Nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bệnh thường kéo dài, tái phát nhiều lần và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như giãn phế quản, suy hô hấp. Vậy đâu là những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phế quản? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây để chủ động phòng tránh và bảo vệ sức khỏe hô hấp của bạn!

1. Viêm phế quản mãn tính là gì?

Viêm phế quản mãn tính là một thể bệnh nằm trong nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tình trạng này thường khởi phát sau các đợt viêm phế quản cấp không được điều trị triệt để, khiến niêm mạc phế quản tổn thương kéo dài. Theo thời gian, các ống phế quản trong phổi bị viêm nhiễm mạn tính, làm xuất hiện các triệu chứng dai dẳng như ho kéo dài, khó thở, đờm đặc.

Nếu không được kiểm soát tốt, viêm phế quản có thể tiến triển nặng, dẫn đến COPD toàn phát, gây giảm chức năng hô hấp nghiêm trọng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng do các biến chứng như suy hô hấp, nhiễm trùng tái diễn, và suy tim phải.

Viêm phế quản tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Viêm phế quản tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng do các biến chứng như suy hô hấp, nhiễm trùng tái diễn, và suy tim phải.

2. Nguyên nhân gây ra viêm phế quản mãn tính

2.1. Viêm phế quản mãn tính do khói thuốc gây nên

Khói thuốc là một trong những tác hại hàng đầu gây tổn thương phế quản. Trong khói thuốc chứa hàng trăm chất độc hại, bao gồm cả chất gây ung thư, có khả năng phá hủy lớp lông mao bảo vệ bên trong phổi – cấu trúc giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.

Khi lông mao bị phá hủy, thành phế quản trở nên lỏng lẻo và dễ bị viêm, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mãn tính. Đáng lưu ý, không chỉ người hút thuốc mà cả người hít phải khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh.

2.2. Viêm phế quản mãn tính do hít phải khí độc và ô nhiễm

Các loại khí thải từ công nghiệp, khói bụi môi trường, hoặc chất hóa học độc hại (như clo, amoniac, oxit nitơ…) cũng là thủ phạm gây viêm phế quản. Những chất này gây kích ứng và phá hủy lớp niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến viêm nhiễm mạn tính nếu tiếp xúc lâu dài.

2.3. Cơ địa dị ứng

Một số người có cơ địa dị ứng nhạy cảm với các tác nhân như phấn hoa, lông động vật, nấm mốc hoặc bụi mịn. Khi tiếp xúc, hệ miễn dịch phản ứng mạnh, kích hoạt tế bào bạch cầu ái toan, dưỡng bào (mastocyte)… gây co thắt phế quản, tăng tiết chất nhầy, dẫn đến ho kéo dài và khó thở – những dấu hiệu điển hình của viêm phế quản mạn tính.

2.4. Tuổi tác

Mặc dù viêm phế quản mạn tính có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ cao hơn. Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trong khi người già thường đã tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong thời gian dài (như hút thuốc lá hoặc ô nhiễm môi trường), đồng thời khả năng phục hồi kém hơn.

2.5. Nhiễm trùng tái phát

Nhiễm trùng đường hô hấp lặp đi lặp lại, nếu không được điều trị dứt điểm, có thể làm tổn thương nhu mô phổi và đường thở. Tình trạng này làm suy giảm chức năng hô hấp, gây viêm phế quản mạn tính kéo dài, và nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến viêm phổi hoặc suy hô hấp.

3. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản mạn tính

Phế quản mãn tính là một bệnh lý hô hấp phổ biến, tuy có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

– Người hút thuốc lá hoặc nghiện thuốc lá lâu năm: Khói thuốc chứa hàng trăm chất độc hại có khả năng phá hủy hệ thống lông mao trong đường thở, làm tổn thương lớp niêm mạc phế quản và làm suy giảm khả năng tự làm sạch của phổi.

– Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc chất kích thích đường hô hấp: Bao gồm bụi công nghiệp, khói hóa chất, khí độc, bụi vải, bông gòn, hơi dung môi hữu cơ… Đây là các tác nhân gây kích ứng kéo dài niêm mạc phế quản, thúc đẩy viêm nhiễm mạn tính.

– Người có sức đề kháng yếu hoặc đang mắc các bệnh lý mạn tính: Hệ miễn dịch suy giảm khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hô hấp tái phát, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm phế quản tiến triển mãn tính.

– Người cao tuổi: Tuổi tác cao thường đi kèm với suy giảm chức năng hô hấp, giảm khả năng bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, nhóm này cũng có thể đồng thời có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, mắc bệnh mạn tính, hoặc tiếp xúc ô nhiễm kéo dài.

Nguyên nhân gây ra viêm phế quản mãn tính

Khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương phế quản

4. Triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính

Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân về tần suất và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, những biểu hiện phổ biến nhất bao gồm:

– Ho tần suất dày đặc, đặc biệt là vào buổi sáng.

– Khạc đờm liên tục, đờm thường có độ đặc và dính.

– Khó thở, đặc biệt khi gắng sức, kèm theo tiếng thở khò khè hoặc rít.

– Đờm có màu bất thường như trắng đục, vàng hoặc xanh, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng tiến triển.

Đặc biệt, lượng đờm tăng dần theo thời gian và tích tụ trong đường thở khiến khả năng lưu thông không khí tới phổi bị cản trở. Đây chính là nguyên nhân gây khó thở ngày càng nặng và tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khắp cơ thể khác như:

– Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh.

– Luôn có cảm giác mệt mỏi liên tục, kèm theo đó là kiệt sức.

– Hơi thở có mùi hôi.

– Tắc nghẽn xoang hoặc cảm giác nghẹt mũi kéo dài.

– Tình trạng thiếu oxy trong máu, dẫn đến da dẻ xanh xao, môi và móng tay tím tái.

Người bệnh sẽ có triệu chứng tắc nghẽn xoang hoặc cảm giác nghẹt mũi kéo dài.

Người bệnh sẽ có triệu chứng tắc nghẽn xoang hoặc cảm giác nghẹt mũi kéo dài

Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý không thể chủ quan, bởi nếu không kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc nhận diện sớm các nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phế quản mạn tính như khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, nhiễm trùng hô hấp kéo dài… sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp hiệu quả hơn. Đừng quên xây dựng lối sống lành mạnh và thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital