Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến ở mắt (bên cạnh cận thị và viễn thị). Vậy, loạn thị là gì và đâu là nguyên nhân gây ra loạn thị? Người bị loạn thị có chữa khỏi được không? Để giải đáp những thắc mắc này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Loạn thị là gì?
1.1 Khái niệm
Loạn thị (hay hội chứng Astigmatism) được biết đến là một trong các loại tật khúc xạ của mắt. Khi mắt bị loạn thị, giác mạc có hình dạng khác thường. Các tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ tại một điểm thì lại khuếch tán trên võng mạc. Đây chính là nguyên nhân khiến mắt người bị loạn thị có cảm giác bị nhoè, hình ảnh méo mó khi nhìn.
Loạn thị được chia thành hai dạng chính là:
– Loạn thị giác mạc: tình trạng giác mạc bị lệch.
– Loạn thị thấu kính: tình trạng ống kính bị lệch.
Người mắc tật loạn thị thường mắc kèm theo các tật khác của mắt như cận thị hay viễn thị.
1.2 Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra tật loạn thị là do có sự biến dạng của giác mạc.
Bình thường, giác mạc có hình dạng uốn cong như quả bóng tròn, giúp tia sáng tụ lại tại một điểm ở trên võng mạc. Tuy nhiên, khi mắc tật khúc xạ, giác mạc thường có hình quả trứng với hai đường cong khác nhau. Các tia sáng đi vào mắt sẽ hội tụ tại hai hoặc nhiều điểm trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được trở nên mờ hoặc méo mó.
Ngoài sự biến dạng giác mạc, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân gây loạn thị là:
– Do di truyền.
– Do sẹo để lại sau một số phẫu thuật ở mắt hoặc chấn thương mắt.
– Do bệnh lý Keratoconus khiến cho giác mạc bị thoái hoá và biến dạng thành hình chóp.
– Sinh thiếu tháng cũng là một trong các nguyên nhân khiến trẻ bị mắc tật loạn thị.
Như vậy, có thể thấy những người có người thân mắc tật loạn thị hoặc các rối loạn ở mắt, người từng bị chấn thương mắt, người từng trải qua phẫu thuật mắt, và những người mắc các tật/bệnh lý về mắt ở mức độ nặng thường có nguy cơ cao mắc phải tật loạn thị.
1.3 Đối tượng thường gặp
Loạn thị thường có nguy cơ xảy ra cao ở một số đối tượng sau:
– Người có người thân trong gia đình bị mắc tật loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt. Đặc biệt, nếu có cả bố và mẹ bị loạn thị thì nguy cơ bị tật loạn thị là tương đối cao.
– Người từng bị tổn thương vùng mắt, sẹo giác mạc.
– Người bị cận thị hoặc viễn thị ở mức độ quá nặng.
– Người có tiền sử phẫu thuật mắt (VD: phẫu thuật đục thủy tinh thể).
– Người cao tuổi: tuổi tác cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắt bị loạn thị. Thực tế, người cao tuổi có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn so với người trẻ.
2. Triệu chứng người bị loạn thị
Triệu chứng của người bị loạn thị là gì? Khi mắt bị loạn thị, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng ban đầu sau:
– Mắt nhìn hình ảnh hay bị mờ, nhòe hoặc méo mó.
– Tầm nhìn đôi (nhìn đôi được hiểu là nhìn một vật thành hai hoặc ba bóng mờ).
– Gặp khó khăn khi nhìn ở hầu hết mọi khoảng cách.
– Một số dấu hiệu khác kèm theo: nhức mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, đau cổ, đau vai gáy,…
Thông thường, loạn thị thường xảy ra chậm trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, người bị loạn thị dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu của tật. Để bảo vệ mắt, bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu có bất kỳ sự thay đổi thị lực nào.
Việc khám mắt kỹ lưỡng và toàn diện sẽ giúp bác sĩ xác định được các vấn đề ở mắt nói chung và tật loạn thị nói riêng. Một số kiểm tra có thể được thực hiện như: đo thị lực, đo độ cong của giác mạc, kiểm tra khúc xạ, bản đồ giác mạc,…
3. Điều trị loạn thị như thế nào?
Trong một số trường hợp nhẹ, tật loạn thị có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu bị nặng, bạn cần áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp để tránh gây ra nhược thị. Một số phương pháp điều trị loạn thị phổ biến hiện nay là:
– Dùng kính thuốc: hầu hết các trường hợp mắt loạn thị đều có thể điều chỉnh bằng kính thuốc. Đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả cao, ít để lại biến chứng và được áp dụng tương đối rộng rãi. Bạn nên tìm hiểu và đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn loại kính phù hợp.
– Phẫu thuật: được áp dụng trong một số trường hợp loạn thị nặng và không thể điều chỉnh bằng kính thuốc. Theo đó, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser hoặc dao vi phẫu để định hình lại giác mạc trong mắt. Một số loại phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là: LASIK (định hình nhu mô giác mạc), PRK (cắt bỏ biểu mô giác mạc), LASEK (định hình giác mạc vạt dưới biểu mô).
– Sử dụng Ortho-K: đây là phương pháp điều trị sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K. Loại kính này được thiết kế tương đối đặc biệt. Bạn chỉ cần đeo kính khoảng 6 – 8 giờ mỗi ngày (thường là vào ban đêm, trong lúc ngủ). Kính có tác dụng định hình lại giác mạc, giúp mắt có thể duy trì nhìn rõ suốt cả ngày hôm sau mà không cần đeo thêm kính. Cứ như vậy, lặp lại quy trình đeo kính hàng ngày vào ban đêm để có thị lực tốt vào ngày hôm sau.
4. Các biện pháp phòng ngừa
Đối với trường hợp loạn thị do di truyền, thường sẽ không thể phòng tránh. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế và phòng ngừa các nguyên nhân còn lại bằng cách:
– Hạn chế tối đa các tổn thương mắt xảy ra;
– Luôn làm việc ở nơi có đầy đủ ánh sáng, tránh nơi quá tối;
– Đeo kính bảo vệ mắt nếu phải tiếp xúc với nguồn sáng quá mạnh và chói;
– Dành thời gian để mắt nghỉ ngơi khi làm việc liên tục trước máy tính, đọc sách hay làm các công việc tỉ mỉ khác;
– Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý về mắt (nếu có), tránh gây biến chứng loạn thị;
– Khi đã bị loạn thị thì phải đi khám và điều trị sớm, tránh để tật loạn thị diễn biến nặng;
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất cho mắt. VD: cá, thức ăn giàu vitamin A (gấc, cà rốt, cà chua),…;
– Duy trì đi khám mắt định kỳ để kiểm tra sức khỏe và tình trạng của mắt.
Tóm lại, loạn thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến cần được phòng ngừa ở mắt. Thông qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đọc đã trả lời được câu hỏi “loạn thị là gì”. Để được kiểm tra kỹ càng tình trạng của mắt, hãy liên hệ với chúng tôi và đặt lịch khám ngay hôm nay nhé!