Đau răng là một trong các vấn đề răng miệng phổ biến hiện nay. Những cơn đau này có thể nhói lên hoặc âm ỉ trong thời gian dài gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, đồng thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu như không được chữa trị kịp thời. Bạn hãy tham khảo một số cách chữa đau răng hiệu quả dưới đây để giúp bạn giảm các cơn đau nhức răng nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân dẫn đến đau răng
Trước khi điều trị bạn nên xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đau răng để có cách chữa đau răng hiệu quả. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau nhức răng thường gặp:
– Răng bị sâu: Các loại vi khuẩn có hại trong miệng sẽ đâm thủng các lớn men rồi tiến dần vào lớp trong hình thành nên các lỗ sâu răng. Khi đó, người bệnh sẽ đau nhức răng, nếu chủ quan để lâu không điều trị có thể dẫn đến viêm tủy.
– Mắc các bệnh về nướu: Đây được xem là nguyên nhân khá phổ biến hiện nay khi vấn đề vệ sinh răng miệng không được chú trọng dẫn đến các mảng bám ở viền nướu tạo ra vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này tiết ra độc tố gây nên tình trạng viêm nướu và tiêu bất thường tại vùng xương bao quanh răng. Nó gây đau nhức cho răng, thậm chí gây nhiễm trùng răng.
– Răng khôn mọc lệch: Răng khôn là những răng vĩnh viễn mọc cuối cùng nên vị trí cho răng khôn khá hẹp. Do vậy dễ xảy ra tình trạng răng khôn mọc lệch, hay bị mắc kẹt giữa xương hàm và nướu. Ngoài ra, vị trí răng khôn mọc phía trong cùng nên vấn đề vệ sinh răng miệng khá khó, có thể gây ra tình trạng viêm nướu, đau nhức răng.
– Răng bị chấn thương hoặc bị nứt: Răng theo thời gian dễ suy yếu, nứt vỡ khi chịu tác động mạnh từ bên ngoài. Khi đó, răng của bạn có thể bị đau khi nhai thức ăn hoặc ê buốt khi tiếp xúc với đồ ăn nước uống có nhiệt độ nóng lạnh. Tùy vào tình trạng và vị trí vết nứt sẽ có biện pháp điều trị phù hợp khác nhau.
– Mắc hội chứng thái dương hàm: Nếu bạn gặp phải chấn thương khớp hàm, viêm cơ khớp xung quanh hàm… có thể dẫn đến tình trạng đau khớp thái dương hàm. Đây là khớp có vai trò giữ hàm ăn khớp với sọ nên khi mắc phải hội chứng thái dương hàm người bệnh sẽ bị đau nhức răng.
– Răng bị viêm tủy: Khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng sẽ làm cho tủy bị viêm. Triệu chứng của viêm tủy lúc đầu sẽ ê buốt với đồ ăn nóng lạnh về sau sẽ xuất hiện các cơn đau dữ dội kèm nguy cơ mất răng.
– Áp xe răng: Khi răng bị nhiễm trùng sẽ lan từ bên trong răng ra đến các vị trí xung quanh khác gây nên các tình trạng áp xe răng, viêm nướu, viêm tủy…
– Viêm xoang: Đây là vấn đề tưởng không liên quan đến răng miệng nhưng khi bạn bị viêm xoang sẽ ảnh hưởng đến phần chân răng ở hàm trên do gần với hốc xoang gây ra ê buốt răng.
2. Đau răng khi nào cần gặp bác sĩ
Dựa vào tình trạng đau nhức răng và nguyên nhân mà nha sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bạn nên đến gặp nha sĩ khi có những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, đặc biệt là một số trường hợp nghiêm trọng sau:
– Bạn bị đau răng kéo dài hơn 2 ngày trở lên và vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
– Mức độ đau nhức răng ngày càng tăng ở cường độ cao, đau lan sang các vùng khác như tai, khớp thái dương hàm…
– Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng nghiêm trọng khác kèm theo như lên cơn sốt, nướu sưng đỏ và có mủ, nhiễm trùng răng…Đặc biệt, khi bệnh nhân bị nhiễm trùng răng cần có biện pháp ngăn chặn mầm bệnh vi khuẩn lây sang các bộ phận xung quanh.
3. Một số cách chữa đau răng hiệu quả
3.1 Cách chữa đau răng hiệu quả bằng thảo dược
– Dùng tỏi và gừng giã nát với muối: Từ ngày xưa, gừng và tỏi là những nguyên liệu được mọi người sử dụng trong việc điều trị vết thương ngoài da. Các hoạt chất như allicin, glucogen, fitonxit… trong gừng và tỏi vừa giúp diệt vi khuẩn vừa có tác dụng giảm đau, kháng viêm. Bạn có thể sử dụng những nguyên liệu dễ kiếm này trong nhà để trị đau nhức răng miệng. Đầu tiên, bạn lấy gừng và tỏi giã nát theo tỉ lệ 1:1 thêm vào vài hạt muối. Sau khi đã trộn đều hỗn hợp này, bạn lấy que bông thấm vào những vị trí đau răng để xoa dịu cảm giác đau nhức, đồng thời ức chế các vi khuẩn gây hại trong miệng.
– Dùng đinh hương: Trong đinh hương có chứa eugenol là một hoạt chất sát khuẩn và giảm cảm giác đau. Vì vậy, đinh hương thích hợp để chữa đau răng, sưng nướu. Bạn hãy lấy tăm bông chấm vài giọt dầu đinh hương lên những vị trí răng đau. Hoặc một cách khác là có thể pha loãng dầu đinh hương với nước để súc miệng hằng ngày.
– Dùng tinh dầu cỏ xạ hương: Ở châu Âu, cỏ xạ hương không chỉ dùng trong các món ăn mà nó còn được sử dụng để điều trị nhiễm trùng lồng ngực. Trong cỏ xạ hương có chứa hoạt chất thymol có khả năng sát trùng, kháng khuẩn cao. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tinh dầu đinh hương pha loãng với nước ấm để sức miệng nhằm trị đau nhức răng.
– Dùng lá trầu không: Từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng lá trầu không để trị các vấn đề về răng miệng cực hữu hiêu. Trong lá trầu có chứa các hợp chất phenolic, có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Ngoài ra, lá trầu còn chứa các thành phần khác có vai trò làm săn chắc và tái tạo nướu, mô răng. Trước tiên, bạn lấy 3-4 lá trầu giã nát với vài hạt muối. Sau đó, bạn hòa một chén rượu trắng vào hỗn hợp này. Tiếp theo, bạn gạn lấy phần nước trong và dùng bông thấm vào những vị trí răng bị đau. Cuối cùng, bạn súc miệng lại nhiều lần bằng nước sạch và cảm nhận cơn đau răng đã giảm đi rõ rệt.
– Dùng tinh dầu bạc hà hoặc trà bạc hà: Trong bạc hà có chứa thành phần chính là menthol có tác dụng làm tê các vùng đau nhạy cảm, kháng khuẩn. Vì vậy, nó thích hợp trong việc hỗ trợ điều trị đau nhức răng. Bạn có thể sử dụng lá bạc hà phơi khô, sau đó hãm với nước ấm làm trà bạc hà để uống hoặc súc miệng hằng ngày. Một cách khác dành cho bạn nữa là dùng tinh dầu bạc hà tẩm trực tiếp lên những chỗ bị đau răng để xoa dịu cảm giác khó chịu của cơn đau.
3.2 Cách chữa đau răng hiệu quả bằng việc súc miệng
– Súc miệng bằng nước muối: Ngoài là gia vị cho các món ăn thì muối còn có khả năng kháng khuẩn, làm giảm viêm đau hiệu quả. Bạn có thể lấy khoảng một muỗng cà phê muối pha vào một cốc nước ấm hoặc mua nước muối sinh lý tại các tiệm thuốc tây để súc miệng và ngậm trong vòng 5 phút. Điều này giúp bạn loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong miệng và giúp giảm tê buốt, đau nhức răng.
– Súc miệng bằng nước oxy già: Nước oxy già dùng để sát khuẩn, giảm nhiễm trùng các vết thương trong y khoa. Do vậy, việc sử dụng nước oxy già để súc miệng giúp mang lại hiệu quả kháng khuẩn, giảm mảng bám, giảm chảy máu răng hữu hiệu. Bạn cần pha dung dịch hydrogen peroxide 3% và nước theo tỉ lệ 1:1 để có được nước súc miệng oxy già. Sau đó, bạn ngậm nước súc miệng oxy già trong 30 giây và nhổ ra, súc miệng lại nhiều lần với nước sạch. Bạn tuyệt đối không được nuốt nước oxy già và lưu ý khi dùng nước súc miệng oxy già cho trẻ nhỏ. Vì nếu chẳng may nuốt phải nước oxy già sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
3.3 Chữa đau răng hiệu quả bằng cách chườm đá hoặc chườm nóng
– Chườm đá lạnh: Khi bạn bị đau răng, đặc biệt trong trường hợp do chấn thương hoặc sưng nướu, bạn có thể lấy vài viên đá lạnh và bọc vào tấm vải sạch. Tiếp theo, bạn dùng túi đá chườm tại vị trí đang bị đau răng đến khi bạn thấy tê ở khu vực đó. Sau đó, bạn tạm nghỉ và tiếp tục lặp lại cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Đây là phương pháp giảm đau dựa vào cơ chế chặn tín hiệu đau tạm thời lên não và hạn chế lưu lượng máu đến khu vực này nhờ vào việc sử dụng nhiệt độ thấp từ đá lạnh.
– Chườm nóng: Ngoài việc chườm lạnh, bạn có thể chuyển sang chườm ấm bằng cách sử dụng băng gạc ấm để giúp xoa dịu cơn đau. Đầu tiên, bạn chườm lạnh lên vị trí đau khoảng 5 phút, sau đó chuyển qua chườm ấm. Bạn lặp lại động tác này vài lần cho đến khi cơn đau răng giảm hẳn.
3.4 Cách chữa đau răng hiệu quả bằng thuốc tây y
– Dùng một số gel hoặc thuốc tê bôi: Đây là một số loại thuốc gây tê liệt, tạm thời mất cảm giác đau do chứa các thành phần như benzocain. Bạn tuyệt đối không dùng các loại thuốc này cho trẻ em dưới 3 tuổi. Tốt nhất, khi sử dụng các loại thuốc này bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và tuân thủ dùng đúng liều lượng cho phép. Vì nếu dùng quá liều có nguy cơ gây ra tình trạng Methemoglobinemia hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong cho người dùng.
– Dùng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen, aspirin… thường được dùng để hỗ trợ giúp giảm cơn đau nhức răng hiệu quả, nhanh chóng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo. Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng bị hạn chế dùng thuốc giảm đau vì nguy cơ tác dụng phụ của thuốc. Hiện nay, một số loại thuốc như ibuprofen, aspirin không được tự ý dùng cho trẻ em nếu không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là dùng aspirin ở trẻ em có nguy cơ cao xảy ra hội chứng Reye nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Qua bài viết này, bạn có thể lựa chọn cho mình những mẹo chữa đau răng khá đơn giản, ít tốn kém, hoàn toàn phù hợp để có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các phương pháp này chỉ góp phần giúp bạn bớt đau nhức răng tạm thời, không trị triệt để gốc rễ nguyên nhân vấn đề và có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn nếu bạn dùng sai cách. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tìm đến các bác sĩ nha khoa để được tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.