Các vấn đề về bệnh van tim khá phổ biến dễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ những lưu ý cần thiết trong quá trình điều trị bệnh để có được hiệu quả tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh van tim bao gồm những bệnh nào?
Hệ thống van tim bao gồm van 2 lá, 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Van tim có vai trò điều hướng dòng chảy của máu ra, vào tim theo nguyên tắc một chiều. Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng thường gặp trong bệnh van tim, đó là bệnh hở và hẹp van tim.
- Hẹp van tim: Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để nén dòng máu qua chỗ hẹp.
- Hở van tim (còn gọi là suy van): Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài… làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược.
Một số trường hợp có thể gặp cả hẹp van tim và suy van tim trong một hoặc nhiều van, nhất là các bệnh van tim do thấp tim.
2. Lời khuyên dành cho người có bệnh van tim
Khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh van tim hoặc đã được điều trị bằng cách sửa chữa hay thay thế van, điều quan trọng nhất sau đó là để bảo vệ mình khỏi các vấn đề về tim có thể gặp trong tương lai.
Để làm được điều này cần biết mức độ và tình trạng hiện tại của van tim; thông báo với bác sĩ điều trị về tình trạng sức khỏe của mình trong mỗi lần khám, chữa bệnh:
- Khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau nhức mình mẩy cần được điều trị chống nhiễm trùng;
- Cần vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc tốt răng và nướu răng;
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và giúp tim của bạn bơm máu hiệu quả hơn;
- Tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh van tim cần ăn nhạt, ăn ít muối, ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành; không uống cà phê, không uống rượu vì có thể làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có); tránh để thừa cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp; tập thể dục mỗi ngày và sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.