Dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tình trạng diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến viêm, loét, và thậm chí là hẹp thực quản. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về hiện tượng trào ngược dạ dày, nhận biết trào ngược dạ dày thực quản, cùng những phương pháp phòng ngừa và cải thiện hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Trào ngược dạ dày thực quản và những nguyên nhân gây ra trào ngược
1.1. Giải thích trào ngược dạ dày thực quản
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản xảy (GERD) ra khi một phần thức ăn và dịch dạ dày trào ngược lên thực quản – cơ quan nối liền miệng với dạ dày. Dạ dày tiết ra dịch vị chứa các chất axit giúp tiêu hóa thức ăn, nhưng thực quản không có khả năng chống lại tính axit của các chất này. Kết quả là trào ngược gây viêm thực quản, tạo cảm giác nóng rát và khó chịu, và về lâu dài có thể gây tổn thương thực quản.
1.2. Nguyên nhân nào gây ra trào ngược dạ dày thực quản
Ở phần lớn các trường hợp mắc bệnh này, trào ngược xảy ra do sự rối loạn của cơ thắt thực quản dưới. Cơ thắt này là một dải cơ nằm giữa thực quản và dạ dày. Thông thường, nó mở và đóng nhịp nhàng để ngăn các chất từ dạ dày trào ngược lên thực quản, chỉ mở ra để thức ăn đi qua và hoạt động như một van bảo vệ.
Khi bị trào ngược, cơ vòng mở ra không đúng lúc, khiến dịch từ dạ dày trào lên. Những người mắc trào ngược thường gặp tình trạng này sau khi ăn hoặc vào ban đêm. Hiện tượng nôn trớ rất hay gặp ở trẻ sơ sinh do cơ vòng của trẻ chưa hoàn thiện. Nôn trớ phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng không phải lúc nào cũng do bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra.
Thoát vị hoành có thể liên quan đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Mặc dù vậy, hai hiện tượng này không phải là một và thoát vị hoành không nhất thiết luôn kèm theo triệu chứng trào ngược.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: Phụ nữ mang thai (tạm thời tạo áp lực lên dạ dày), béo phì hoặc thừa cân, người bị xơ cứng bì, người hút thuốc lá,..
2. Biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bạn chưa biết
Để tránh tình trạng bệnh kéo dài do nhầm lẫn giữa các triệu chứng và hiện tượng sinh lý thông thường, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà bạn có thể tham khảo:
2.1. Nhận biết trào ngược dạ dày qua tình trạng ợ nóng và ợ chua
Các triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm ợ hơi, ợ nóng và ợ chua. Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý bình thường. Bệnh nhân thường cảm thấy nóng rát, đau sau xương ức, có thể lan lên cổ, đặc biệt sau bữa ăn hoặc khi cúi người. Các triệu chứng như ợ chua và ợ hơi thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn. Khi ợ, người bệnh có thể cảm nhận được vị chua trong miệng kèm theo cảm giác nóng rát. Ợ trớ là một triệu chứng khác của trào ngược, thường rõ ràng hơn khi cúi người, ăn no hoặc uống nhiều nước. Triệu chứng này cũng có thể xuất hiện khi ngủ, gây tỉnh giấc.
2.2. Nhận biết trào ngược dạ dày qua tình trạng qua tình trạng buồn nôn và nôn
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi ăn quá no. Triệu chứng này cũng có thể xảy ra khi nằm ngay sau bữa ăn. Cảm giác buồn nôn trở nên rõ ràng hơn khi thức ăn bị kẹt ở cổ họng, gây khó chịu. Buồn nôn và nôn trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ bị nhầm lẫn với tình trạng ăn quá nhiều, vì cũng xuất hiện sau khi ăn nhiều và gây khó chịu. Nếu bạn thường xuyên gặp phải triệu chứng này, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2.3. Đắng miệng và hơi thở có mùi: Biểu hiện giúp nhận biết
Sự hiện diện của dịch mật thường gây ra cảm giác đắng miệng và hơi thở có mùi. Khi acid dạ dày trào lên thực quản, dịch mật có thể hòa lẫn với acid, dẫn đến hiện tượng này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự rối loạn chức năng của dạ dày và cơ chế đóng mở của van môn vị, làm cho dịch mật bị đẩy lên thực quản. Đồng thời, cơ thể có thể tiết ra nhiều nước bọt hơn để trung hòa lượng acid này.
2.4. Đau tức vùng thượng vị
Cảm giác đau tức ở khu vực thượng vị là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản, gây ra cảm giác bị chèn ép hoặc nén ở ngực và vùng xung quanh. Điều này xảy ra khi acid dạ dày trào lên thực quản và kích thích các dây thần kinh trên niêm mạc thực quản, dẫn đến cơn đau có thể lan ra cánh tay hoặc lưng.
2.5. Khó khăn khi nuốt
Triệu chứng này thường xuất hiện ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ nghiêm trọng. Sự tổn thương niêm mạc thực quản do tiếp xúc liên tục với acid dạ dày có thể gây viêm và phù nề, làm cho người bệnh cảm thấy nghẹn và khó nuốt.
2.6. Khàn giọng và ho
Trào ngược acid có thể làm tổn thương thanh quản, dẫn đến giọng nói khàn và ho. Viêm và sưng ở thanh quản thường gây ra tình trạng khó nói và ho liên tục. Nếu triệu chứng này kéo dài, nó có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Chẩn đoán GERD: Có những cách nào?
Khi có các biểu hiện trên, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Thông thường, có một số phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng trào ngược của bạn như sau:
– Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về các yếu tố như chế độ ăn, tình trạng sức khỏe, bệnh sử, các loại thuốc đang sử dụng. Ngoài ra có thể dựa vào thăm khám lâm sàng để phát hiện một số tổn thương.
– Nội soi dạ dày – thực quản (đường tiêu hóa trên) Đây là phương pháp chẩn đoán trực tiếp, giúp bác sĩ quan sát bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng để tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương do axit dạ dày gây ra.
– Kỹ thuật đo theo dõi pH thực quản 24 giờ: Sử dụng một thiết bị nhỏ đặt trong thực quản để đo độ pH trong 24 giờ. Phương pháp này giúp xác định tần suất, tính chất, mức độ và thời gian trào ngược axit.
– Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM): Giúp đánh giá chức năng cơ thắt thực quản dưới cũng như các cơ thắt khác của thực quản. Ngoài ra chúng giúp loại trừ rối loạn vận động thực quản hiếm gặp.
Trên đây là những thông tin giúp bạn nhận biết trào ngược dạ dày thực quản cũng như các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Lưu ý cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác, điều này giúp bạn điều trị hiệu quả hơn.