Xử trí hóc dị vật thực quản đúng cách, nhanh chóng khi nhận thấy những biểu hiện của tình huống này. Đây cũng là cách duy nhất để phòng ngừa những vấn đề nguy hiểm mà dị vật thực quản gây ra cho bệnh nhân.
Menu xem nhanh:
1. Dị vật thực quản – Nhận biết nhanh, tránh nguy hiểm
1.1. Khái niệm
Dị vật thực quản là một trong những tai nạn dễ gặp trong quá trình ăn uống, thường do tình huống hóc dị vật, khiến dị vật rơi xuống khu vực thực quản của người bệnh và gây những ảnh hưởng nhất định.
Thường từ ngày thứ 2 trở đi sau tai nạn hóc và dị vật thực quản, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng áp xe trung thất. Dị vật nhọn, cứng có thể khiến động mạch lớn bị thủng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Chính vì thế, cần nhận biết nhanh để điều trị vấn đề dị vật thực quản càng sớm càng tốt.
Theo quan sát chung, dị vật thực quản thường gặp ở đối tượng là người lớn hơn là ở trẻ em. Tuy nhiên, dị vật thực quản có thể bắt gặp ở bất cứ đối tượng nào với thói quen ăn uống bất cẩn hoặc tai nạn khi ăn uống. Do đó, mọi người đều cần đề phòng hóc dị vật thực quản.
1.2. Nhận biết
Triệu chứng dị vật thực quản được phân chia theo từng giai đoạn riêng và tùy thuộc vào tính chất cũng như thời gian phát hiện dị vật. Nhưng triệu chứng điển hình của tai nạn này là việc tắc nghẽn đường ăn uống và đường thở, khiến bệnh nhân ho sặc sụa, hô hấp khó khăn, cảm giác vướng họng và nuốt đau, khó khăn, dù chỉ là nuốt nước bọt.
1.2.1. Giai đoạn đầu
Giai đoạn đầu của tai nạn dị vật thực quản, người bệnh có thể gặp những triệu chứng như:
– Nuốt đau, ăn uống khó khăn.
– Người bệnh có xu hướng cố gắng khạc nhổ nhưng điều này có thể làm tình thế tệ hơn, đau vùng họng nhiều hơn và dễ nhiễm trùng.
– Đau vùng sau xương ức, có thể đau xuyên qua lưng hoặc lên bả vai trong trường hợp dị vật đâm vào thành thực quản.
1.2.2. Giai đoạn viêm nhiễm
Tình trạng viêm nhiễm là điều phổ biến sau tình huống hóc dị vật thực quản. Điều này thường xảy ra khi dị vật làm tổn thương vùng niêm mạc thực quản hoặc gây thủng thành thực quản. Khi này, bệnh nhân có thể có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao cùng các triệu chứng dễ thấy như: nuốt đau, đau vùng cổ, đau vùng ngực ngày càng tăng. Các bác sĩ cũng cho biết, những biến chứng nặng có thể xảy ra nếu bệnh nhân không điều trị sớm khi ở giai đoạn này.
1.2.3. Giai đoạn biến chứng
– Dị vật thực quản có chứa hữu cơ, do đó, xuất hiện vi khuẩn gây viêm nhiễm.
– Viêm tấy quanh thực quản cổ do dị vật đâm thủng thành thực quản, gây viêm nhiễm lan tỏa từ thành thực quản. Bệnh nhân thường sốt cao, nhiễm khuẩn, mệt mỏi kèm hiện tượng nước bọt nhiều, hơi thở hôi.
– Viêm trung thất sau khi dị vật làm thủng thành thực quản cùng các biểu hiện: sốt cao, thân nhiệt giảm, đau ngực, khó thở,…
– Biến chứng với phổi. Dị vật thực quản có thể làm thủng màng phổi, gây viêm phế mạc mủ cùng các hiện tượng như: tràn dịch màng phổi, sốt cao, đau ngực, khó thở.
Các bác sĩ cũng cho biết: Dị vật thực quản có thể trở thành tình huống nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của chúng ta. Do đó, khi bị hóc dị vật, cần sớm giải quyết, đến các cơ sở tai mũi họng gắp dị vật đúng cách. Tránh tình trạng để dị vật lâu ngày trong cổ họng, dễ gây những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chúng ta.
2. Thực hiện xử trí đúng cách với tình huống hóc dị vật thực quản
Lấy dị vật càng sớm càng tốt là cách xử trí cần thiết nhất khi hóc dị vật thực quản. Chính vì thế, cần đưa bệnh nhân sớm đến các cơ sở y khoa tai mũi họng để được điều trị đúng cách:
– Nội soi thực quản, gắp dị vật thực quản kèm theo việc hút dịch mủ ổ viêm trong lòng thực quản.
– Tình trạng viêm nhiễm của bệnh nhân cần được xử lý bằng các loại kháng sinh phù hợp.
– Theo dõi tình trạng bệnh nhân hóc dị vật thực quản sau đó. Nếu ổ nhiễm khuẩn không có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ sẽ tiến hành mở dẫn lưu ổ áp xe.
– Với tình trạng biến chứng viêm trung thất, cần tiến hành mở lồng ngực. Khi này, bác sĩ có thể kết hợp việc lấy dị vật, hoặc lấy dị vật qua nội soi trước đó.
– Với biến chứng viêm màng phổi mủ, đó là khi có thể dị vật đâm thủng thành thực quản và màng phổi, cần nội soi lấy dị vật, dẫn lưu mủ màng phổi. Đồng thời, các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh liều cao phù hợp.
– Trong tình trạng biến chứng hóc thực quản gây thủng mạch máu lớn, thường xuất hiện sau hóc tầm, 3-4 ngày, cần cấp cứu kịp thời và thực hiện hồi sức tốt cho bệnh nhân. Khi này, các bác sĩ sẽ mổ thắt động mạch cảnh và điều trị ổ viêm nhiễm. Nếu thủng động mạch chủ, trường hợp này rất khó để bệnh nhân qua cơn nguy kịch dù các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lồng ngực để khâu lỗ thủng động mạch.
3. Phòng dị vật thực quản đúng cách
Ngăn ngừa dị vật thực quản là điều cần thiết để tránh những nguy hiểm từ tai nạn này cũng như bảo vệ sức khỏe tốt cho bản thân. Theo các bác sĩ, cần tránh việc xảy ra tình huống hóc bằng cách: cẩn trọng trong ăn uống, không vừa ăn vừa cười đùa, loại bỏ các loại xương hay mẩu xương gây hóc trước khi chế biến thức ăn cho người già và trẻ nhỏ,… Đồng thời , khi gặp tình huống hóc, cần nhanh chóng xử lý, đến các cơ sở tai mũi họng để được kiểm tra, lấy dị vật nhanh để dị vật không rơi xuống thực quản hay các khu vực nguy hiểm khác.
Như vậy, cách xử trí hóc dị vật thực quản cần thiết mà chúng ta cần thực hiện, đó là sớm đến các cơ sở y khoa để được gắp dị vật đúng cách, phòng ngừa viêm nhiễm hiệu quả. Ngay từ khi có các dấu hiệu của hóc như nghẹn, khó nuốt, cần được các bác sĩ kiểm tra xác nhận và đưa ra tình huống xử lý phù hợp, tránh để tình trạng hóc kéo dài càng dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bản thân.