Không phải ai cũng hiểu chính xác mổ nội soi là gì mặc dù đây là một phương pháp điều trị được áp dụng rất rộng rãi và phổ biến hiện nay. Ngày càng có nhiều người lựa chọn phẫu thuật nội soi vì nhiều ưu điểm vượt trội như ít đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh, không phải nằm viện lâu. Cùng tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật này qua bài viết sau.
Trong mổ nội soi thay vì tạo một vết rạch lớn như trước đây, bác sĩ phẫu thuật chỉ tạo một vài vết rất nhỏ, sau đó chèn dụng cụ nội soi có gắn nguồn sáng và camera vào một khu vực nhất định, chẳng hạn như ổ bụng, để quan sát các cơ quan nội tạng bên trọng và sửa chữa hoặc loại bỏ các mô.
Phẫu thuật nội soi lần đầu tiên được thực hiện ở động vật vào những năm 1900 và bắt đầu được chấp nhận như là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả ở những năm 1960.
Ban đầu kỹ thuật nội soi chỉ được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý. Sau đó các bác sĩ bắt đầu thực hiện những ca phẫu thuật, chẳng hạn như thắt ống dẫn trứng ở những phụ nữ nội soi ổ bụng. Kỹ thuật này đã được cải tiến và phát triển rất nhiều, cho đến nay kể cả những phẫu thuật mà trước kia bác sĩ thường phải tạo một vết rạch rất lớn như loại bỏ túi mật, đều có thể dược tiến hành bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn này.
Đối với bệnh nhân, mổ nội soi giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn, ít đau và ít để lại sẹo.
Phẫu thuật nội soi thường áp dụng
- Loại bỏ các cơ quan mắc bệnh như túi mật hoặc ruột thừa.
- Loại bỏ hoặc sửa chữa các phần có vấn đề của đại tràng hoặc dạ dày (hệ tiêu hóa)
- Loại bỏ hoặc sữa chữa bàng quang, niệu quản, hoặc thận (hệ thống tiết niệu)
- Loại bỏ hoặc sửa chữa các cơ quan sinh sản của phụ nữ, chẳng hạn như tử cung hoặc ống dẫn trứng
- Thắt ống dẫn trứng
- Loại bỏ thận trong trường hợp hiến thận cho người khác.
- Phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân.
- Điều trị bệnh thoát vị.
- Quan sát để tìm kiếm sự hiện diện của khối u ở gan và tuyến tụy.
- Nội soi thăm dò các bệnh lý khó chẩn đoán.
- Để theo dõi khối u ở bụng.
- Để xác định nguyên nhân đau bụng hoặc loại bỏ mô sẹo.
- Để tìm kiếm vị trí gây chảy máu trong hoặc tích tụ chất lỏng nếu bệnh nhân có huyết áp bình thường.
- Để theo dõi một chấn thương sau tai nạn.
Như ở bất kỳ loại phẫu thuật nào, người bệnh cần hạn chế không được ăn uống trong 8 giờ trước khi phẫu thuật, trừ các trường hợp mổ cấp cứu.
Trong quá trình nội soi, người bệnh sẽ được gây mê đồng nghĩa người bệnh sẽ mất ý thức hoàn toàn, không cảm thấy đau. Các bác sĩ gây mê sẽ tìm hiểu xem bệnh nhân có bị dị ứng với thuốc gây mê hay không để có những phương án điều chỉnh phù hợp.
Thời gian phục hồi sau mổ nội soi ngắn hơn nhiều so với mổ hở. Thậm chí người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Đối với những trường hợp này bệnh nhân nên có người nhà đi cùng để hỗ trợ việc lái xe về nhà. Bệnh nhân không nên đeo đồ trang sức hoặc mang theo bất cứ vật dụng đắt tiền nào trong khi mổ.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ hỏi về các loại thuốc hiện đang sử dụng, bao gồm cả chất bổ sung và thảo dược. Một số người có thể sẽ phải tạm ngừng sử dụng thuốc cho tới khi phẫu thuật hoàn thành. Điều này là rất quan trọng, đặc biệt với những người uống aspirin hoặc các thuốc làm loãng máu có thể gây khó khăn cho máu đông, đe dọa nguy hiểm khi phẫu thuật nội soi.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ cảm thấy hơi đau ở vết rạch. Để giảm bớt khó chịu, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau. Người bệnh cũng có thể sẽ phải tới bệnh viện trong 1 hoặc 2 tuần tiếp theo để loại bỏ chỉ khâu.
Khí CO2 được sử dụng trong quá trình phẫu thuật để bác sĩ quan sát rõ cơ quan nội tạng bên trong có thể gây đau vai sau thủ thuật. Một số dây thần kinh ở vai cũng hiện diện ở cơ hoành và các khí cũng có thể kích thích cơ hoành gây đau. Tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất sau một thời gian.
Áp lực từ khí có thể gây ra một cảm giác cần đi tiểu thường xuyên hơn và khẩn trương hơn. Tình trạng này cũng sẽ giảm dần theo thời gian.
Về chế độ ăn uống, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết lúc nào có thể bắt đầu ăn uống và ăn uống như thế nào để nhanh hồi phục hơn.