Nghẹt mũi kéo dài là dấu hiệu thường gặp của bệnh lý đường hô hấp. Triệu chứng này ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, lâu dần còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm khác. Tìm hiểu ngay!
Menu xem nhanh:
1. Nghẹt mũi kéo dài là gì?
Nghẹt mũi trong thời gian dài có thể xem là nghẹt mũi mạn tính. Nghẹt mũi xảy ra khi niêm mạc trong mũi hoặc xoang bị kích thích, gây tăng tiết chất nhầy để loại bỏ chất gây dị ứng hoặc vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân gây nghẹt mũi thường liên quan tới các bệnh đường hô hấp trên như cảm lạnh, cúm và dị ứng.
Nghẹt mũi có thể tự giảm hoặc kéo dài và tái phát nhiều lần, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng nghẹt mũi kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ngoài triệu chứng chính là ngạt tắc mũi và khó thở, nghẹt mũi mạn tính còn có thể kèm theo những dấu hiệu khác như:
– Thay đổi giọng nói: Giọng nói trở nên khàn, ngàn ngạt do không khí không thông qua mũi một cách bình thường.
– Khó thở khi ngủ: Tình trạng nghẹt mũi thường tăng lên vào ban đêm, gây khó thở khi ngủ. Điều này gây gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày và giảm hiệu suất công việc.
– Đối với trẻ nhỏ, việc ngáy nhiều khi ngủ cũng có thể là một dấu hiệu của ngạt mũi kéo dài.
Đây là một trong những vấn đề về sức khỏe thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là trẻ em hoặc những người có các bệnh lý đường hô hấp. Một số người bệnh lạm dụng xịt mũi hoặc có đề kháng kém… cũng thường mắc phải tình trạng ngạt mũi, sổ mũi kéo dài.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ngạt mũi kéo dài do sự tấn công của các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus… khiến niêm mạc mũi xoang bị tổn thương và tăng tiết dịch nhầy. Tình trạng này thường là dấu hiệu của một số bệnh lý hoặc vấn đề về tai mũi họng như:
– Viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp trên: Bao gồm bệnh viêm xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng và các tình trạng viêm nhiễm khác khiến mũi xoang bị tổn thương, phù nề, tăng tiết dịch…
– Khối u và polyp mũi, xoang: Các khối u nhỏ hoặc polyp trong mũi và xoang có thể gây cản trở quá trình thở và lưu thông dịch nhầy ra ngoài, dẫn tới niêm mạc phù nề và khó thở.
– Dị ứng: Dị ứng bao gồm các tác nhân như bụi bẩn, lông động vật, nấm mốc, vi trùng, vi khuẩn, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác. Khi gặp dị ứng, mũi thường sản xuất dịch nhầy, gây ngứa và gây ra các triệu chứng như hắt hơi.
– Rối loạn cảm giác: Đôi khi người bệnh có cảm giác nghẹt mũi mặc dù không có tắc nghẽn đường thở thực sự do hệ thống dây thần kinh cảm giác bị rối loạn, trục trặc.
– Rối loạn nội tiết: Tình trạng rối loạn nội tiết, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây nghẹt mũi kéo dài.
– Stress: Căng thẳng kéo dài có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, gây sưng và chèn ép các mạch máu, dẫn đến khó thở.
– Tiếp xúc liên tục với các tác nhân kích thích: Tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, hóa chất hoặc khói thuốc lá cũng có thể gây nghẹt mũi và chảy dịch mũi kéo dài.
3. Điều trị nghẹt mũi
3.1. Sử dụng thuốc
Trường hợp nghẹt mũi kéo dài, tái phát nhiều lần và ảnh hưởng đến quá trình thở thì việc sử dụng thuốc điều trị là cần thiết. Đa phần các loại thuốc trị nghẹt mũi đều cần có chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám kỹ lưỡng. Một số loại thuốc như sau có thể được kê đơn để làm giảm hoặc cải thiện tình trạng ngạt mũi kéo dài”
– Thuốc xịt thông mũi: Thuốc xịt mũi là phương pháp phổ biến nhất để giảm nghẹt mũi và dị ứng mũi. Các loại thuốc xịt mũi chứa thành phần như Oxymetazoline, Rhinex,… có tác dụng giảm sưng tấy, giảm áp lực trong xoang và giảm tiết dịch nhầy, từ đó giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Việc sử dụng thuốc xịt mũi giúp nhanh chóng làm giảm nghẹt mũi, tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể gây các tác động xấu cho mũi.
– Thuốc kháng histamin: Nếu nguyên nhân gây nghẹt mũi và các triệu chứng hô hấp khác là do dị ứng, sử dụng thuốc kháng histamin có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc kháng histamin mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc khi nguyên nhân nghẹt mũi và dị ứng chưa được xác định.
3.2. Sinh hoạt khoa học
Ngoài việc sử dụng thuốc kê đơn, một số lưu ý trong sinh hoạt như sau cũng có thể giúp mọi người cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa nghẹt mũi và các bệnh lý đường hô hấp như:
– Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương để làm tăng độ ẩm trong không khí. Điều này giúp làm dịu các niêm mạc trong mũi và xoang, làm mạch máu không bị sưng phình và làm loãng chất nhầy trong xoang.
– Thực hiện xông hơi với tinh dầu tự nhiên khoảng 2-3 lần mỗi ngày để giảm nghẹt mũi.
– Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể để tăng cường hệ miễn dịch. Hãy tăng cường sử dụng các loại trái cây và rau có chứa nhiều vitamin C như cam, ổi, bông cải xanh, dâu tây, kiwi, đu đủ… khi bị nghẹt mũi.
– Tắm rửa bằng nước nóng để làm loãng chất nhầy tạm thời.
– Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý để kháng khuẩn và loại bỏ virus.
– Khi đi ngủ, hãy kê gối cao hơn để giúp mũi thông thoáng và ngăn chặn tình trạng nghẹt mũi.
– Tránh làm việc căng thẳng và nặng nhọc trong để tình trạng ngạt mũi không tiến triển xấu.
– Tiêm chủng và thăm khám định kỳ thường xuyên nhằm kiểm soát, phòng ngừa bệnh lý từ sớm.
Nếu triệu chứng nghẹt mũi kéo dài đi kèm với sốt cao, chảy máu mũi, khó thở… thì người bệnh cần nhanh chóng thông báo ngay cho bác sĩ để được điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.