Nghiên cứu mới cho thấy người tuân thủ điều trị ARV và khống chế tốt tải lượng HIV trong máu rất hiếm khi lây nhiễm sang bạn tình của họ. Điều trị ARV sớm có hiệu quả dự phòng tốt hơn là điều trị muộn.
Nghiên cứu quy trên mô lớn mang tên “HPTN 052” đã theo dõi trên 1.763 cặp đôi dị tính bất xứng (một người nhiễm HIV, người còn lại âm tính) trong suốt 10 năm từ tháng 4/2005 đến tháng 5/2015 nhằm đánh giá hiệu quả dự phòng lây nhiễm của thuốc kháng virus (ARV). Nhóm nhà khoa học đã kêu gọi sự tham gia của các cặp đôi bất xứng ở nhiều quốc gia như Malawi, Zimbabwe, South Africa, Botswana, Kenya, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil, Mỹ.
Những bệnh nhân dương tính với HIV đều ghi nhận có chỉ số CD4 trong khoảng 350-500 tế bào/mm3. Họ được chia thành 2 nhóm. Nhóm một được cho sử dụng ARV ngay khi tham gia (nhóm can thiệp sớm). Nhóm còn lại được chỉ định điều trị ARV khi CD4 xuống dưới 200 tế bào/mm3 hoặc có bệnh cảnh lâm sàng giai đoạn AIDS.
Năm 2011, nhóm nghiên cứu đã sơ kết sau 5 năm theo dõi tại thời điểm đó ghi nhận, việc điều trị kháng virus bằng ARV giúp khống chế tốt tải lượng virus trong máu người bệnh, làm giảm khả năng lây nhiễm HIV đến 96% sang bạn tình âm tính, ít nhất là trên nhóm dị tính. Kết quả này làm chấn động cả thế giới, từ đó giúp cho công cuộc điều trị và dự phòng HIV tiến thêm một bước rất lớn, từ thế bị động sang chủ động bằng khái niệm mới “Điều trị như là biện pháp dự phòng” (treatment as prevention). Công bố này kéo theo hàng loạt thay đổi lớn trong chăm sóc và điều trị trên quy mô toàn cầu như điều trị sớm, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, nhu cầu có con của người dương tính…
Năm 2014, kết quả giữa kỳ của nghiên cứu 5 năm khác mang tên PARTNER (dự tính sẽ kết thúc vào năm 2017) cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu này theo dõi trên 767 cặp đôi bất xứng dị tính và đồng tính, trong đó, người dương tính đang được khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu nhờ vào điều trị ARV. Kết quả theo dõi sau 2 năm không ghi nhận có trường hợp lây nhiễm HIV nào từ người nhiễm sang bạn tình âm tính của họ. Khi trình bày kết quả này trước hội nghị khoa học, ông Jens Lundgren đại diện nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng tỷ lệ lây nhiễm HIV khi khống chế tải lượng virus là rất gần với con số 0, thậm chí có thể đã bằng 0.
Giờ đây, đúc kết sau cùng của nghiên cứu HPTN 052 một lần nữa khẳng định giá trị của điều trị ARV trong dự phòng lây nhiễm HIV và phần nào củng cố nhận định của ông Lundgren. Giai đoạn cuối của nghiên cứu, 1.171 cặp đôi trong nghiên cứu còn sống bao gồm 603 cặp trong nhóm can thiệp sớm và 568 cặp trong nhóm can thiệp muộn.
Trong 10 năm nghiên cứu chỉ ghi nhận 46 trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân HIV sang bạn tình âm tính (xác định bằng xét nghiệm bản đồ gene đối chiếu giữa người nhiễm và các trường hợp bạn tình âm tính bị lây HIV). Trong đó chỉ có 3 trường hợp nằm trong nhóm can thiệp sớm và 43 trường hợp trong nhóm can thiệp muộn.
Phân tích sâu hơn, người ta ghi nhận rằng một nửa số trường hợp được chẩn đoán nhiễm không lâu sau khi bắt đầu điều trị ARV. Điều này cho thấy khả năng lây nhiễm đã xảy ra trước khi điều trị ARV hoặc trong lúc tải lượng virus chưa đạt mức “không thể phát hiện” (thông thường, sau khi điều trị ARV, trung bình 3 – 6 tháng sau, bệnh nhân mới đạt được mốc tải lượng này). Các trường hợp còn lại được chẩn đoán khi bạn tình dương tính bị thất bại điều trị ARV hoặc kháng thuốc do tuân thủ điều trị kém hay nhiễm chủng virus kháng thuốc khiến cho tải lượng virus không đảm bảo dưới ngưỡng.
Nghiên cứu kết luận: Người bệnh tuân thủ điều trị ARV và khống chế tốt tải lượng HIV trong máu sẽ rất hiếm khi lây nhiễm sang bạn tình dị tính của họ. Đồng thời, qua phân tích, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra điều trị ARV sớm sẽ cho hiệu quả dự phòng tốt hơn so với điều trị muộn. Mặc dù chỉ giới hạn nghiên cứu trên nhóm dị tính, kết quả của công trình HPTN 052 cũng đã nhấn mạnh vai trò và hiệu quả dự phòng của điều trị kháng virus trong tất cả các đường lây: đường máu, quan hệ đồng tính, mẹ truyền sang con…
Bằng việc tuân thủ tốt điều trị ARV với mục đích cốt lõi là khống chế tải lượng virus HIV trong máu, người bệnh không chỉ bảo vệ sức khỏe của mình mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác. Kết quả nghiên cứu trên được công bố trong Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về bệnh học, điều trị và dự phòng HIV tại Vancouver, British Columbia.
Theo Vnexpress