Nấm âm đạo nặng, dạng viêm âm đạo khiến chị em “loay hoay”

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Đã từ lâu, viêm âm đạo trở thành một nỗi niềm khó nói của chị em phụ nữ, cũng là vấn đề mà hầu hết phái đẹp ở mọi độ tuổi đều có thể gặp phải. Trong đó, tình trạng nấm âm đạo, nấm âm đạo nặng là tình trạng phổ biến nhất, cũng là vấn đề khiến nhiều chị em phải “loay hoay”, khổ sở tìm cách giải quyết triệt để.

1. Nấm âm đạo mãn tính – nỗi niềm khó nói của nhiều phụ nữ

Theo thống kê, trong số các dạng của viêm âm đạo, viêm phụ khoa, nấm âm đạo chiếm phần lớn, tới hơn 80%. Tuy không phải là một bệnh lý khó điều trị nhưng nếu không cải thiện, khắc phục sớm, bệnh có khả năng tái phát rất cao và có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng hơn cho người phụ nữ.

Nấm âm đạo nặng, thường xuyên tái phát là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ

Nấm âm đạo nặng, thường xuyên tái phát là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ

Viêm nấm âm đạo phát triển do nấm Candida albicans, vốn là loại nấm ký sinh tại nhiều cơ quan trên cơ thể người. Nấm âm đạo có khả năng phát triển nhanh chóng trong môi trường ẩm ướt, điều kiện nhiệt độ phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người bệnh bị nấm âm đạo nặng.

1.1. Nguyên nhân dẫn đến nấm âm đạo nặng

Nấm Candida albicans tồn tại sẵn trong âm đạo, là một trong những yếu tố giữ cân bằng pH và môi trường âm đạo ổn định. Tuy nhiên, khi có những tác nhân làm ảnh hưởng tới môi trường âm đạo, nấm có thể tăng sinh và phát triển rất nhanh, gây viêm. Các tác nhân này bao gồm:

– Sự thay đổi của các hormone nội tiết: Sự thay đổi của các hormone có ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường âm đạo. Hormone nội tiết quyết định hoạt động của tử cung, cũng đồng thời quyết định khả năng tiết dịch âm đạo, cân bằng pH tự nhiên. Vì vậy, khi hormone nội tiết có sự thay đổi, môi trường âm đạo cũng thay đổi và khiến cho nấm tăng sinh.

– Bị tiểu đường: Khi lượng đường trong máu tăng, lượng đường trong dịch nhầy âm đạo cũng tăng và trở thành nguồn thức ăn lý tưởng cho nấm men, khiến các tế bào nấm phát triển mạnh mẽ hơn và gây viêm nhiễm.

– Sử dụng kháng sinh không đúng cách: Lạm dụng kháng sinh, nhất là các loại kháng sinh điều trị tại chỗ có thể làm suy giảm hoạt động miễn dịch tự nhiên, khiến cho các lợi khuẩn tồn tại trong âm đạo bị tiêu diệt, nấm càng có cơ hội tăng nhanh.

– Vệ sinh, lựa chọn các sản phẩm vệ sinh âm đạo không phù hợp: Các sản phẩm vệ sinh âm đạo không phù hợp hoàn toàn có thể làm mất cân bằng môi trường, axit trong âm đạo. Thụt rửa vùng kín thường xuyên có thể làm tổn thương “cô bé”, tạo điều kiện để nấm đi sâu hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tế bào nấm tăng sinh mạnh mẽ, dẫn tới viêm ngứa nặng nề

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tế bào nấm tăng sinh mạnh mẽ, dẫn tới viêm ngứa nặng nề

– Hệ thống miễn dịch kém: Nấm âm đạo có khả năng phát triển và khó kiểm soát khi người bệnh không có khả năng miễn dịch, miễn dịch kém. Điều này cũng khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

– Quan hệ tình dục không an toàn: Nấm âm đạo hoàn toàn có thể lây từ bạn tình nếu không đảm bảo vấn đề an toàn trong quan hệ tình dục. Ngoài ra, trong quá trình quan hệ, nấm còn có thể lan sâu hơn vào tới cổ tử cung của người phụ nữ và rất khó điều trị.

– Do các thói quen sinh hoạt: Sử dụng đồ lót không phù hợp, để âm đạo ẩm ướt, mặc quần quá chật, dùng băng vệ sinh không đúng cách trong những ngày “đèn đỏ”,… là những thói quen không tốt, làm cho nấm càng có khả năng phát triển và gây viêm nhiễm nặng.

1.2. Những biểu hiện nào cho thấy chị em đang bị nấm âm đạo nặng?

Thông thường, khi bị viêm âm đạo, nấm âm đạo, người bệnh có thể nhận biết ngay qua những triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, nấm âm đạo nặng, hay tái phát lại có những đặc điểm nhận biết rõ ràng hơn:

– Ngứa rát nhiều, khó kiểm soát.

– Âm đạo nóng, sưng đỏ và có thể phù nề.

– Khí hư tiết nhiều, liên tục, có thể vón cục trắng hoặc dính, có màu như sữa chua và mùi hôi cực nồng, khó chịu.

– Nấm lan sâu, làm cho đường niệu bị viêm khiến chị em đau rát khi tiểu tiện.

– Nấm tái phát nhiều lần khiến âm đạo viêm loét, tấn công tới cổ tử cung, làm cho chị em bị đau khi giao hợp, tiếp xúc với âm vật của nam giới.

2. Tại sao chị em bị nấm âm đạo nặng? Liệu có nguy hiểm?

Như đã chia sẻ, nấm âm đạo rất dễ tái nhiễm và ngày càng phản ứng với những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Một số nguyên nhân khiến nấm tái phát và trở nặng:

– Chủ quan trong việc điều trị nấm cho bản thân và cả bạn tình, dẫn đến tái nhiễm viêm âm đạo hay nấm do quan hệ tình dục với người chưa được điều trị.

– Không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ như không tái khám định kỳ theo lịch hẹn, không dùng thuốc đủ liều lượng, điều trị ngắt quãng, không dứt điểm,…

– Không loại bỏ các nguồn dễ nhiễm bệnh như đồ lót cũ, đồ vệ sinh đã sử dụng trong thời gian nhiễm nấm âm đạo.

– Không chú ý giữ vệ sinh vùng kín cẩn thận sau khi điều trị viêm nấm.

Đặc biệt, với những trường hợp tự mua thuốc sử dụng, tự điều trị, khả năng nhờn thuốc, kháng thuốc, loạn khuẩn vùng kín là rất cao.

Nấm âm đạo trở nặng, tái phát chủ yếu do sự chủ quan trong phát hiện và điều trị bệnh của chị em

Nấm âm đạo trở nặng, tái phát chủ yếu do sự chủ quan trong phát hiện và điều trị bệnh của chị em

Biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp phải do nhiễm nấm âm đạo nặng là ảnh hưởng tới sức khỏe phụ khoa, hoạt động, chức năng của các cơ quan sinh dục khác. Nấm đi sâu vào âm đạo, tấn công cổ tử cung, tử cung, làm tổn thương vùng chậu, phần phụ và dẫn đến một số bệnh lý như: Viêm âm đạo mãn tính, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến, viêm phần phụ, vùng chậu, làm cho chị em bị đau tức bụng dưới, nhiễm trùng đường tiết niệu, gây tiểu buốt, tiểu rắt, ảnh hưởng tới chức năng bàng quang và thận,… Lâu dần, những bệnh lý phụ khoa này còn có thể ảnh hưởng tới khả năng của tử cung, làm viêm vòi trứng, tắc ống dẫn trứng, kéo theo đó là hệ quả vô sinh, hiếm muộn.

Nấm tại âm đạo cũng cản trở quá trình di chuyển của tinh trùng, càng khiến cho khả năng mang thai của chị em bị hạn chế.

Ngoài ra, với phụ nữ mang thai, nấm âm đạo còn có thể kích thích tử cung, dẫn đến viêm màng ối và sinh non, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi. Nấm tại âm đạo của người mẹ có thể khiến bé mắc một số bệnh khi chào đời:

– Tưa miệng, viêm da, viêm kết mạc sau sinh.

– Nếu nuốt phải dịch âm đạo của mẹ, trẻ có thể bị rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí nhiễm trùng đường ruột.

– Gặp một số vấn đề, bệnh lý về đường hô hấp.

3. Những lưu ý cần biết để phòng ngừa nấm tái phát, trở nặng

Vì nấm âm đạo rất dễ tái phát và lây nhiễm trở lại, người bệnh không nên chỉ chú ý đến việc điều trị mà còn cần chú ý phòng ngừa sau điều trị theo các biện pháp sau:

– Đi khám phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần, nhất là khi vùng kín xuất hiện những thay đổi bất thường.

– Chú ý vấn đề vệ sinh, giữ vùng kín sạch sẽ, khô ráo để hạn chế sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn gây viêm nhiễm.

– Không nên thụt rửa sâu âm đạo để tránh làm tổn thương sâu, khiến môi trường âm đạo mất đi sự cân bằng.

– Không sử dụng lại đồ lót đã mặc trong thời gian bị viêm nấm. Thường xuyên giặt đồ lót và phơi khô dưới nắng để tiệt trùng, tiêu diệt các tác nhân gây viêm âm đạo.

– Sử dụng băng vệ sinh đúng cách trong những ngày hành kinh, thay băng thường xuyên.

– Luôn giữ quần áo khô ráo và sạch sẽ.

– Cần thực hiện điều trị theo đúng chỉ định và các loại thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra.

– Kiêng quan hệ tình dục sau điều trị từ 1 đến 2 tháng để đảm bảo bạn tình không bị nhiễm nấm.

4. Viêm âm đạo nặng do nấm, làm thế nào để loại bỏ dứt điểm?

Đối với các trường hợp mới nhiễm nấm, nấm nhẹ, triệu chứng chưa rõ ràng, người bệnh có thể sử dụng kem chống nấm, thuốc mỡ hoặc thuốc đặt có chứa thành phần chính là miconazole hoặc clotrimazole. Việc điều trị này có thể kéo dài trong khoảng 7 ngày.

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, nấm tái lại nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thêm thuốc uống đơn liều fluconazole, kháng sinh. Với phụ nữ mang thai, việc sử dụng thuốc bôi, thuốc đặt là phù hợp nhất, tránh ảnh hưởng tới thai nhi.

Ngoài ra, những trường hợp nấm dai dẳng cũng nên chú ý:

– Điều trị trường kỳ: Để điều trị dứt điểm nấm tái  phát nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng thuốc chống nấm hàng ngày, tối đa trong 2 tuần. Sau đó, bệnh nhân sẽ điều trị duy trì, mỗi tuần một lần, liên tục như vậy trong 6 tháng.

– Sử dụng thuốc uống đa liều: Thuốc uống chống nấm được chỉ định điều trị cho những trường hợp không đáp ứng riêng thuốc bôi.

– Sử dụng liệu pháp Kháng Azole: Liệu pháp này sử dụng thuốc dạng nang đặt sâu vào âm đạo. Đây là liệu pháp đặc trị nấm Candida, nhất là những loại nấm đã nhờn thuốc, kháng thuốc.

Điều trị với đúng loại thuốc, đúng liều lượng sử dụng sẽ giúp người bệnh loại bỏ được nấm ngứa âm đạo dứt điểm

Điều trị với đúng loại thuốc, đúng liều lượng sử dụng sẽ giúp người bệnh loại bỏ được nấm ngứa âm đạo dứt điểm

Qua những thông tin trên, có thể thấy việc bị nấm âm đạo nặng sẽ khiến người bệnh phải chịu đựng nhiều triệu chứng khó chịu, ngoài ra còn gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác. Điều trị dứt điểm, đúng cách là việc làm cần thiết để nấm không có khả năng tái phát. Muốn vậy, chị em phải lựa chọn cho mình những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn chúng ta phương án điều trị tối ưu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital