Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) được coi là “vị cứu tinh” giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng theo cảm tính, thiếu hiểu biết có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những lưu ý về cách lựa chọn và sử dụng nhóm thuốc này một cách an toàn và hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn
Hiện nay, thuốc giảm đau không kê đơn được chia thành hai nhóm chính:
– Thuốc dùng giảm đau hạ sốt (Paracetamol) dùng để giảm đau đầu, hạ sốt, giảm đau nhức cơ bắp,… Thuốc này an toàn cho hầu hết mọi người, bao gồm phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em.
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau nhanh chóng, hạ sốt và chống viêm hiệu quả. Có thể kể đến như Ibuprofen, Naproxen,… Tuy nhiên, NSAID có thể gây ra một số tác dụng phụ như loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa,… Do vậy, cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là ở người có tiền sử bệnh dạ dày, tim mạch,…
2. Lưu ý khi chọn và dùng thuốc để đảm bảo an toàn
2.1. Lựa chọn thuốc dựa vào nguyên nhân và mức độ đau
Xác định nguyên nhân gây đau là bước đầu tiên để lựa chọn thuốc phù hợp. Paracetamol phù hợp để giảm đau đầu, hạ sốt, giảm đau nhức cơ bắp do cảm cúm, cảm lạnh,… Trong khi đó, NSAID hiệu quả hơn trong việc giảm đau do viêm khớp, đau lưng,…
Cần lựa chọn loại thuốc có hiệu quả phù hợp với mức độ đau của bạn:
– Paracetamol thường được sử dụng cho các cơn đau nhẹ đến vừa.
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể cần thiết cho các cơn đau nặng hơn.
2.2. Tuổi tác
Khi già đi, cơ thể trải qua nhiều thay đổi sinh lý có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của thuốc giảm đau. Điển hình là tuổi càng cao thì chức năng của gan và thận càng suy giảm. Lúc này khả năng xử lý thuốc của cơ thể cũng giảm, dẫn đến tăng nguy cơ tác dụng phụ.
2.3. Nguy hiểm khi dùng cùng đồ uống có cồn
Sử dụng thuốc điều trị giảm đau và đồ uống có cồn cùng lúc có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng,
– Cả hai đều gây hại cho gan nên khi sử dụng cùng lúc sẽ gia tăng tổn thương gan, bao gồm suy gan.
– Thuốc với tác dụng giảm đau có thể làm tăng tác dụng an thần của rượu, dẫn đến buồn ngủ, chóng mặt, mất cân bằng và suy giảm khả năng phán đoán. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tai nạn, té ngã và các chấn thương khác.
– Rượu có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc giảm đau, khiến bạn cần dùng nhiều thuốc hơn để đạt được hiệu quả mong muốn. Nguy cơ quá liều là không tránh khỏi.
2.4. Dạ dày nhạy cảm hãy cẩn trọng
Một số loại thuốc điều trị giảm đau không kê đơn như Ibuprofen và Naproxen có thể ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa:
– Kích ứng niêm mạc dạ dày.
– Loét hoặc chảy máu dạ dày.
Nếu dạ dày của bạn nhạy cảm, hãy bảo vệ bằng cách hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc có tác dụng giảm đau khác, với liều thấp hơn và an toàn hơn.
2.5. Thuốc giảm đau làm thận quá tải
Người cao tuổi, người có bệnh thận hoặc người đang sử dụng các loại thuốc khác có thể gặp tình trạng thận bị quá tải nếu dùng thuốc giảm đau.
Thận vốn có chức năng lọc chất thải, giữ cân bằng chất lỏng và chất điện giải nhưng nhóm thuốc NSAID sẽ cản trở thận thực hiện nhiệm vụ này. Nếu sử dụng thường xuyên có thể khiến chức năng thận suy giảm, nhất là những người mắc bệnh thận.
Nếu bị bệnh thận mạn tính, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nhóm thuốc NSAID.
2.6. Đọc kỹ nhãn thuốc là rất cần thiết
Đây là việc làm cực kỳ cần thiết, bạn không nên bỏ qua vì sẽ giúp:
– Nắm rõ thành phần, công dụng của thuốc. Nhãn thuốc cung cấp thông tin chi tiết về thành phần hoạt chất, tá dược, công dụng và cách sử dụng thuốc. Nhờ vậy, bạn có thể biết được loại thuốc này có phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình hay không, đồng thời hiểu rõ tác dụng và cách thức hoạt động của thuốc để sử dụng hiệu quả.
– Xác định liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp. Việc tuân thủ liều lượng và thời gian dùng thuốc đúng cách sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả giảm đau tối ưu và hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.
– Nhận biết chống chỉ định và tác dụng phụ. Nhãn thuốc cảnh báo về những trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc, ví dụ như dị ứng với thành phần thuốc, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người có bệnh lý nền,… Cùng với đó, nhãn thuốc cũng liệt kê các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc, giúp bạn chủ động theo dõi và xử lý nếu gặp phải.
– Tương tác thuốc. Nhãn thuốc có thể cung cấp thông tin về các loại thuốc khác có thể tương tác với thuốc giảm đau, dẫn đến giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.
– Bảo quản thuốc đúng cách. Việc bảo quản thuốc đúng cách sẽ giúp giữ nguyên chất lượng và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng.
2.7. Người bệnh tim mạch thận trọng kẻo dùng sai thuốc
Thuốc điều trị giảm đau không kê đơn có thể là là mối đe dọa với những người có vấn đề về tim.
Những người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhóm thuốc NSAID. Vì các thuốc này thường không được khuyến khích sử dụng.
2.8. Thuốc giảm đau và mối nguy tới gan
Tuy các loại thuốc dùng để giảm đau được đánh giá khá an toàn nhưng không thể bỏ qua nguy cơ rủi ro, dù chỉ rất nhỏ.
– Paracetamol có tác dụng giảm đau rất tốt nhưng nó có thể ảnh hưởng đến gan. Nếu dùng quá liều càng làm tổn thương gan nghiêm trọng .
– Nếu bạn bị xơ gan thì nên tránh dùng thuốc NSAID hoàn toàn. Thay vào đó chỉ chỉ sử dụng Paracetamol với liều lượng nhỏ. Tốt nhất cần trao đổi trước với bác sĩ để xem đâu là thuốc dùng giảm đau phù hợp với bạn.
2.9. Phụ nữ có thai không nên tự ý dùng thuốc
Khi mang thai, hầu hết mọi thứ đi vào cơ thể người mẹ đều đến được với em bé. Nhóm thuốc chống viêm Steroid (NSAID) thường không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ do tăng nguy cơ biến chứng ở trẻ sơ sinh.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa để tìm ra phương pháp điều trị an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Như vậy. bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về cách lựa chọn và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn một cách an toàn nhất. Hãy ghi nhớ những lưu ý trên để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình nhé.