Việc ra nhiều khí hư giai đoạn đầu và giữa thai kỳ là điều bình thường nhưng khi khí hư đổi màu chính là báo hiệu cơ thể mẹ có vấn đề. Vậy, màu sắc khí hư khi mang thai 3 tháng đầu phản ánh điều gì?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về khí hư khi mang thai 3 tháng đầu
Thời kỳ đầu mang thai, do thay đổi nội tiết, cơ thể mẹ bầu sẽ tăng tiết dịch âm đạo và màu sắc dịch cũng thay đổi từ trắng trong sang ngà vàng. Việc mang thai 3 tháng đầu ra dịch nâu nếu kéo dài sẽ khiến nhiều người lo lắng. Đây là hiện tượng cảnh báo những bất ổn trong cơ thể mẹ hoặc những biến chứng thai nhi nguy hiểm.
Nếu dịch màu nâu chỉ xuất hiện 2-5 ngày thì bạn đừng lo lắng. Quá trình thụ tinh thường có hiện tượng chảy máu nhẹ nên dịch màu nâu này chính là báo hiệu thụ thai thành công.
2. Khí hư màu nâu
Khí hư màu nâu cũng có thể là báo hiệu của sự rối loạn nội tiết do cơ thể mẹ lúc này có sự thay đổi lớn về hormone. Mẹ bầu chỉ cần có chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh để ổn định nội tiết, vệ sinh vùng kín sạch sẽ là hiện tượng này sẽ chấm dứt.
Nếu dịch màu nâu ra nhiều kèm theo mùi hôi, ngứa vùng kín thì đây lại là dấu hiệu của các bệnh viêm, nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu hoặc mang thai ngoài tử cung… Thậm chí, đây là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư cổ tử cung. Mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ ngay nếu như có dấu hiệu này.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu tình hình sức khỏe mẹ bất ổn, âm đạo tiết khí hư màu nâu, lẫn máu đỏ tươi, đau bụng dưới, mỏi thắt lưng, xuất huyết âm đạo và đau bụng, nhưng cổ tử cung vẫn đóng kín, hoặc mở nhưng các bộ phận của bào thai chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung là dấu hiệu nguy cơ dọa sảy thai. Bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.
3. Khí hư màu trắng
Mang thai 3 tháng đầu ra dịch màu trắng là điều bình thường bởi lúc này, nội tiết tố nữ estrogen và hormone thai nghén đang rất cao, khiến dịch âm đạo tiết ra nhiều để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Khí hư sinh lý bình thường của phụ nữ mang thai có màu trắng như lòng trắng trứng hoặc hơi ngà vàng, không mùi hoặc mùi hăng nhẹ.
Nhưng khi khí hư chuyển sang màu trắng đục kèm theo triệu chứng ngứa âm hộ, huyết trắng dính thành từng mảng và có mùi hôi thì rất có thể bạn đã nhiễm vi nấm Candida albicans.
Chính nhờ môi trường âm đạo thời kỳ mang thai luôn ẩm ướt cộng thêm mức hormone estrogen luôn cao nên các loại nấm mới có điều kiện sinh sản. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy nấm nguy hiểm cho thai nhi nhưng khi mẹ bầu bị nhiễm nấm thì con sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Thai nhi có thể sẽ mắc bệnh do lây qua đường âm đạo của mẹ trong lúc sinh. Khi đó, các bác sĩ sẽ có các loại thuốc bôi hoặc nhỏ giọt phù hợp để điều trị cho trẻ.
Khi nhận thấy khí hư chuyển sang màu trắng đục và mùi hôi bất thường bạn cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Mẹ bầu cần giữ vệ sinh vùng kín, mặc đồ lót cotton, tránh các loại quần bó sát để hạn chế sự sinh sôi của nấm và vi khuẩn.
4. Khí hư màu vàng
Khí hư khi mang thai 3 tháng đầu ra dịch màu vàng nhạt và không mùi thì là dấu hiệu hoàn toàn bình thường nhưng nếu dịch nhầy vàng kèm theo triệu chứng ngứa vùng kín, có mùi chua, sủi bọt… thì bạn hãy tới gặp bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm cần can thiệp y khoa.
6 loại bệnh thường có dấu hiệu là khí hư màu vàng bao gồm:
– Ung thư cổ tử cung: nguy số lượng bà bầu mắc căn bệnh này chỉ có 3% nhưng nếu thấy có khí hư màu vàng, nâu, màu máu kèm mùi hôi thì hãy kiểm tra ngay nhé.
– Viêm vùng chậu: biểu hiện của bệnh này cũng là âm đạo tiết dịch màu vàng, mùi hôi kèm đau bụng dưới, đau khi quan hệ.
– Mụn cóc sinh dục: căn bệnh này rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai. Những mụn cóc mọc ở thành âm đạo có thể làm giảm khả năng căng của các mô âm đạo lúc sinh nở. Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con khiến bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ mụn cóc trong miệng trẻ để tránh tắc thở.
– Bệnh lậu: triệu chứng điển hình của bệnh này là dịch âm đạo có màu vàng, đau khi đi tiểu. Bệnh truyền từ mẹ sang con nên cực kỳ nguy hiểm.
– Nhiễm trùng Chlamydia: đây là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục, tuy nhiên, nó không gây nguy hiểm cho thai nhi. Mẹ bầu chỉ cần khám thai đúng lịch và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ là trị được bệnh.
– Viêm âm đạo: các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định loại nấm gây viêm nhiễm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khí hư đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, mẹ bầu hãy luôn theo dõi để kịp thời phát hiện thay đổi hay dấu hiệu bất thường của nó để nắm được tình hình sức khỏe của mẹ và bé.
Trong thai kỳ, để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của mình, ngoài việc có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, mẹ còn cần tiến hành thăm khám thai, siêu âm, xét nghiệm đúng định kỳ để phát hiện và sớm nhất những bất thường trong thai kỳ nếu có.
Trên đây, bài viết đã đề cập chi tiết về khí hư và biểu hiện bệnh lý của màu sắc khí hư để mẹ bầu có thể nhận biết rõ ràng. Nếu bạn đọc còn câu hỏi thắc mắc, hãy liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.
Ngoài ra, thai phụ đừng quên đi khám thai định kì theo các mốc tuần thai quan trọng để bác sĩ kiểm tra, theo dõi sát sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.