Hội chứng crohn và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Hội chứng Crohn hay còn gọi là bệnh viêm đường ruột với các triệu chứng đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa nghiêm trọng. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây ra hội chứng Crohn

Crohn là viết tắt của IBD (Inflammatory Bowel Disease) là một hội chứng gây ra viêm nhiễm ở ruột, dễ lây lan và ăn sâu vào thành ruột gây viêm loét, chảy máu. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm tỷ lệ cao ở nhóm người trẻ tuổi.

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Tuy nhiên, một số yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch của cơ thể có vấn đề có thể là đóng vai trò nhất định cho sự phát triển của bệnh Crohn.

– Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh Crohn thì những thành viên trực hệ cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn. Do đó, gen di truyền có thể đóng vai trò nhất định khiến cho các thế hệ sau có khả năng dễ mắc bệnh Crohn hơn gia đình khác.

– Hệ thống miễn dịch: Giả thuyết bệnh Crohn có thể gây ra do một số loại virus hoặc vi khuẩn. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh cố gắng chống lại những tác nhân xâm nhập thì xảy ra phản ứng miễn dịch bất thường, khiến hệ thống miễn dịch nhầm lẫn không chỉ tấn công tác nhân xâm nhập mà tấn công luôn các tế bào trong đường tiêu hóa.

hội chứng crohn gây ra bởi nguyên nhân nào

Crohn là bệnh viêm ruột gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra

2. Biểu hiện của bệnh hội chứng Crohn như thế nào?

Triệu chứng của bệnh Crohn từ nhẹ đến nặng, có thể phát triển âm thầm hoặc xảy ra đột ngột mà thường không có cảnh báo. Hội chứng Crohn có loại cấp tính và mãn tính.

2.1. Biểu hiện hội chứng Crohn cấp tính

– Người bệnh có biểu hiện đau bụng (do tổn thương thành ruột và do sự co thắt của ruột), nhất là vùng hố chậu phải (vị trí đau này dễ nhầm với bệnh viêm ruột thừa, viêm đại tràng, sỏi niệu quản, ở nữ giới còn có thể nhầm với u nang buồng trứng hoặc chửa ngoài tử cung). Đau bụng thường xảy ra sau khi ăn, kèm theo buồn đi đại tiện, sau khi người bệnh đại tiện, triệu chứng đau bụng giảm hoặc hết.

– Một số bệnh nhân bị đau bụng kèm theo có sốt cao (>39 độ C).

– Người bệnh bị đi ngoài phân lỏng hoặc phân có kèm theo máu.

– Ngoài ra, người bệnh có thể buồn nôn hoặc nôn do đường tiêu hóa bị kích thích.

2.2. Biểu hiện hội chứng Crohn mãn tính

– Bệnh tiến triển từ từ, âm thầm và kéo dài khá lâu (khoảng trên 2 năm).

– Người bệnh thường xuyên bị đau bụng âm ỉ.

Rối loạn tiêu hóa kéo dài gây sụt cân, mất nước, thiếu chất dinh dưỡng (do không hấp thu được).

– Xuất huyết đường tiêu hóa trong dẫn đến thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, giảm sự thèm ăn…

triệu chứng của hội chứng Crohn

Người bệnh bị Crohn thường xuyên bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa…

3. Biến chứng bệnh Crohn nguy hiểm như thế nào?

– Gây tắc ruột

Theo thời gian, hội chứng Crohn khiến các đoạn của ruột có thể bị sẹo và hẹp lại, chặn dòng di chuyển của thức ăn trong đường ống tiêu hóa. Biến chứng này khiến người bệnh đau bụng dữ dội, khó đi đại tiện. Để giải quyết có thể phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị tắc.

– Crohn gây viêm loét thành ruột.

Hội chứng Crohn mãn tính có thể dẫn đến vết loét bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa không chỉ ở ruột mà còn cả miệng và hậu môn.

– Bệnh Crohn gây nứt hậu môn hoặc xuất hiện lỗ rò

Lỗ rò thường gần hoặc xung quanh khu vực hậu môn rất phổ biến do biến chứng bệnh Crohn gây ra.

– Biến chứng xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu, suy dinh dưỡng

Viêm loét do Crohn gây ra dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa. Biến chứng này khiến người bệnh thiếu máu, suy dinh dưỡng, viêm khớp, chán ăn…

– Biến chứng ung thư

Bệnh Crohn ảnh hưởng đến đại tràng làm tăng nguy cơ ung thư tại bộ phận này. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên sàng lọc ung thư đại tràng định kỳ khi bước vào độ tuổi 40.

4. Đối tượng nguy cơ cao mắc hội chứng Crohn

– Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là khoảng dưới 30 tuổi.

– Người da trắng và người gốc Đông Âu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh Crohn gia tăng ở những người da đen sinh sống ở Bắc Mỹ và Vương quốc Anh.

– Yếu tố gia đình. Cứ 5 người mắc bệnh Crohn thì có 1 người có thành viên gia đình mắc bệnh này.

– Khói và chất độc từ thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Crohn. Với những người đang bị bệnh, hút thuốc lá làm bệnh trầm trọng hơn.

– Các yếu tố bao gồm ô nhiễm, chế độ ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn cũng là lý do khiến nguy cơ mắc bệnh Crohn tăng lên.

bệnh crohn

Thăm khám sớm, điều trị giảm triệu chứng là mục tiêu kiểm soát hội chứng Crohn

5. Phòng ngừa hội chứng Crohn

Những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống giúp kiểm soát các triệu chứng và kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát của bệnh.

5.1. Thay đổi chế độ ăn có lợi cho đường tiêu hóa

– Một số loại thực phẩm, đồ uống có thể làm nặng thêm triệu chứng của bệnh Crohn. Nếu phát hiện ra điều này thì người bệnh nên loại bỏ chúng.

– Nên hạn chế các sản phẩm từ sữa động vật.

– Bổ sung chất xơ từ trái cây và rau quả tươi.

– Tránh xa các thực phẩm chua cay, rượu và cafein.

5.2. Áp dụng đồng bộ biện pháp ăn kiêng khác

– Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn no, không ăn khuya, không để bụng quá đói…

– Uống đủ nước trong ngày giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.

– Có thể bổ sung thêm các vitamin phù hợp. Do bệnh Crohn cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thì việc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất thường hữu ích và hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ 1 loại vitamin hoặc thực phẩm bổ sung nào.

– Tránh xa những căng thẳng và stress từ cuộc sống và công việc. Mặc dù căng thẳng không gây ra bệnh, nhưng nó có thể làm cho các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chúng ta cần có lối sống thoải mái, tránh xa căng thẳng như thường xuyên tập thể dục, tăng cường hoạt động ngoài trời, cân bằng cảm xúc…

Hội chứng Crohn hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn và không có phương pháp điều trị nào phù hợp với tất cả người bệnh. Thăm khám sớm phát hiện kịp thời để điều trị, hạn chế biến chứng, giảm triệu chứng lâu dài là mục tiêu hàng đầu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital