Cách lấy dị vật trong mũi bé cần được xem xét và thực hiện cẩn thận, phòng ngừa vấn đề phát sinh và tránh những biến chứng hoặc tai nạn có thể xảy ra. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào hiện nay cũng đã nắm bắt được những vấn đề này và xử trí đúng cách với tình trạng dị vật trong mũi bé.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan dị vật trong mũi của trẻ
Do vô tình, không ý thức hay do tò mò, nghịch ngợm nên ở trẻ rất dễ xảy ra tình trạng dị vật trong mũi. Quanh trẻ, mọi thứ đều có thể trở thành dị vật mũi:
– Các đồ vô cơ: là các đồ vật nhựa, kim loại, thủy tinh,… như mẩu đồ chơi, miếng nilon, các đồ chơi như viên bi,…
– Vật hữu cơ: như thức ăn, mẩu xốp, gỗ, khăn giấy, các loại hạt, thuốc, đất sét,…
Đặc biệt, các loại pin cúc áo (pin đồng hồ, pin đồ chơi,…) hay vật có hóa chất khi bị mắc kẹt trong mũi có thể gây những thương tổn nghiêm trọng cho mũi khi mắc kẹt trong mũi ít nhất 4 giờ.
Với bản thân mỗi chúng ta, dị vật mũi có thể rất dễ nhận biết với cảm giác vướng cộm trong mũi. Tuy nhiên, với trẻ, đặc biệt là những trẻ chưa thể giao tiếp rõ ràng hoặc những trẻ hiếu động dễ xảy ra tình trạng dị vật mũi bỏ quên, thì cha mẹ và người lớn trong nhà cần nhận biết triệu chứng điển hình để nghi ngờ bệnh đúng lúc, giúp con xử lý kịp thời.
1.1. Dấu hiệu
Để nhận biết dị vật trong mũi trẻ, cha mẹ chú ý một số vấn đề như:
– Trẻ tự nói (với trẻ có thể ý thức được vấn đề dị vật cũng như giao tiếp thông thường). Hoặc, trong tình huống khác là người thân phát hiện và nói với cha mẹ về việc con nhét dị vật vào mũi.
– Chảy dịch mũi: Trẻ có thể chảy dịch mũi một bên hoặc cả hai bên, nhưng thông thường là chảy một bên cánh mũi có dị vật. Dịch mũi trong, lỏng cho thấy dị vật mới xuất hiện. Còn tình trạng dị vật lâu ngày, viêm nhiễm có thể được biểu hiện với tình trạng dịch nhầy đặc, có màu, thậm chí là có mùi.
– Trẻ ngứa mũi, dụi mũi: Hành động này là phản ứng của việc dị vật trong mũi gây ngứa mũi, khó chịu. Do đó, trẻ thường có hành động nhăn mũi, dụi mũi, thậm chí là ngoáy mũi.
– Kêu đau mũi: Dị vật lớn hoặc dị vật sắc cạnh đều có thể đâm vào mũi trẻ, gây đau, nhiều trường hợp kèm chảy máu.
– Nghẹt mũi, giọng cảm: Dị vật mũi gây nghẹt mũi, đồng thời có thể khiến giọng của trẻ thay đổi như bị cảm vì tình trạng nghẹt mũi.
– Thở rít, ngủ ngáy: Đường thở bị dị vật bao giờ cũng làm cản trở luồng không khí ra vào ở mũi. Vì thế, trẻ có dị vật trong mũi thường thở kèm tiếng rít ở mũi, ngủ ngáy.
– Sốt: Dị vật trong mũi lâu ngày gây viêm nhiễm sẽ gây tình trạng sốt. Chính vì thế, cha mẹ không nên chủ quan trước vấn đề sốt của con.
1.2. Biến chứng
Dị vật trong mũi lâu ngày có thể khiến trẻ vướng phải các vấn đề bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm mũi, xoang, viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm tai giữa cấp,…
Ngoài ra, việc xử trí không đúng cách có thể khiến dị vật mũi rơi xuống hầu họng hoặc dạ dày, trở thành dị vật đường thở hoặc dị vật đường ăn uống. Khi đó, những vấn đề về viêm nhiễm đường tiêu hóa, đường thở, thậm chí là tình trạng khó thở, tắc thở rất có thể sẽ xảy ra và gây nguy hiểm cho bé.
Chính vì thế, cha mẹ nên chủ động phòng ngừa, phát hiện nhanh và điều trị sớm cho bé khi bé có tình trạng dị vật mũi.
2. Cách lấy dị vật ở trong mũi bé đúng cách
Trước tiên, cha mẹ cần xác định: với trẻ nhỏ có dị vật mũi, khi tiến hành lấy dị vật cho trẻ, cần người hỗ trợ cố định để không xảy ra vấn đề tai nạn khi thực hiện xử lý dị vật cho trẻ. Bên cạnh đó, không cố thực hiện lấy dị vật trong mũi trẻ khi trẻ không đáp ứng phương pháp.
2.1. Xì mũi đẩy dị vật
Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ lấy hơi nhẹ nhàng, sau đó, bịt một cánh mũi không có dị vật và xì mạnh để lợi dụng lực từ hơi thở đẩy dị vật ra ngoài.
Chú ý: Thực hiện cách này với những trẻ lớn và dị vật trong mũi trẻ không quá lớn.
2.2. Gắp dị vật
Sử dụng một kẹp nhọn, nhỏ, phù hợp với mũi trẻ để gắp dị vật trong mũi trẻ cũng là một cách mà cha mẹ nên lưu tâm để thực hiện cho con cái. Cách này sẽ được áp dụng với những dị vật có khả năng gắp mà không bị trượt như giấy, nilon, bông,…
Chú ý: Với trường hợp dị vật đóng cứng theo dịch nhầy, cha mẹ không áp dụng những cách này bởi có thể làm trẻ bị đau, Khi này, việc làm mềm dịch là điều cần thiết trước khi gắp dị vật. Cha mẹ nên nhờ các bác sĩ tai mũi họng thực hiện điều này để đảm bảo an toàn cho trẻ.
2.3. Cho trẻ thăm khám
Với trẻ nhỏ, dị vật khó hoặc cha mẹ không đủ dụng cụ để thực hiện gắp dị vật, cha mẹ không nên cố lấy dị vật hay để dị vật quá lâu trong mũi trẻ. Ngay khi nghi ngờ dị vật có trong mũi của con, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở tai mũi họng để được thăm khám và có cách lấy dị vật nằm trong mũi bé phù hợp, đúng cách. Khi đó, các bác sĩ sẽ thăm khám đèn clar hoặc nội soi mũi và lấy dị vật trong mũi trẻ bằng các dụng cụ chuyên dụng với sự trợ giúp của các phụ tá, điều dưỡng.
Trong quá trình khám, nếu nhận thấy tình trạng viêm nhiễm, chảy máu hay loét vách ngăn (do dị vật ăn mòn) thì việc điều trị kết hợp kháng sinh, kháng viêm, cầm máu,… là điều cần thiết.
Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là luôn chủ động nhận rõ tình trạng của trẻ và xử trí đúng cách, đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng để được hỗ trợ và có cách lấy dị vật trong mũi bé phù hợp. Bên cạnh đó, đừng quên phòng ngừa tình trạng trẻ đưa dị vật vào mũi bằng cách luôn quan sát, ngăn ngừa trẻ kịp thời, hạn chế cho trẻ chơi một mình với các đồ chơi nhỏ, đồng thời, dạy con về việc nguy hiểm khi đưa các đồ vật vào mũi.