Nấm âm đạo là dạng bệnh lý phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ và có khả năng tái nhiễm rất cao. Bởi vậy, để điều trị hiệu quả và triệt để, trước hết người bệnh cần phải nắm rõ các biểu hiện của nấm âm đạo, giải quyết bệnh từ sớm, từ đó hạn chế khả năng tái nhiễm cũng như những biến chứng mà tình trạng nấm gây ra.
Menu xem nhanh:
1. Nấm âm đạo – bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa “ám ảnh” với phái đẹp
Nấm âm đạo là một trong những dạng viêm nhiễm phụ khoa phổ biến, thường gặp nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo thống kê thực tế, có tới hơn 80% phụ nữ từng phải đối mặt với nhiều điều bất tiện, khó khăn khi phát giác những biểu hiện của nấm âm đạo.
Nấm âm đạo xuất phát từ sự tăng sinh bất thường của tế bào nấm Candida albicans. Tế bào nấm Candida được phát hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể người. Chúng ký sinh tại âm đạo, trở thành một trong những yếu tố góp phần giữ sự cân bằng, ổn định cho môi trường tại “vùng kín”. Tuy nhiên, khi nấm Candida bị kích thích, chúng sẽ tăng nhanh về số lượng, tấn công âm đạo, gây ra những tổn thương, làm thay đổi môi trường, độ pH tự nhiên và khiến cho “cô bé” bị viêm nhiễm với những biểu hiện bất thường.
Một số nguyên nhân chính khiến cho mật độ bào tử nấm Candida thay đổi, tấn công sâu hơn vào âm đạo gồm có:
– Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, lây nhiễm nấm trong quá trình giao hợp với bạn tình.
– Sử dụng kháng sinh, các loại thuốc bôi, thuốc đặt phụ khoa có tính sát khuẩn cao, làm hại đến lợi khuẩn trong âm đạo, mất cân bằng hệ vi sinh và gây ra tình trạng viêm nấm.
– Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, đường có thể xuất hiện trong dịch tiết âm đạo và trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng để nấm Candida phát triển mạnh mẽ.
– Phụ nữ mang thai hoặc những chị em có sử dụng thuốc tránh thai, điều trị bằng thuốc có chứa steroid khiến hệ nội tiết bị ảnh hưởng cũng khiến môi trường âm đạo không còn ổn định, nấm âm đạo dễ dàng tấn công.
– Vệ sinh chưa cẩn thận, chưa đúng cách, làm tổn thương “vùng kín” dẫn đến việc nấm càng trở nên mất kiểm soát.
– Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý, hệ miễn dịch suy giảm khiến cho số lượng lợi khuẩn trong âm đạo cũng bị ảnh hưởng, nấm có cơ hội tăng nhanh.
2. Những biểu hiện dễ nhận biết nấm âm đạo và cách phân biệt với những triệu chứng viêm nhiễm khác
Khi có cảm giác ngứa ngáy, đỏ rát ở vùng kín, nhiều chị em cho rằng bản thân bị nấm âm đạo. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi chưa đủ để đưa ra kết luận.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Phụ, biểu hiện của nấm âm đạo rất nhiều và dễ nhầm lẫn. Bởi vậy, việc có thể phát hiện sớm và nhận định chính xác nấm âm đạo có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch điều trị, quyết định thành công của việc điều trị bệnh dứt điểm.
2.1. Những biểu hiện của nấm âm đạo mà chị em có thể dễ dàng nhận biết
Để hỗ trợ tốt nhất cho việc điều trị triệt để nấm âm đạo, hạn chế tái phát, chị em cần chủ động nắm rõ những biểu hiện bất thường. Một số triệu chứng, biểu hiện có thể giúp người bệnh nhận biết nấm âm đạo:
– Ngứa rát và khó chịu tại vùng kín là triệu chứng mà đa phần người nhiễm nấm âm đạo gặp phải.
– Âm hộ, âm đạo có dấu hiệu sưng, đau và nóng rát.
– Tiểu tiện khó khăn, có cảm giác đau rõ ràng.
– Giao hợp, quan hệ tình dục không còn khoái cảm, thay vào đó là cảm giác đau và khó chịu.
– Dịch nhầy âm đạo đặc, dính, ra nhiều có thể vón cục và có màu trắng, không có mùi đặc biệt.
Tất cả những triệu chứng trên đều là những triệu chứng ban đầu, dễ nhận biết để chị em có thể chủ động tiến hành thăm khám, xác định chính xác tác nhân bệnh. Bên cạnh đó, chị em cũng có thể tiếp nhận thông tin sau đây để biết cách phân biệt biểu hiện của nấm âm đạo với biểu hiện của một số loại viêm do nhiễm khuẩn khác.
2.2. Biểu hiện của nấm âm đạo khác gì với biểu hiện của viêm âm đạo do vi khuẩn
Như chị em đều đã biết, viêm âm đạo chủ yếu do sự tấn công của vi khuẩn và nấm âm đạo Candida. Hai tác nhân gây viêm này lại có những triệu chứng, biểu hiện khá giống nhau, khiến cho bệnh nhân dễ nhầm lẫn. Bởi vậy, việc phân biệt được biểu hiện của viêm do nấm và biểu hiện của viêm do vi khuẩn cũng rất quan trọng.
Viêm âm đạo do vi khuẩn thường không có biểu hiện quá rõ rệt. Đa số những biểu hiện giúp chị em nhận biết được dạng viêm nhiễm này gồm:
– Khí hư, dịch nhầy âm đạo tiết ra nhiều, loãng và dính, có mùi hôi hoặc tanh rất đậm. Đặc biệt, mùi hôi của khí hư càng trở nên “khó ngửi” hơn sau khi chị em quan hệ tình dục hoặc khi tới thời gian hành kinh.
– Dịch nhầy âm đạo không chỉ có mùi khó chịu, chúng còn có màu sắc lạ, chủ yếu là xanh, vàng hoặc xám. Những màu sắc này có thể thể hiện phần nào tác nhân, loại khuẩn gây viêm âm đạo.
– Âm đạo ngứa dữ dội. Cảm giác ngứa rát sâu, ngứa liên tục không dứt.
– Âm đạo đặc biệt có cảm giác nóng rát khi chị em đi tiểu tiện.
Viêm âm đạo do nấm Candida cũng có những biểu hiện tương tự, nhưng lại khác hơn đôi chút:
– Dịch nhầy, khí hư đặc, vón cục, thường có kết cấu giống như phomai hay bã đậu.
– Khí hư có màu trắng, không có mùi nồng, gắt.
– Xung quanh âm đạo, phần môi lớn, môi nhỏ bị sưng, phù.
– Âm hộ thường xuyên có cảm giác đau nhức và ngứa ngáy.
– Tiểu tiện, giao hợp luôn có cảm giác khó chịu, đau.
3. Khi nào người bệnh cần khám bác sĩ và làm sao để điều trị nấm âm đạo hiệu quả?
Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, nấm âm đạo có thể tấn công ngày một sâu hơn và gây ra nhiều ảnh hưởng, biến chứng khó lường.
– Chị em sẽ thường xuyên thấy bức bách, đau đớn, tự ti, ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, sinh hoạt hàng ngày.
– Các triệu chứng của nấm âm đạo cản trở quá trình giao hợp, làm cho chị em cảm thấy khó khăn trong quan hệ vợ chồng.
– Bệnh dễ tái phát nhiều lần, nấm lan rộng và sâu gây viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung, nhiễm trùng và viêm vùng chậu, viêm tắc vòi trứng, viêm và nhiễm trùng buồng trứng, viêm nội mạc tử cung,… Lâu dần, những căn bệnh này có thể trở thành tiền đề cho việc chị em bị vô sinh, hiếm muộn.
– pH âm đạo, môi trường âm đạo thay đổi do nấm phát triển, từ đó làm cho chất lượng tinh trùng giảm, khó thụ thai.
– Bệnh có thể phát triển và làm tổn thương tử cung, cổ tử cung, là điều kiện để hình thành ung thư cổ tử cung – căn bệnh đáng sợ và đe dọa tới tính mạng người phụ nữ.
– Với phụ nữ mang thai, nấm âm đạo phát triển có thể dẫn tới nhiều biến chứng thai kỳ như: Sinh non, sảy thai, thiếu tháng, trẻ phát triển kém, dễ bị viêm giác mạc, viêm da, viêm niêm mạc miệng,…
Vì vậy, người bệnh cần chú ý thực hiện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi các triệu chứng, biểu hiện nấm âm đạo diễn ra thường xuyên và gây khó chịu nhiều hơn để tránh bệnh phát triển và gây biến chứng nghiêm trọng.
Viêm nấm âm đạo, bệnh nhân thường được điều trị nội khoa, sử dụng thuốc để ức chế sự phát triển và lấn sâu hơn của tế bào nấm. Cụ thể, một số loại thuốc mà chị em có thể được chỉ định trong điều trị nấm Candida gồm:
– Thuốc đặt
Thuốc đặt thường được chỉ định điều trị các trường hợp ngứa, ra nhiều khí hư tại vùng kín, vì vậy rất phù hợp để cải thiện biểu hiện của nấm âm đạo. Thành phần các hoạt chất trong thuốc này, khi tiếp xúc với môi trường âm đạo sẽ tan dần và tác động nhanh tới tế bào nấm Candida. Vì vậy, thuốc giúp cải thiện nhanh các triệu chứng, khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
– Thuốc uống
Khi nấm tăng nhanh về số lượng, lan rộng và tấn công tới các cơ quan sinh dục sâu hơn trong âm đạo, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc uống kháng sinh, kháng nấm.
Việc sử dụng thuốc uống kết hợp thuốc đặt cũng phù hợp với những trường hợp bệnh nhân bị nấm âm đạo tái phát nhiều lần. Hiệu quả điều trị sẽ nhanh hơn, tiêu diệt triệt để các tế bào nấm.
– Thuốc bôi ngoài
Thuốc bôi ngoài có tác dụng cải thiện các biểu hiện của nấm, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nấm cho bạn tình. Sử dụng thuốc bôi, người bệnh có thể thấy dễ chịu nhanh hơn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, chị em cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng:
– Thuốc trị nấm âm đạo không được sử dụng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Tất cả những người đang mang thai đều cần được thăm khám và nhận chỉ định cụ thể từ bác sĩ điều trị.
– Thuốc đặc trị nấm, nếu sử dụng với liều cao hoặc dùng không đúng cách có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, gây loạn khuẩn, nhờn thuốc. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh cần chú ý sử dụng đúng loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn và dùng đúng liều lượng, thời gian điều trị dự kiến.
– Muốn điều trị hiệu quả nấm âm đạo, người bệnh cần thường xuyên tái khám và nghe theo một vài lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Chị em cũng không nên quan hệ tình dục trong thời gian sử dụng thuốc, điều trị để tránh ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả cũng như khiến cho bạn tình bị lây nhiễm nấm, tạo tiền đề để nấm quay trở lại, tái phát nhiều lần.
Nấm Candida không thể tự khỏi. Biểu hiện của nấm âm đạo cũng không thể tự biến mất. Thay vào đó, nếu không điều trị đúng cách, triệu chứng bệnh có thể giảm nhẹ trong một thời gian và sau đó trở nên nghiêm trọng hơn. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc để khắc phục viêm nấm âm đạo, không áp dụng bừa bãi các phương pháp dân gian để điều trị.