Hiểu biết về nấm âm đạo để điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản
Nấm âm đạo là bệnh lý phổ biến thường gặp ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng hiểu rõ nguyên nhân gây ra nấm âm đạo từ đâu và cách điều trị, phòng ngừa như thế nào? Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin giúp chị em trang bị kiến thức hữu ích về sức khỏe sinh sản.
nấm âm đạo

Nấm âm đạo là bệnh lý phụ khoa thường gặp và có thể điều trị được.

1. Thế nào là nấm âm đạo?

Nấm âm đạo là tình trạng ngứa ngáy, sưng viêm ở vùng kín, nguyên nhân phổ biến nhất là do nấm Candida Albican gây ra. Ngoài ra còn một số tình trạng viêm nhiễm do nấm âm đạo Chlamydia hoặc từ loại siêu vi khuẩn lây qua đường tình dục.
Ở điều kiện bình thường, âm đạo khỏe mạnh sẽ tồn tại cả vi khuẩn lợi và hại. Tuy nhiên, nếu độ pH trong âm đạo bị mất cân bằng, các lớp màng bảo vệ bị phá vỡ thì nấm men sẽ phát triển mạnh và tấn công âm đạo gây bệnh.
Thực tế, viêm nhiễm âm đạo là bệnh lý phụ khoa thường gặp và có thể điều trị được. Tuy nhiên, căn bệnh này nếu để tái phát nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý trong đời sống vợ chồng và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

2. Nguyên nhân phổ biến gây ra nấm âm đạo

Nấm Candida Albican được xem như tác nhân phổ biến nhất gây viêm nhiễm nấm âm đạo. Ngoài ra cũng có nhiều loại nấm khác có thể khiến vùng kín bị viêm nhiễm. Sự phát triển quá mức của một số loại nấm do một trong những nguyên nhân sau:
  • Vấn đề vệ sinh: Một số loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH quá cao làm mất cân bằng môi trường âm đạo khiến nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. Đồng thời việc thụt rửa quá mạnh cũng có tác động xấu đến vùng kín mà chị em cần lưu ý khi sử dụng các loạt thuốc xịt. Ngoài ra, việc lựa chọn quần lót quá chật, không thấm hút mồ hôi và vệ sinh không đúng cách cũng có thể dễ gây bệnh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Mặc dù nấm âm đạo không được coi là nhiễm trùng lây qua đường tình dục nhưng vẫn có trường hợp bệnh lây từ người này sang người khác.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn có lợi cho môi trường âm đạo của nữ giới. Việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài cũng có thể làm nấm dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
  • Sự thay đổi hormone khi mang thai, khi cho con bú cũng có thể thay đổi sự cân bằng ở vùng kín của nữ giới.
  • Người mắc bệnh tiểu đường: Sự gia tăng lượng đường trong máu cao cũng khiến phụ nữ có nguy nhiễm nấm cao hơn.
  • Một số nguyên nhân khác như sự suy giảm hệ miễn dịch, chế độ ăn uống dinh dưỡng thấp, mất ngủ kéo dài,… cũng tăng khả năng nhiễm nấm cao.
nấm âm đạo

Việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài cũng có thể làm nấm dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

3. Dấu hiệu mắc nấm âm đạo như thế nào?

Đây là căn bệnh phổ biến và rất dễ nhận biết với các dấu hiệu như:
  • Ngứa vùng kín, đặc biệt ngứa nhiều sau khi quan hệ tình dục. Mức độ nghiêm trọng hơn có thể cảm thấy sưng tấy và ngứa sâu bên trong vùng kín.
  • Khí hư ra nhiều bất thường, có màu trắng đục và có mùi hôi khó chịu.
  • Người bệnh có thể có dấu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, đau khi đi tiểu.
  • Trong khi quan hệ tình dục, cảm thấy đau bất thường
  • Có trường hợp âm đạo bị chảy máu sau khi quan hệ tình dục.

4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa hiện nay

4.1. Cách điều trị phổ biến hiện nay

Tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm và mức độ tái phát của bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Trong trường hợp triệu chứng còn nhẹ và trung bình, bác sĩ có thể chỉ định như sau:
  • Sử dụng các loại thuốc phổ biến nhất không kê đơn là kem chống nấm, thuốc mỡ hoặc thuốc đạn (chứa miconazole hoặc clotrimazole).
  • Hoặc sử dụng các loại thuốc kê đơn fluconazole (một loại thuốc chống nấm). Nếu bạn có thai, việc sử dụng kem bôi tương đối an toàn, nhưng tránh dùng fluconazole đường uống.
Nếu bệnh tái phát nhiều lần và các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, có một số điều trị khác bác sĩ có thể chỉ định như:
  • Thuốc uống đa liều: Thuốc uống được kê theo toa từ hai đến ba liều uống thay vì thuốc bôi. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với phụ nữ mang thai và phải được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị dài ngày: Thay vì các loại thuốc dùng trong 1 tuần, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm sử dụng hàng ngày lên đến 2 tuần và điều chỉnh liều lượng tùy vào bệnh lý mỗi người.
Tất cả những thuốc kê đơn tuyệt đối phải được sử dụng theo hướng dẫn từ bác sĩ có chuyên môn. Vì vậy, nếu có dấu hiệu tái phát nhiều lần và tình trạng bệnh nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám.
nấm âm đạo

Vệ sinh vùng kín đúng cách là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa các bệnh phụ khoa cho chị em phụ nữ.

4.2. Cách phòng ngừa bệnh nấm âm đạo đơn giản tại nhà

Chị em phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh viêm nhiễm nấm vùng kín ngay tại nhà thông qua một lối sống lành mạnh như:
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH dịu nhẹ, an toàn. Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sau đó lau khô không để tình trạng ẩm ướt.
  • Không quá lạm dụng các chất tẩy rửa, lạm dụng băng vệ sinh và nước hoa vùng kín vì sẽ gây mất cân bằng môi trường âm đạo.
  • Đặc biệt phụ nữ có thai cần vệ sinh vùng kín đúng cách và khám phụ khoa định kỳ để nhận sự hướng dẫn từ phía bác sĩ.
  • Khi đi tiểu cần dùng giấy vệ sinh lau khô vùng kín, tránh để trình trạng vi khuẩn xâm nhập.
  • Sử dụng quần lót thoáng mát, co giãn và thấm hút mồ hôi. Ngoài ra, không nên sử dụng quần bó sát thường xuyên.
  • Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh với tần suất vừa phải để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Có lối sống sinh hoạt khoa học: chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe.
Thực tế nấm âm đạo là bệnh lý thường gặp ở chị em phụ nữ và dễ dàng chữa khỏi. Tuy nhiên nếu để tái phát nhiều lần và mức độ viêm nhiễm trầm trọng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản. Chị em phụ nữ nên có một lối sống lành mạnh kết hợp khám phụ khoa định kỳ để phòng ngừa các căn bệnh viêm nhiễm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital