Insulin là gì? Khi nào người bệnh được chỉ định dùng insulin?

Insulin là hormone đóng vai trò quan trọng với bệnh đái tháo đường. Nếu bạn đang mắc đái tháo đường hoặc có người thân trong gia đình mắc đái tháo đường hãy bắt đầu tìm hiểu insulin là gì và những trường hợp nào được sử dụng insulin?

Menu xem nhanh:

1. Insulin là gì? Có vai trò với bệnh gì?

1.1. Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào Beta (β) của đảo tụy. Insulin được coi là hormone đồng hóa chính của cơ thể, làm nhiệm vụ điều hòa chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, protein trong cơ thể bằng cách thúc đẩy quá trình hấp thụ glucose từ trong máu vào gan, mỡ và cơ xương.

Sự cân bằng của hormone insulin giữ vai trò điều chỉnh ổn định đường huyết. Các trường hợp insulin ở mức quá thấp hoặc quá cao là cho lượng đường huyết bị rối loạn có thể gây ra những vấn đề sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng.

Insulin là gì?

Insulin là loại hormone quan trọng đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh các chuyển hóa trong cơ thể.

1.2. Vai trò của insulin là gì?

Insulin có ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển hóa đường trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn tới bệnh đái tháo đường. Theo đó, insulin chính là hormone đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường.

Cụ thể, insulin giúp ức chế quá trình chuyển hóa glycogen thành glucose và đi vào máu (glycogen là một dạng dự trữ của glucose trong gan và mô mỡ). Theo đó, nếu thiếu hụt insulin thì quá trình chuyển hóa thành glucose sẽ diễn ra không ngừng và đưa một lượng glucose thừa thãi vào máu gây ra bệnh đái tháo đường.

Vai trò của insulin với bệnh đái tháo đường thể hiện qua các cơ chế sau:

– Insulin tăng cường quá trình hấp thu đường glucose.

– Insulin tăng cường hoạt tính để tổng hợp glycogen, chuyển glucose về dạng dự trữ, không đi vào máu.

– Insulin ức chế enzyme phosphorylase giúp làm chậm quá trình chuyển hóa từ glycogen thành glucose.

2. Trường hợp được chỉ định điều trị dùng insulin

Người bệnh thăm khám bác sĩ chuyên khoa và chỉ thực hiện dùng insulin khi có chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị bằng insulin được thực hiện ở những trường hợp sau:

– Bệnh nhân đái tháo đường type 1 sẽ bắt buộc phải thực hiện điều trị bằng insulin.

– Trường hợp cấp cứu tiền hôn mê hoặc bị hôn mê do đái tháo đường.

– Bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã điều trị phối hợp các loại thuốc dạng uống nhưng không mang lại hiệu quả.

– Bệnh nhân đái tháo đường mắc các bệnh nhiễm khuẩn nặng hoặc bị gầy sút cân nhiều, bị suy dinh dưỡng.

– Bệnh nhân đái tháo đường có các biến chứng tổn thương cơ quan như đột quỵ não, suy thận do đái tháo đường, nhồi máu cơ tim,…

– Bệnh nhân đái tháo đường cần được ổn định lượng đường máu trước, trong và sau khi phẫu thuật.

– Người bệnh bị đái tháo đường trong giai đoạn mang thai.

Trường hợp chỉ định dùng insulin

Người bệnh thăm khám chuyên khoa và chỉ thực hiện điều trị bằng insulin khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

3. Các loại insulin dùng trong điều trị cho bệnh nhân tiểu đường

Insulin là liệu pháp điều trị phổ biến dành cho bệnh nhân tiểu đường. Các loại insulin được chỉ định sẽ chia theo mức độ tác dụng của thuốc gồm có:

3.1. Insulin tác dụng nhanh và ngắn

Insulin tác dụng nhanh và ngắn sẽ thường được tiêm trực tiếp dưới da. Loại insulin này sẽ phân ly nhanh thành các monomer và quá trình hấp thu diễn ra rất nhanh chóng, sau khoảng 1 giờ tiêm thuốc sẽ đạt đỉnh hấp thu.

Do loại thuốc này có tác dụng rất nhanh nên người dùng cần lưu ý về lượng carbohydrate dung nạp trong bữa ăn.

3.2. Insulin tác dụng trung bình

Đối với insulin cho tác dụng trung bình, thuốc sẽ cho tác dụng kéo dài hơn có sự phối hợp giữa insulin zinc hòa tan và protamine zinc insulin. Sau khi được tiêm dưới da, loại thuốc này sẽ bắt đầu có tác dụng sau 2-4 giờ đồng hồ, đạt đỉnh hấp thu sau 6-7 giờ và có thời gian kéo dài tới khoảng 10-20 giờ. Loại insulin tác dụng trung bình cần tiêm 2 lần mỗi ngày để mang lại hiệu quả điều trị tốt.

3.3. Insulin tác dụng chậm và kéo dài (Insulin nền)

Loại insulin này được nhập vào tuần hoàn máu từ 1-2 giờ sau tiêm và có thể có hiệu quả trong một khoảng thời gian dài lên đến 24 giờ. Ưu điểm của insulin tác động chậm là không có đỉnh hấp thu rõ rệt, hoạt động của loạn insulin này gần tương tự như insulin tụy thông thường.

3.4. Insulin hỗn hợp

Insulin hỗn hợp là loại insulin trộn sẵn từ 2 loại insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng dài trong cùng một loại hoặc trong cùng một mũi tiêm. Vì là insulin trộn nên thuốc sẽ thể hiện đồng thời 2 tác dụng. Một là đỉnh hấp thu của insulin tác dụng nhanh đối với lượng carbohydrate trong bữa ăn và tác dụng của insulin dài để tạo nồng độ insulin nền. Vì vậy, insulin hỗn hấp được sử dụng khá là phổ biến.

Các loại insulin

Có 4 loại insulin phổ biến tương ứng với mức độ tác dụng khác nhau.

4. Những lưu ý quan trọng liên quan đến insulin

– Insulin không gây nghiện, không gây đau và không gây biến chứng hay tử vong.

– Việc điều trị bằng insulin không có nghĩa bệnh tình của bạn đã ở giai đoạn cuối.

– Insulin là loại thuốc giúp hạ đường huyết mạnh nhất, thuốc không có giới hạn liều dùng.

– Insulin chỉ được dùng qua đường tiêm dưới da tại các vị trí thường ở bụng, cánh tay và đùi.

– Insulin được sử dụng truyền tĩnh mạch trong các trường hợp cấp cứu hôn mê do nhiễm ceton acid, trong lúc thực hiện phẫu thuật hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu.

– Các trường hợp bị thiếu insulin nặng có thể dùng điều trị chỉ bằng insulin.

– Insulin trộn sẵn có thể dùng tiêm được 2 lần mỗi ngày vào trước bữa sáng và trước bữa chiều. Insulin trộn sẵn loại analog có thể dùng tiêm 3 lần một ngày.

– Ở trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh khác nhau có thể điều chỉnh liều dùng insulin 3-4 lần/ngày.

Hiểu đúng insulin là gì, tác dụng, chỉ định và hướng dẫn sử dụng insulin sẽ là kiến thức cần thiết với người bệnh tiểu đường. Tốt hơn hết, người bệnh cần phải thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ đánh giá đầy đủ về tình trạng bệnh, từ đó hướng dẫn phương án điều trị chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital