Mổ nội soi sỏi tiết niệu và 5 thông tin cần biết để điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Mổ nội soi sỏi tiết niệu là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa an toàn và hiệu quả để loại bỏ sỏi kích thước lớn, ngăn chặn các biến chứng và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát sỏi. Phương pháp này thường được chỉ định khi các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn hơn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng…không mang lại hiệu quả. 

1. Tổng quan về bệnh sỏi đường tiết niệu

Sỏi tiết niệu là tình trạng xuất hiện các khối rắn như sỏi trong hệ tiết niệu do các khoảng chất có trong nước tiểu bị lắng đọng lâu ngày kết tinh lại. Sỏi đường tiết niệu phần lớn được hình thành tại thận. Sau đó chúng di chuyển theo dòng chảy nước tiểu và rơi xuống những vị trí thấp hơn như niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Căn cứ theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi oxalat, sỏi phosphat và sỏi cystin. Trong đó, sỏi canxi chiếm khoảng 80% trong tổng số các trường hợp sỏi tiết niệu.

Bệnh sỏi đường tiết niệu có thể diễn biến âm thầm hoặc dữ dội kèm theo những biến chứng khá phức tạp. Người bệnh có thể bị đau vùng thắt lưng kèm theo những rối loạn khi đi tiểu. Hoặc khi sỏi di chuyển có thể cọ sát vào niêm mạc đường niệu dẫn đến tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng. Từ đó làm nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận. Nguy hiểm hơn, sự xuất hiện của sỏi có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến nước tiểu bị ứ đọng gây giãn đài bể thận, suy thận hoặc vỡ thận. Do đó, sỏi tiết niệu cần phải được can thiệp và điều trị kịp thời, đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Sỏi tiết niệu cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra

Sỏi tiết niệu cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra

2. Điều trị sỏi tiết niệu và phương pháp phẫu thuật nội soi

Vị trí và kích thước sỏi tiết niệu quyết định phương pháp điều trị bệnh.

Nếu sỏi nhỏ chưa gây biến chứng, người bệnh thường được ưu tiên điều trị nội khoa. Bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc làm tan sỏi kết hợp với thuốc giãn cơ trơn, giảm đau và lợi tiểu. Sỏi sẽ dần được đào thải ra ngoài cơ thể theo đường tiểu. Thời gian người bệnh dùng thuốc kéo dài từ nhiều tháng đến vài năm. Điều này gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và tăng áp lực giải độc cho gan. Bên cạnh đó, phần lớn người bệnh đều bị tái phát sỏi sau vài năm ngưng điều trị.

Nhưng nếu sỏi lớn và gây biến chứng, người bệnh buộc phải can thiệp ngoại khoa lấy sỏi càng nhanh càng tốt. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ cao vào y học đang dần chiếm ưu thế. Trong đó, mổ nội soi sỏi tiết niệu là phương pháp điều trị an toàn, xâm lấn tối thiểu và hiệu quả cao. Các phương pháp mổ nội soi lấy sỏi bao gồm: nội soi lấy sỏi qua da và nội soi sau phúc mạc lấy sỏi. Mỗi phương pháp cho hiệu quả với sỏi tiết niệu ở kích thước và vị trí nhất định.

3. Các phương pháp phẫu thuật nội soi lấy sỏi tiết niệu

3.1. Mổ nội soi sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi qua da

Mổ nội soi sỏi tiết niệu qua da bằng laser là kỹ thuật nội soi lấy sỏi qua một đường hầm nhỏ khoảng 5mm. Đường hầm này chạy từ ngoài da vùng lưng hoặc hông lưng đi vào vị trí có sỏi. Sau đó đưa máy nội soi qua đường hầm để tiếp cận sỏi. Dùng năng lượng laser tán vụn sỏi rồi hút bỏ chúng ra ngoài theo đường hầm.

Tán sỏi qua da được thực hiện trong các trường hợp:

– Người bệnh có sỏi thận hoặc sỏi niệu quản đoạn trên kích thước trên 15mm.

– Người bệnh đã thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể nhưng thất bại hoặc chống chỉ định với tán sỏi ngoài cơ thể.

Phương pháp chống chỉ định với:

– Người bệnh bị rối loạn đông máu chưa được điều trị ổn định.

– Người bệnh viêm đường tiết niệu, lao niệu chưa điều trị ổn định.

– Phụ nữ mang thai.

– Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao: già yếu hoặc có nhiều bệnh lý kết hợp.

– Thận trọng với người bệnh có sỏi thận trên nền thận dị dạng, hẹp đài bể thận, dị dạng cột sống.

Tán sỏi qua da giúp giải quyết được những viên sỏi phức tạp mà tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi nội soi ngược dòng chưa xử lý được. Thời gian phẫu thuật nhanh chóng, trung bình khoảng 60 phút. Vết sẹo rất nhỏ nên ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi hoặc tái phát sỏi sau tán. Người bệnh nằm viện 3 ngày và có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Mổ nội soi sỏi tiết niệu qua da xâm lấn tối thiểu, không lo sót sỏi

Mổ nội soi sỏi tiết niệu qua da xâm lấn tối thiểu, không lo sót sỏi

3.2. Mổ nội soi sỏi tiết niệu sau phúc mạc

Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi là kỹ thuật sử dụng ống nội soi đi đi qua đường sau phúc mạc vào vị trí có sỏi. Sau đó tiến hành lấy sỏi thông qua lỗ Trocar.

Phương pháp này chỉ được chỉ định khi:

– Người bệnh có sỏi bể thận hoặc sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên, kích thước trên 25mm.

– Người bệnh đã điều trị bằng tán sỏi thận ngoài cơ thể, tán sỏi qua da hay tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng thất bại.

– Người bệnh có sỏi thận trên nền thận không bình thường về giải phẫu như hẹp khúc nối bể thận niệu quản cần phải phẫu thuật tạo hình…

– Người bệnh có sỏi thận thuộc loại khó phá vỡ như sỏi cystin.

Mổ nội soi lấy sỏi không được chỉ định khi:

– Người bệnh bị rối loạn chức năng đông máu chưa điều trị ổn định.

– Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính các cơ quan khác chưa điều trị ổn định.

Đây là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa an toàn và hiệu quả. Vết mổ nhỏ và ngắn giúp người bệnh không phải chịu nhiều đau đớn; không bị mất nhiều máu. Nhờ đó làm giảm nguy cơ phải truyền thêm máu và nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Thời gian lưu viện ngắn (khoảng 3-5 ngày). Thời gian hồi phục sức khỏe nhanh và người bệnh có thể sớm trở lại với cuộc sống hàng ngày.

4. Biến chứng sau mổ nội soi lấy sỏi đường tiết niệu

Phẫu thuật nội soi lấy sỏi là kỹ thuật can thiệp ngoại khoa an toàn, xâm lấn tối thiểu và  hiệu quả cao. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể gặp một vài biến chứng sau mổ như:

– Chảy máu trong và sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, rò nước tiểu hoặc tiểu ra máu.

– Tổn thương hoặc bị thủng niệu quản do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan khi tán sỏi qua da.

– Tổn thương các cơ quan lân cận quanh khu vực mổ nội soi lấy sỏi.

– Thận ứ nước bên có sỏi kèm theo hiện tượng đau thắt lưng và lan xuống bộ phận sinh dục.

– Sốt nhẹ và nhiễm trùng đường tiết niệu.

5. Chăm sóc người bệnh sau nội soi lấy sỏi

Chăm sóc người bệnh sau mổ nội soi sỏi tiết niệu cần chu đáo và cẩn thận. Người bệnh đặc biệt lưu ý:

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe sau mổ nội soi sỏi tiết niệu

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe sau mổ nội soi sỏi tiết niệu

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: ăn nhiều rau xanh, rau củ quả tươi… để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Không ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn, đồ ăn cay nóng, các thực phẩm giàu chất oxalat…để ngăn nguy cơ kết tinh hình thành tạo sỏi.

– Xây dựng chế độ sinh hoạt và lối sống lành mạnh: uống nhiều nước mỗi ngày, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, không hút thuốc lá và uống rượu bia…

– Khám bệnh theo định kỳ hàng năm để theo dõi tình trạng sức khỏe và có thể sớm phát hiện các dấu tái phát lại sỏi (nếu có).

Trên đây là những thông tin về các phương pháp mổ nội soi sỏi tiết niệu. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp ích được cho người bệnh hiểu rõ hơn về ưu – nhược điểm của các phương pháp, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital