh này có thể tự điều trị tại nhà theo đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng và có liên quan đến vi khuẩn, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị nguyên nhân và triệu chứng của bệnh gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc giảm nghẹt mũi, thuốc trị ho, thuốc giảm viêm, chống phù nề,…

Các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ hoặc gây tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát, kháng kháng sinh. Vì vậy, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ như:

– Nghỉ ngơi nhiều, đảm bảo ngủ đủ giấc

– Không làm việc quá sức

– Uống nhiều nước để bù lượng dịch mất đi do sốt, chảy nước mũi,…

– Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất để hỗ trợ quá trình điều trị, phục hồi

Như vậy, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường ở mức độ nhẹ và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh cần thăm khám để phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital